Tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy, tai nạn đuối nước đối với trẻ em luôn là mối quan tâm đặc biệt của người lớn, nhất là vào mùa hè. Để ngăn ngừa các nguy cơ đe dọa sự an toàn của trẻ, các địa phương, ban ngành tỉnh Bạc Liêu đã triển khai kế hoạch dạy bơi, tập huấn kỹ năng giúp trẻ chủ động phòng tránh tai nạn nguy hiểm này.
Năm 2017, Bạc Liêu có 90 trẻ em bị TNGT, 5 trẻ bị tai nạn đuối nước. Riêng đầu năm 2018, xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) đã có trẻ em tử vong vì tai nạn đuối nước. Trẻ em sống ở vùng sông nước là nhóm có nguy cơ gặp tai nạn đuối nước nhiều nhất, bởi không phải đứa trẻ nào sinh ra và lớn lên ở nông thôn cũng biết bơi, hoặc được trang bị kỹ năng tự phòng tránh tai nạn từ sông nước. Do đó, dạy bơi cho trẻ trở thành một biện pháp chủ động để người lớn giúp trẻ thoát hiểm.
Tranh thủ kỳ nghỉ hè, nhiều gia đình đã tạo điều kiện cho con em học bơi
tại Công viên văn hóa Trần Huỳnh (TP. Bạc Liêu)
Năm An toàn giao thông (ATGT) 2018 có chủ đề “ATGT cho trẻ em” với nhiều hoạt động hướng về sự an toàn của trẻ nhằm giảm tỷ lệ thương vong vì TNGT từ 5 - 10%. Ban ATGT tỉnh yêu cầu các địa phương phải gắn việc đảm bảo ATGT cho trẻ em với cuộc vận động “Xây dựng văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, có nghĩa là chú trọng đặc biệt đến việc đảm bảo ATGT trên sông nước cho trẻ. Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, siết chặt kiểm tra, xử lý các bến đò, phà hoạt động không phép, không trang bị dụng cụ nổi cứu sinh, áo phao cho trẻ…, Ban ATGT các địa phương đã lên kế hoạch mở lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ trong dịp hè này. Tại thị xã Giá Rai, trong tháng 6 này, Ban ATGT thị xã sẽ mở lớp dạy bơi cho 60 trẻ tại hồ bơi công cộng. Còn Ban ATGT huyện Hồng Dân thì lập kế hoạch tập bơi cho trẻ bằng việc phối hợp với Cảnh sát đường thủy tiến hành trên một đoạn sông. Đại tá Lê Thái Nguyên - Trưởng Công an, Phó Ban ATGT huyện Hồng Dân cho biết: “Không phải ai ở địa bàn nông thôn cũng biết bơi, đó là lý do cần tổ chức nhiều lớp dạy bơi trong thời gian tới. Việc Hồng Dân tập bơi cho trẻ trên địa hình thiên nhiên sẽ tăng hiệu quả, tương tác của trẻ em khi không may gặp sự cố trên sông nước…”. Cũng trong tháng 6/2018, huyện Hồng Dân sẽ tổ chức lớp tập huấn kỹ năng phòng tránh các loại tai nạn đối với trẻ, trong đó có TNGT đường thủy và đuối nước.
Thời gian qua, việc dạy bơi miễn phí cho con em cán bộ, chiến sĩ trong ngành Công an là một trong những giải pháp thiết thực để phòng chống TNGT đường thủy được Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh thực hiện. Đơn vị đã tập bơi thành công cho hàng trăm trẻ em hoàn toàn miễn phí. Theo Thượng tá Bùi Xuân Khởi - Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, công việc này sẽ được tiếp tục duy trì trong thời gian tới.
Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, có 33% số vụ tai nạn đuối nước xảy ra do người lớn chủ quan, thiếu giám sát trẻ ở những nơi nguy hiểm. Ý thức được điều này, không ít phụ huynh khu vực đô thị đã chủ động tìm kiếm các lớp dạy bơi cho con em mình. Một số phụ huynh còn đầu tư cho trẻ từ bơi cơ bản đến thuần thục, thậm chí đến khi trẻ bơi giỏi ở những hồ sâu, sông rạch. Đây là việc làm tối ưu nhất để hướng dẫn, bảo vệ trẻ khỏi những tai nạn thương tâm. Tuy nhiên, các trường hợp này chiếm tỷ lệ thấp vì nhiều lý do.
Hầu hết mọi người đồng tình rằng, cần đưa bơi lội thành môn học chính thức trong nhà trường, ngay từ bậc tiểu học. Việc dạy và học bơi cũng phải được thực hiện đến nơi đến chốn chứ không được lơ là, làm để lấy thành tích. Trong trường học, việc đầu tư cho thể dục - thể thao phải được chú trọng hơn để không còn nghe những câu chuyện đau lòng về các trường hợp học sinh đuối nước như thời gian qua. Gần đây, còn có ý kiến về việc tự tạo các hồ bơi “dã chiến” (đào hố, trải bạt, đổ nước để làm nơi tập bơi cho học sinh) ở các trường, thiết nghĩ đây cũng là ý kiến hay, các trường nên nghiên cứu. Trong thời gian chờ đợi các đơn vị nghiên cứu để thực hiện hóa các đề xuất, kiến nghị như đã nêu, thì mỗi gia đình nên trang bị kỹ năng sống, đặc biệt là tạo điều kiện cho trẻ học bơi để đề phòng tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.