Thời gian qua, ngành chức năng và các nhà trường đã quan tâm làm tốt công tác giáo dục văn hóa giao thông nhằm góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) và ý thức tham gia giao thông cho mỗi học sinh. Tuy nhiên ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của một bộ phận không nhỏ học sinh vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, một bộ phận phụ huynh vẫn chưa quan tâm đến các quy định về đảm bảo trật tự ATGT trong việc đưa đón con, gây ùn tắc giao thông.
Ùn tắc trước các cổng trường
Trước cổng Trường Tiểu học Lê Văn Tám (Phường 1, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đã nhiều lần xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ, nhất là vào giờ tan tầm. Cô Lại Thị Phương Loan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám cho biết: “Vấn đề ATGT được nhà trường đặc biệt quan tâm, tìm nhiều giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, do lượng học sinh của nhà trường đông, giờ tan trường trùng với giờ tan sở nên khu vực tập trung nhiều phương tiện vào giờ cao điểm. Trong khi đó, ý thức chung của một số phụ huynh còn kém, có thói quen đậu đỗ xe dưới lòng đường nên đôi khi gây ra ùn tắc”.
Cùng với việc tuyên truyền, buộc phụ huynh học sinh ký cam kết, trường đã tổ chức các đội trực cổng, kẽ vạch sơn, hướng dẫn phụ huynh đậu đỗ xe trên lề đường, phân ô đưa học sinh ra cổng xếp hàng ngay ngắn, tổ chức cho học sinh tan trường so le giờ để giảm áp lực giao thông… Nhà trường cũng phối hợp với lực lượng công an phường bố trí lực lượng ứng trực vào 3 khung giờ: từ 6 giờ 30 phút - 7giờ, 10 giờ 20 phút - 11 giờ và 16 giờ 20 phút - 17 giờ để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. “Phương án sắp tới, khi đường Hòa Bình nối dài phía sau trường xây dựng xong, chúng tôi sẽ xin mở cổng sau để giảm tải giao thông, khi đó, vấn đề ùn tắc sẽ được giải quyết ổn thỏa”, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám khẳng định.
Nằm dưới dốc cầu Võ Thị Sáu, ngay góc giao lộ phương tiện đông đúc nên giao thông trước cổng Trường THCS Võ Thị Sáu (Phường 3, TP. Bạc Liêu) cũng có lúc phức tạp, nhất là khi phương tiện đông, xe buýt qua lại, học sinh tan trường băng ngang đường, đi ngược chiều, đi thành nhóm thành hàng. Ông Phan Thành Trung - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu cho biết: “Năm học này, từ khi nhà trường vẽ phân vạch để phụ huynh đậu đỗ xe đưa rước con, đồng thời chủ động mời cảnh sát giao thông đến trường tuyên truyền, phối hợp chốt chặn kiểm tra xử lý vi phạm, nhắc nhở các xe taxi đậu ở tuyến đường 30/4…, thì tình trạng ùn tắc trước cổng trường cải thiện rõ rệt”.
Phụ huynh Trường Tiểu học Lê Văn Tám
đậu đỗ xe tràn lan dưới lòng đường gây ùn tắc cục bộ
Nhiều hành vi vi phạm Luật Giao thông
Có mặt tại nhiều cổng trường, điều dễ nhận thấy là tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông vẫn còn cao. Phổ biến nhất vẫn là lỗi không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, đi ngược chiều, điều khiển mô tô, xe máy khi chưa đủ tuổi theo quy định… Cùng với những lỗi vi phạm của học sinh, không ít phụ huynh cũng vô tư điều khiển xe ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông… Ở một mức độ nhất định, chính sự không gương mẫu, xem thường Luật Giao thông của người lớn đã góp phần khiến cho các hành vi vi phạm ở học sinh diễn ra phổ biến, khó sửa đổi.
Nhằm lập lại trật tự ATGT học đường, lực lượng Cảnh sát giao thông TP. Bạc Liêu thường xuyên ứng trực nhằm kiểm tra, tuyên truyền giáo dục và xử lý những trường hợp vi phạm trật tự ATGT, đặc biệt là tình trạng phụ huynh, học sinh vi phạm ở gần các cổng trường. Qua đó kịp thời chấn chỉnh, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT đối với người tham gia giao thông nói chung, phụ huynh, học sinh nói riêng.
Theo Đội Cảnh sát giao thông số 2 (Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an tỉnh Bạc Liêu), lực lượng phát hiện rất nhiều trường hợp thanh thiếu niên điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật. Trên thực tế đã xảy ra tình trạng học sinh vi phạm các quy định về ATGT, để lại hậu quả rất nặng nề, nhiều em phải chịu thương tật nặng, thậm chí tử vong trên đường đến trường - về nhà.
Để hạn chế tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông trước cổng trường, quan trọng nhất vẫn là việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của học sinh cũng như phụ huynh; đồng thời, nhà trường cần phối hợp với ngành chức năng để xử lý nghiêm những trường hợp học sinh vi phạm ATGT. Về phía gia đình, tùy thuộc vào độ tuổi của con em mà có hướng dẫn về kỹ năng tham gia giao thông, thường xuyên nhắc nhở, giáo dục về những tác hại, hậu quả của việc vi phạm trật tự ATGT. Hoạt động tuyên truyền cũng cần được đổi mới về phương pháp, chú trọng vào thực tiễn, tránh hình thức “độc thoại” đơn điệu… để phát huy tốt hiệu quả. Có như vậy mới góp phần đưa văn hóa giao thông học đường đi vào thực chất.