An Giang: Đảm bảo trật tự an toàn giao thông bằng nhiều giải pháp hay

Thứ tư, 04/09/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 9-4-2012, Tỉnh ủy An Giang ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) năm 2012 và các năm tiếp theo. Từ chỉ đạo trên, nhiều mô hình mới, giải pháp hay được đưa vào thực tiễn.
Ngày 9-4-2012, Tỉnh ủy An Giang ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) năm 2012 và các năm tiếp theo. Từ chỉ đạo trên, nhiều mô hình mới, giải pháp hay được đưa vào thực tiễn.
Trên cơ sở Chỉ thị 13 của Tỉnh ủy, Ban ATGT tỉnh đã xây dựng kế hoạch “Cán bộ công chức, viên chức gương mẫu chấp hành pháp luật ATGT và xây dựng văn hóa giao thông”, đặc biệt là cán bộ, đảng viên không uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa và trước khi lái xe. Đến nay, có 80 cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện; trên 45.200 cán bộ, công chức, viên chức đã đăng ký thực hiện. Hiện tại, kế hoạch được triển khai thí điểm ra dân ở xã Đa Phước (An Phú), với 2.783 hộ (chiếm 59% tổng số hộ). Hoạt động vừa mang tính chất tuyên truyền, vừa nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, trong chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, trách nhiệm người đứng đầu các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị được quy định rõ ràng. Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban ATGT tỉnh, Vương Bình Thạnh chỉ đạo: Địa phương nào hai năm liên tiếp để xảy ra tai nạn giao thông và số người chết do tai nạn giao thông tăng liên tục sẽ bị xử lý trách nhiệm người đứng đầu, kể cả các địa bàn xã, phường, thị trấn. Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn tại các bến khách ngang sông trên địa bàn quản lý. Ngoài ra, nghiêm cấm cán bộ, công chức các sở, ban ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội từ cấp tỉnh đến cơ sở can thiệp vào việc xử phạt, đồng thời xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm trật tự ATGT.
Xây dựng phong trào vận động quần chúng tham gia giữ gìn trật tự ATGT cũng được xem là một biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn và kiềm chế tai nạn giao thông. Ban ATGT tỉnh đã xây dựng và triển khai mô hình xã, phường, thị trấn “Tự quản về ATGT”. Đây là chủ trương, biện pháp đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Từ đó, mô hình tác động và làm thay đổi về mặt nhận thức của quần chúng nhân dân về nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT và ý thức chấp hành pháp luật về ATGT. Các địa phương linh hoạt trong tổ chức thực hiện, nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. TP. Long Xuyên, huyện Châu Thành tổ chức ký cam kết giao ước thi đua giữa các Ban tự quản khóm, ấp và các Tổ tự quản; Thoại Sơn tập hợp các thanh thiếu niên thường xuyên vi phạm trật tự ATGT để giáo dục, cảm hóa; Phú Tân kết hợp mô hình “Tự quản về ATGT” với mô hình “Tự quản toàn diện về an ninh trật tự”; An Phú nhân rộng mô hình “Cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu chấp hành pháp luật ATGT và xây dựng văn hóa giao thông” ra nhân dân; Tân Châu tổ chức tuyên truyền pháp luật ATGT cho 420 người mua bán xe đẩy, bán hàng lưu động… Bên cạnh đó, Báo An Giang, Đài Phát thanh – Truyền hình An Giang tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân; góp phần tạo được dư luận xã hội lên án các hành vi vi phạm trật tự ATGT; kịp thời nêu gương những cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến chấp hành tốt…
Một giải pháp đầy hiệu quả của An Giang được Trung ương khen ngợi chính là Đội Đặc nhiệm. Từ 2 đội thí điểm ban đầu tại TP. Long Xuyên, đến nay các huyện, thị xã, thành phố đều thành lập lực lượng, nhằm tuần tra kiểm soát đảm bảo trật tự ATGT nói riêng và trật tự công cộng nói chung. Đội Đặc nhiệm khiến người dân yên giấc hơn khi đêm về, giúp ngăn chặn tội phạm hiệu quả. Đặc biệt, trong thời gian hoạt động của Đội Đặc nhiệm (18 – 24 giờ hàng ngày), tình trạng đua xe trái phép, lái xe lạng lách đánh võng, hoặc người điều khiển phương tiện trong tình trạng say rượu – những nguyên nhân hàng đầu gây nên tai nạn giao thông - giảm rõ rệt.
Trưởng ban ATGT tỉnh Vương Bình Thạnh khẳng định, thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện một số giải pháp đột phá khác: Tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống giám sát trật tự ATGT đường bộ bằng hình ảnh (camera), quản lý thiết bị giám sát hành trình trên ôtô khách, ôtô vận tải. Đồng thời, tiếp tục phát huy, nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp, cơ quan ban ngành, đoàn thể trong việc xác định các giải pháp đột phá, có hiệu quả trong việc đảm bảo trật tự ATGT…
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 79 vụ tai nạn giao thông, làm 49 người chết, 73 người bị thương (giảm 31 vụ, 4 người chết và 38 người bị thương so với cùng kỳ). Lực lượng chức năng đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính gần 60.000 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, giải tỏa trên 16.000 lượt lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè gây cản trở giao thông; thu qua Kho bạc Nhà nước trên 53,5 tỷ đồng.
Nguồn: Báo An Giang

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)