Theo số liệu của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh trong năm 2023, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp với 9 vụ làm 4 người chết và 1 người bị thương.
Các vụ TNGT đường sắt đã không chỉ ảnh hưởng lớn tới sinh mạng, sức khoẻ của người tham gia giao thông, gây thiệt hại tài sản mà còn làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải hành khách, hàng hoá trên toàn tuyến.
Lắp đặt hàng rào xóa bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt
tại vị trí Km 84+185 trên địa bàn phường Lộc Hòa (thành phố Nam Định).
Trước tình hình đó, để góp phần bảo đảm trật tự ATGT chủ động giải quyết các nguyên nhân, điều kiện phòng ngừa, kéo giảm tai nạn đường sắt, UBND tỉnh yêu cầu Ban ATGT tỉnh; các sở, ngành thành viên Ban ATGT tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc và thành phố Nam Định chỉ đạo thực hiện ngay các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT đường sắt. UBND tỉnh yêu cầu các địa phương có tuyến đường sắt đi qua tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, không lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt, bảo vệ thiết bị và các công trình đường sắt; các biện pháp phòng, tránh tai nạn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; tổ chức ký cam kết chấp hành pháp luật về giao thông với các hộ gia đình thuộc các xã, phường, thị trấn ven tuyến đường sắt; nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT đường sắt của nhân dân.
Cùng với đó, thực hiện Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 28/7/2020 của UBND tỉnh về đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã phối hợp với UBND các huyện Vụ Bản, Mỹ Lộc, Ý Yên; UBND thành phố Nam Định; Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh triển khai tích cực công tác xóa bỏ các lối đi tự mở góp phần giảm thiểu TNGT đường sắt. Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh phối hợp với UBND phường Lộc Hòa (thành phố Nam Định) tiến hành rào chắn, xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt tại 2 vị trí: Km 84+185 rộng 6m và Km 84+495 rộng 11m (theo lý trình đường sắt).
Theo đó, tại các vị trí đường ngang trái phép trên Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh đã tổ chức đào, xúc đất đá, nền bê tông trả lại nguyên trạng công trình; đồng thời tổ chức lắp đặt hàng rào sắt phía đường gom để cách ly hoàn toàn đường gom với đường sắt, xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở trái phép. Theo thông tin của UBND phường Lộc Hòa, sau khi xóa bỏ 2 điểm lối đi tự mở trái phép tại vị trí Km 84+185 và Km 84+495, trên địa bàn phường không còn lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; hiện chỉ còn 3 đường ngang hợp pháp; trong đó 2 điểm đường ngang có gác chắn tự động, 1 điểm có người cảnh giới đảm bảo ATGT. Để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn, UBND huyện Vụ Bản đã chú trọng phối hợp với Sở GTVT, Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh và chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện các giải pháp xóa bỏ lối đi tự mở.
Trong đó huyện đã triển khai xây dựng đường gom được 1,1km; xóa bỏ được một số lối đi tự mở. Hiện tại, trên địa bàn huyện còn 18 lối đi tự mở qua đường sắt. Trong đó có 8 lối đi tự mở chưa thể đóng ngay nên để đảm bảo trật tự ATGT đường sắt, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng tổ chức cắm biển “Chú ý tàu hỏa” để cảnh báo người và phương tiện lưu thông. 10 lối đi tự mở còn lại, UBND huyện đã kiến nghị Sở GTVT chỉ đạo đơn vị quản lý, duy tu, bảo dưỡng đường bộ phối hợp với Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh triển khai đóng tôn hộ lan để xóa bỏ.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành và UBND các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc và thành phố Nam Định, công tác xóa lối đi tự mở qua đường sắt trong năm 2023 đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Toàn tỉnh đã xóa bỏ 16 lối đi tự mở qua đường sắt, trong đó thành phố Nam Định 3 vị trí, huyện Mỹ Lộc 5 vị trí, huyện Vụ Bản 7 vị trí, huyện Ý Yên 1 vị trí, chưa kể 1 lối đi tự mở đóng tạm thời (lắp rào chắn bằng barie có khoá giao cho cán bộ thôn quản lý tại Km105+750). Tính đến thời điểm hiện tại toàn tuyến đường sắt trên địa bàn tỉnh còn 68 lối đi tự mở. Như vậy, từ chỗ có 249 lối đi tự mở qua đường sắt, trong thời gian qua, toàn tỉnh đã xóa được 181 lối đi tự mở, đạt khoảng 72,7% so với Kế hoạch số 66/KH-UBND của UBND tỉnh; cắm bổ sung, thay thế 55 biển cảnh báo “chú ý tàu hỏa”.
Bên cạnh giải pháp xóa lối đi tự mở để giảm thiểu TNGT đường sắt, trong năm 2023, Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát Giao thông và Công an các huyện Ý Yên, Mỹ Lộc, Vụ Bản, thành phố Nam Định tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về đảm bảo trật tự ATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh, phát hiện kịp thời các bất cập, góp phần đảm bảo an toàn chạy tàu. Theo đó, Phòng Cảnh sát Giao thông đã phối hợp với chính quyền địa phương, Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh, Chi nhánh thông tin tín hiệu Điện Hà Ninh, Đội Thanh tra An toàn đường sắt số 3 tiến hành kiểm tra, rà soát đường ngang có tổ chức phòng vệ và đường ngang dân sinh trên địa bàn tỉnh, kiến nghị giải quyết những điểm bất cập, đồng thời có biện pháp phòng ngừa tai nạn, bố trí lực lượng tuần tra, kiểm tra ATGT đường sắt. Trong năm 2023, Công an tỉnh đã xử lý 19 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường sắt, phạt tiền 15,3 triệu đồng.
Phát huy những kết quả đã đạt được, để quyết tâm kiềm chế, giảm TNGT đường sắt trong năm 2024, tỉnh yêu cầu UBND các địa phương có tuyến đường sắt chạy qua địa bàn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của ngành Đường sắt để thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT đường sắt và Kế hoạch số 66/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm việc mở lối đi trái phép qua đường sắt trên địa bàn tỉnh; gắn xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện, xã, cương quyết không để phát sinh thêm lối đi trái phép qua đường sắt. Các sở, ngành thành viên Ban ATGT tỉnh, UBND các huyện và các địa phương có đường sắt đi qua thực hiện nghiêm các giải pháp: kiên quyết đấu tranh, xử lý ngăn chặn việc mở đường dân sinh qua đường sắt đấu nối trực tiếp vào đường chính, đảm bảo ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ, đường sắt; chủ động lập kế hoạch, thực hiện lộ trình xóa bỏ đường ngang dân sinh, lối đi tự mở trái phép qua đường sắt, xây dựng đường gom ven đường sắt tạo thuận lợi cho dân cư đi lại. Ban ATGT tỉnh, Sở GTVT kiến nghị Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với tỉnh tiếp tục huy động nguồn lực xây dựng đường gom để xóa lối đi tự mở trên địa bàn, đồng thời tổng hợp báo cáo Bộ GTVT một số đường dân sinh nhưng có lịch sử hình thành từ lâu, lưu lượng giao thông lớn, hiện không thể đóng và xây dựng đường gom, cần nâng cấp thành đường ngang hợp pháp để đảm bảo trật tự ATGT theo đề nghị của địa phương sở tại./.