Thắt chặt quản lý thiết bị giám sát hành trình

Thứ năm, 16/08/2018 09:58
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thời gian qua, cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng, chủ yếu liên quan đến xe khách. Khi kiểm tra, nhiều xe gặp nạn không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GPS) hoặc thiết bị có chất lượng kém, không truyền được dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), gây khó khăn trong công tác giám sát, điều tra nguyên nhân gây tai nạn.

Theo quy định, tất cả ô-tô kinh doanh vận tải bắt buộc phải lắp đặt GPS.

Ngày 30/7, trên Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn (tỉnh  Quảng Nam) xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, khiến 13 người tử vong. Theo báo cáo từ Tổng cục ĐBVN, xe khách bị tai nạn không có thiết bị giám sát hành trình khiến việc tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn gặp nhiều khó khăn.

Lý giải về việc các tài xế không mấy chú trọng đến việc lắp đặt và sử dụng thiết bị GPS, anh Trần Ngọc Sơn, một lái xe cho biết: “Khi chạy quá tốc độ, thiết bị GPS sẽ cảnh báo cho tài xế bằng tiếng bíp liên hồi. Tuy nhiên, do cảm thấy phiền hà nên nhiều lái xe đã tháo luôn nguồn điện của thiết bị”.  

Trước tình hình này, ngày 23/7/2018, Tổng cục ĐBVN có Công văn số 4558/TCĐBVN-VT yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường theo dõi, chấn chỉnh và xử lý vi phạm không truyền dữ liệu thiết bị GPS về Tổng cục ĐBVN.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng đề xuất thiết bị GPS phải có thêm tính năng lưu giữ hình ảnh ghi nhận hoạt động của lái xe. Đây là động thái được xem là khá cứng rắn của các cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn giao thông, khi mà ngày càng nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra.

Theo quy định Luật Giao thông đường bộ, ô tô kinh doanh vận tải bắt buộc phải lắp đặt GPS và thực hiện truyền những dữ liệu như hành trình, tốc độ, thời gian lái xe liên tục... về máy chủ do Tổng cục ĐBVN quản lý.

Việc lắp đặt GPS có tác dụng nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời lái xe trong điều chỉnh tốc độ khi lưu thông trên đường nhằm giúp họ tránh những vi phạm về Luật Giao thông đường bộ cũng như tai nạn đáng tiếc. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện quy định này chưa cao.

Trên thực tế, ngoài việc lái xe không chú trọng việc lắp đặt thiết bị GPS, thì phương thức giám sát, xử lý hiện nay còn nhiều bất cập. Đơn cử, trách nhiệm hậu kiểm, xử lý vi phạm không truyền dữ liệu thuộc các Sở GTVT địa phương, tuy nhiên, người nhận dữ liệu trực tiếp lại là Tổng cục ĐBVN; từ đó nhiều sai phạm đến cuối tháng mới được chuyển về Sở GTVT địa phương giải quyết…

Hiện nay, Sở GTVT thành phố Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô-tô khẩn trương rà soát toàn bộ công tác quản lý, điều hành vận tải tại đơn vị; bảo đảm thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ, Bộ GTVT về kinh doanh vận tải khách bằng ô tô.

Đặc biệt, lưu ý lập phương án chạy xe phù hợp, bố trí số lượng lái xe phù hợp với hành trình chạy xe, bảo đảm thời gian lái của một lái xe không quá 4 giờ liên tục và không quá 10 giờ trong ngày; hạn chế tối đa hoạt động vận tải qua khu vực đèo, dốc vào khung giờ ban đêm.

Để làm tốt việc quản lý lắp đặt thiết bị GPS của các lái xe, theo ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng, đơn vị đã chỉ đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái thực hiện kiểm tra chuyên đề việc truyền dữ liệu về Tổng cục ĐBVN và hình thức xử lý vi phạm theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, phối hợp lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý các trường hợp ô-tô vận tải khách có dấu hiệu chở quá số người quy định, xe kinh doanh vận tải khách không có phù hiệu do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định…

Đồng thời, phối hợp cùng các ngành chức năng của thành phố làm việc với đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình để rà soát, bảo đảm 100% thiết bị giám sát hành trình lắp trên xe của đơn vị được truyền dữ liệu liên tục về máy chủ của Tổng cục ĐBVN.

“Khi phát hiện thiết bị không truyền dữ liệu do lái xe không chấp hành hoặc do lỗi của đơn vị cung cấp thiết bị, thì cơ quan giám sát phải báo ngay về Sở GTVT để khắc phục kịp thời. Tuyệt đối không giải quyết xuất bến cho các xe không truyền dữ liệu thiết bị GPS về Tổng cục ĐBVN”, ông Trung nhấn mạnh.

Sở GTVT Đà Nẵng cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải có kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện theo đúng quy định; thực hiện kiểm tra nghiêm túc việc bảo đảm an toàn kỹ thuật của phương tiện trước khi đưa vào hoạt động vận tải; yêu cầu lái xe phải thực hiện kiểm tra các hệ thống an toàn của xe (hệ thống lái, phanh, chiếu sáng…) trước khi xe lên, xuống các đoạn đường đèo.

Tuyệt đối không đưa các phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật, thiết bị GPS không hoạt động hoặc đã hết hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường vào hoạt động. Tuyệt đối không được lắp đặt các thiết bị ngoại vi can thiệp vào thiết bị GPS lắp trên ô tô.

hoavt

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)