Đây là nội dung của Hội thảo “Đổi mới quản lý, hoạt động Taxi. Đảm bảo công bằng, bình đẳng trong kinh doanh và quyền lợi của hành khách đi xe Taxi” do Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tổ chức sáng nay (23/2), tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe các tham luận của Hiệp hội Taxi TP Hà Nội, Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh, Công ty CP Tập đoàn Mai Linh, Công ty CP Ánh Dương Việt Nam, Công ty Taxi Thành Công; đặc biệt là các tham luận của các chuyên gia kinh tế, vận tải và trao đổi của đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước về các vấn đề liên quan đến đổi mới quản lý, hoạt động Taxi.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chủ trì Hội thảo
Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, việc Hiệp hội tổ chức Hội thảo nhằm đảm bảo công bằng, bình đẳng trong kinh doanh và quyền lợi của hành khách đi xe Taxi; bên cạnh đó nâng cao chất lượng dịch vụ hành khách, văn minh hơn, giảm giá cước; đồng thời đề xuất với cơ quan quản lý Nhà nước để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.
Theo ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, mật độ dân số tại các quận của Hà Nội quá lớn và tăng quá nhanh dẫn đến quá tải cho mọi lời giải về quản lý đô thị. Gần 6 triệu xe máy và 600.000 xe ô tô gia tăng quá nhanh là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ùn, tắc giao thông Hà Nội.
“Trong khi các yêu cầu về điều kiện kinh doanh đối với các doanh nghiệp taxi rất ngặt nghèo, cần phải coi taxi là phương tiện công cộng không phải xe cá nhân để có những chính sách phù hợp trong quản lý, ưu đãi hợp lý trong đầu tư và trong những chính sách về thuế và phí...” - ông Đỗ Quốc Bình kiến nghị.
Đối với cơ quan quản lý, ông Đỗ Quốc Bình kiến nghị cần đánh giá đúng vai trò của hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe taxi là phương tiện vận chuyển hành khách công cộng. Đối với các xe Grab và Uber hoạt động tại Hà Nội phải được quản lý với các điều kiện hoạt động như taxi truyền thống, Grab và Uber phải chịu mức thuế 10% trên tổng doanh thu chuyến đi và 20% thuế thu nhập giống như mức thuế đang áp dụng đối với taxi truyền thống; đồng thời xử lý nghiêm xe taxi ngoại tỉnh hoạt động tại Hà Nội không đúng theo phương án kinh doanh đã lập...
Cũng liên quan đến hoạt động của xe Grab và Uber, ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh cho biết, trong khoảng hơn 2 năm gần đây, sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của một loại hình vận tải giống xe taxi mang tên Grab và Uber đã làm dậy sóng thị trường vận tải hành khách trên cả nước. Từ đó tạo ra cuộc cạnh tranh không cân sức giữa các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài và các đơn vị trong nước.
“Chúng tôi lo ngại rằng với thực trạng hiện nay nếu không được Nhà nước bảo hộ hợp lý, các doanh nghiệp taxi truyền thống sẽ lụi bại dần và tiến tới phá sản, hệ lụy sau đó sẽ là không nhỏ cho hàng trăm nghìn gia đình Việt, sẽ gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, sẽ tạo ra nhiều phức tạp xã hội từ sự phá sản của các doanh nghiệp và từ thất nghiệp của hàng trăm nghìn lao động trên cả nước. Thực tế hiện nay ở TP Hồ Chí Minh hầu hết các hãng taxi đều có nguy cơ phá sản, sẽ rất đáng tiếc lý do phá sản lại tiềm ẩn từ các chính sách thiếu công bằng của các cơ quan quản lý Nhà nước” - ông Tạ Long Hỷ nhấn mạnh.
Xuân Nguyên