Tháng tất niên, chuyện về quê Sum họp gia đình và du xuân mở ra những nhu cầu giao thông khác với bình thường, dễ gây mất trật tự an toàn giao thông (ATGT). Do đó, đòi hỏi công tác tổ chức giao thông vận tải (GTVT), hoạt động kiểm tra kiểm soát và ý thức người tham gia giao thông phải nâng lên tương ứng, mới có thể hạn chế sự gia tăng tai nạn giao thông (TNGT)...
Phục vụ vận chuyển Tết năm nay, năng lực vận chuyển khách của đường sắt tăng 20%, hàng không tăng 30%, chủ yếu trên tuyến bắc-nam, mức tăng nói trên cũng đã chạm giới hạn cho phép. Tất cả nhu cầu còn lại thuộc trách nhiệm của vận tải ô-tô. Không ít chuyên gia khẳng định, dù nhu cầu lớn và luồng khách lệch chiều (trước Tết từ phía nam ra, sau Tết từ phía bắc vào là chủ yếu) vận tải ô-tô vẫn có thể đáp ứng nhu cầu, trừ một vài ngày cao điểm nhất (ngày đẹp trùng với ngày các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đồng loạt cho nghỉ Tết).
Ý kiến khẳng định nói trên dựa vào ba căn cứ: Một là trong ngày thường, năng lực vận chuyển khách bằng ô-tô cung vượt cầu. Hai là một số doanh nghiệp vận tải khách đường dài tăng thêm xe mới phục vụ Tết. Ba là cùng với xe kinh doanh vận tải chuyên tuyến thường xuyên, có thể huy động xe tăng cường (xe chạy đường ngắn, xe chở khách theo hợp đồng tham gia chở khách đường dài bắc-nam).
Bảo đảm an toàn vận tải khách bằng ô-tô nói chung và tuyến bắc-nam dài nhất, đông nhất, lệch chiều nhất là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác trật tự ATGT trong dịp Tết. Ở đây, có hai vấn đề cần phải giải quyết:
Một là, tổ chức thị trường vận tải hợp lý, có cơ chế thu hút xe tăng cường tham gia chở khách đường dài. Tránh lặp lại tình trạng các xe chạy chuyên tuyến thường xuyên muốn giữ độc quyền để thu lợi cao, tạo ra sự căng thẳng cung không đủ cầu. Ðây là môi trường dẫn đến cạnh tranh lộn xộn, xe rượt đuổi nhau để tranh khách, xe "dù" tung tác, tăng giá và lèn khách vô tội vạ.
Hai là, hoạt động kiểm tra kiểm soát bảo đảm sự thống nhất, ngăn chặn xe chở khách quá tải ngay từ gốc. Tuyến vận tải bắc-nam đi qua hàng chục tỉnh, thành phố, nếu nơi "lỏng" nơi "chặt" sẽ tạo ra sơ hở dễ bị một số lái xe lợi dụng để chở khách quá tải và vi phạm quy tắc an toàn vì mục tiêu lợi nhuận.
Lúc bình thường ba loại vi phạm chính, nguyên nhân gây ra 60% TNGT đường bộ là chạy quá tốc độ cho phép; tránh, vượt sai quy định, lạng lách, đánh võng; say rượu bia trong khi điều khiển phương tiện giao thông. Trong tháng tất niên và dịp Tết, ba loại vi phạm nói trên thường tăng lên với nhiều lý do: Ai cũng có cớ để biện minh cho sự vội vàng khi điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ quy định. Thời điểm đỉnh cao của hoạt động kinh doanh vận tải, hành khách sốt ruột, lại tay xách nách mang, còn người vận chuyển thì hối hả tranh thủ để quay vòng nhanh phương tiện. Số rượu bia được dùng nhiều gấp đôi ngày thường và không ít người tự cho phép mình thoải mái hơn về liều lượng sử dụng đồ uống có chất men. Một số thanh niên thiếu ý thức, vui chơi quá đà, thi nhau hoặc thách đố nhau đánh võng, lạng lách xe máy trên đường đông người. Ðó là chưa kể người thừa hành công vụ nương tay hoặc nới lỏng hoạt động sau thời gian cao điểm... Từ kinh nghiệm của những năm trước, nên tăng cường các biện pháp kiên quyết, tập trung xử phạt những loại vi phạm nguy hiểm để góp phần ngăn chặn, răn đe...
Ðội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, một thói quen mới hình thành được vài tháng, cần được duy trì tốt trong dịp Tết. Thói quen này thể hiện ý thức chấp hành pháp luật, quý trọng cuộc sống và tương lai của mình, phản ánh phần nào sự văn minh khi tham gia giao thông. Cho nên cần được nhân rộng đối với việc chấp hành các quy định bảo đảm trật tự ATGT, ngày Tết cũng như ngày thường. Riêng ngày Tết, việc giữ gìn an toàn còn có ý nghĩa tránh "rông" cho cả năm, theo quan niệm dân gian...
Quang Tuấn - Báo Nhân Dân