Bình Định: Siết chặt quản lý giao thông thủy nội địa

Thứ sáu, 07/06/2019 10:40
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Gần đây, hoạt động kinh doanh vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bình Định có xu hướng phát triển mạnh. Tuy nhiên, các yêu cầu về hạ tầng bến, bãi, các điều kiện hoạt động của phương tiện chưa đáp ứng, gây nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT). UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản yêu cầu Sở GTVT, chính quyền các địa phương phải có giải pháp khả thi chấn chỉnh tình trạng này.

Theo Sở GTVT Bình Định, toàn tỉnh hiện có 17 bến, bãi đón trả khách và luồng tuyến đường thủy nội địa. Trong đó, có 6 luồng tuyến phục vụ dân sinh và 11 luồng tuyến phục vụ khách du lịch ven biển. Điều đáng lo ngại là nguy cơ mất ATGT ở đây hiện rất cao, do hầu hết các bến, bãi, luồng tuyến thủy chưa được quan tâm đầu tư hạ tầng như cầu tàu, nhà chờ; phương tiện chưa được đăng ký, đăng kiểm; người lái chưa được cấp giấy phép điều khiển.

Nhà chờ tại bến Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) vừa được xây dựng,
cùng với nội dung tuyên truyền về bảo đảm các điều kiện ATGT.

Ông Lơ O Diên, người dân ở làng Canh Tiến, xã Canh Liên (Vân Canh), cho biết: “Hằng ngày, tôi đi đò ngang qua hồ Núi Một để ra chợ Nhơn Tân mua thức ăn và các nhu yếu phẩm, tiền vé là 10.000 đồng/người/lượt. Tuy nhiên, tôi và khách đi đò cảm thấy rất lo lắng do bến bãi không đảm bảo, khách phải lội xuống nước để lên đò vì không có cầu tàu, khách cũng chưa có áo phao theo quy định. Rất mong ngành chức năng và chính quyền địa phương quan tâm đầu tư bến bãi, kiểm tra độ an toàn của các đò chở khách”.

Nhằm từng bước lập lại trật tự ATGT trên lĩnh vực này, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản số 2644/UBND-KT yêu cầu Sở GTVT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố có giải pháp khả thi để đầu tư xây dựng hạ tầng, các điều kiện về bảo đảm ATGT tại các bến thủy nội địa.

Ông Đặng Văn Ái, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Để khắc phục tình trạng trên, Sở GTVT vừa chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình ATGT đường thủy nội địa với sự tham gia của nhiều đơn vị, địa phương liên quan. Trên cơ sở Đề án phát triển GTVT đường thủy nội địa tỉnh đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt, Sở GTVT đã thống nhất lập phương án, triển khai xây dựng 11 bến thủy nội địa trong thời gian tới.

Cụ thể, trên địa bàn TP Quy Nhơn xây dựng 3 bến, gồm bến Nhơn Châu, Hải Minh và Hàm Tử. Huyện Tuy Phước xây dựng 2 bến là Vinh Quang 2 và Cồn Chim, xã Phước Sơn. Huyện Phù Cát xây dựng bến An Quang, xã Cát Khánh. Huyện Phù Mỹ xây dựng bến Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành. Huyện Tây Sơn xây dựng bến Thượng Giang 2 và bến Hữu Giang, thuộc xã Tây Giang. Huyện Vân Canh xây dựng bến tại làng Canh Tiến, xã Canh Liên. TX An Nhơn xây dựng bến tại khu vực gần đập chính hồ chứa nước Núi Một thuộc xã Nhơn Tân.

Tại bến thủy nội địa hồ Núi Một (TX An Nhơn),
hành khách phải lội nước khi lên xuống đò do không có cầu tàu.

Ông Trần Văn Ơi, Phó Chánh Thanh tra Giao thông, Sở GTVT Bình Định cho hay: Trong thời gian chờ xây dựng các bến thủy nội địa đảm bảo theo yêu cầu, Thanh tra Giao thông đã trích kinh phí ATGT khoảng 100 triệu đồng hỗ trợ xây dựng 2 nhà chờ cho hành khách tại bến Vĩnh Lợi, bến Thượng Giang 2 và hệ thống pa nô, áp phích tuyên truyền về ATGT tại các bến, bãi đường thủy nội địa. Đồng thời, lực lượng Thanh tra giao thông cũng tăng cường công tác tuyên truyền đảm bảo ATGT, cảnh báo người dân mặc áo phao trong khi lưu thông trên các tuyến đường thủy nội địa; tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý, đình chỉ hoạt động đối với phương tiện chở người không đảm bảo an toàn...

“Để chấn chỉnh hoạt động vận chuyển hành khách đường thủy nội địa, Thanh tra giao thông sẽ tăng cường hướng dẫn các chủ phương tiện đăng kiểm, đăng ký hoạt động phương tiện. Cùng với đó, sẽ thống kê nhu cầu đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa để có kế hoạch phối hợp với cơ quan chuyên môn đào tạo, cấp chứng chỉ hoạt động”, ông Ơi nhấn mạnh.   

hoavt

Nguồn: Báo Bình Định

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)