Đâu là giải pháp để giảm TNGT, sau đây là một số nguyên nhân gây ra TNGT.
- Ý thức tham gia giao thông của người dân còn chưa cao.
- Điều kiện hạ tầng giao thông còn kém, lạc hậu.
- Sự phát triển ồ ạt của xe gắn máy.
- Quy hoạch phát triển đô thị còn nhiều bất cập dẫn tới gia tăng mật độ dân số tại các đô thị lớn..………
Những nguyên nhân này ai cũng biết và đã có bao nhiêu cuộc thảo luận để giải quyết các vấn đề này nhưng kết quả thì ai cũng biết. Tuy nhiên để có thể đưa ra được biện pháp hữu hiệu nhất thì phải nêu được đâu là lý do chính, quan trọng nhất. Nhiều người cho rằng do ý thức về an toàn giao thông của người dân quá kém. Điều này đúng nhưng chưa phải là nguyên nhân lớn nhất. Phải nói hiện nay trình độ của người dân tham gia giao thông đã nâng cao hơn 5, 10 năm trước nhiều. Đó là do có sự tuyên truyền và giáo dục về an toàn giao thông liên tục trong suốt thời gian qua.
Thế thì sao TNGT vẫn không ngừng tăng lên. Theo tôi đó chính là do mật độ giao thông quá cao và đặc biệt là do số lượng xe máy tràn ngập khắp mọi nơi. Thử hình dung xem, 1 chiếc xe gắn máy nhỏ gọn, cực kỳ cơ động, vận tốc lại lên tới 60 -70 km/h, rẽ ngang, rẽ phải, quay đầu tùy ý thì việc hàng trăm chiếc xe như vậy lưu thông trên một đoạn đường , thử hỏi tai nạn làm sao tránh được. Không một bài toán giao thông nào có thể tính toán có bao nhiêu điểm giao cắt tại 1 giao lộ tràn ngập xe máy. Nói như vậy để thấy nếu ngồi lên chiếc xe gắn máy là người nào cũng có thể trở thành một người vi phạm luật giao thông ngay lập tức. Có 1 chuyện vui: Vừa qua đôi tình nhân nổi tiếng Hollywood là Brad Pitt và Angelina Jolie tới TP.HCM. Hai anh chị thuê xe gắn máy đi chơi thành phố, giữa đường thì bị phóng viên phát hiện. Khi bị các tay phóng viên dượt theo thì Brad Pitt đua xe lạng lách để về khách sạn chẳng khác nào các cậu choai choai Sài gòn cả. Đấy, nếu anh chàng ngồi trên chiếc xe hơi thể thao Porsche hạng cực sang thì cũng không dễ biểu diễn pha vi phạm luật giao thông tại đất Sài gòn như trên một chiếc xe gắn máy như thế được. Xe ôtô thì đâu dễ lạng lách. Ở bên Mỹ các chú chay môtô Harley thì cũng là những tay lạng lách cực kỳ, làm cho police bên đó cũng phải phiền lòng. Ở Tháilan hay Indonesia, các chú xe gắn máy chạy lạng lách giữa các xe ôtô, cực kỳ ẩu. Mặc dù chú nào cũng đội nón bảo hiểm nhưng chạy toàn lạng trước mũi xe hơi, chỉ cần dính tai nạn là sẽ tiêu ngay. Chính xe máy cho phép người ta có điều kiện để liên tục vi phạm luật GT. Chẳng thà cùng đi xe đạp thì khi đâm nhau chắc chỉ gãy tay, chân là cùng, chứ chấn thương sọ não chắc là rất hiếm. Ờ các nước khác, trên đường toàn xe hơi chạy vù vù, đố chú nào đi bộ đám vượt ẩu băng qua đường. Ở Việt nam ta, chỗ nào cũng có người đi bộ vượt ẩu, chỉ vì thấy lách qua mấy chiếc xe gắn máy thì không thấy sợ bằng xe hơi, nhưng thực ra nếu lỡ đụng vào xe gắn máy thì cũng dễ mất mạng như chơi.
Xe máy phát triển ồ ạt, dẫn đến phát triển kinh doanh mặt tiền. Nhà mặt tiền nào cũng có thể trở thành nhà hàng, shop thời trang, quán nhậu, café…. Và hàng trăm thứ khác. Vì xe gắn máy cho phép người tiếp cận lề đường mọi lúc mọi nơi. Và thế là vòng luẩn quẩn lại bắt đầu. Xe gắn máy thì tiện lợi để kinh doanh nhỏ lẹ, tiếp sát lề đường. Kinh doanh nhỏ lẻ, mặt tiền đường thì lại cần khách hàng đi xe gắn máy để buôn bán. Thế là đô thị Việt nam có nền kinh tế tiểu thương nhỏ lẻ cực kỳ phát triển sánh ngang hàng một nền văn minh …xe gắn máy hoành tráng.
Ở trong thập niên 90 của thế kỷ trước. Chúng ta đã tạo 2 thời điểm phát triển xe gắn máy ồ ạt. Đầu tiên khoảng năm 1991-1992 khi bắt đầu mở cửa nền kinh tế, và khoảng năm 1999-2000 sau khi khủng hoảng kinh tế châu Á kết thúc. Nếu biết kiềm hãm sự phát triển xe máy và đưa ra chính sách đúng đắn vào những thời điểm đó thì hay nhất. Bây giờ thì hơi muộn rồi, tất cả giải pháp hiện nay đều không tránh khỏi sự xáo trộn về kinh tế -xã hội.
Tuy nhiên nếu quyết tâm thì ta vẫn có thể làm được. Các giải pháp hạn chế TNGT gồm:
Hạn chế xe gắn máy, tiến tới giảm hẳn và loại trừ. Muốn vậy thì phải kết hợp với phát triển giao thông công cộng và cho phép phát triển xe ôtô cá nhân ( để tạo ý thức lưu thông đúng luật cho người dân quen dần)
- Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông từ thành thị tới nông thôn gắn liền với quy hoạch phát triển đô thị phù hợp ( Không cho phát triển nhà phân lô, hạn chế mặt tiền buôn bán).
- Cuối cùng là giáo dục ý thức người dân tham gia giao thông. Tuy nhiên đây là việc lâu dài bởi đi bộ, đi xe máy, đi xe hơi, lúc nào cũng cần có ý thức. Với giai đoạn phát triển rầm rộ xe gắn máy hiện nay thì đây chỉ là 1 giải pháp để hạn chế phần nào TNGT.
Việc xác định rõ nguyên nhân chính, từ đó nêu ra giải pháp giúp định hướng được biên pháp và kế hoạch thực hiện, tránh phát động tràn lan không hiệu quả. Tại sao chỉ phát động “ Nói không với chạy ẩu, lạng lách” mà không phát động “ Nói không với xe gắn máy” . và như vậy các bộ ngành như: Bộ Tài Chính, Kế hoạch Đầu tư, GTVT, Bộ Công An, Bộ Giáo Dục… mới có những phối hợp chặt chẽ có hiệu quả để tiến tới giảm dần TNGT.
Đây là những suy nghĩ của cá nhân tôi, là một người hiện nay luôn sử dụng xe gắn máy trong mọi việc và hiểu được sự tiện lợi trong việc sử dụng xe gắn máy hàng ngày, nhưng với mức hiểu biết của tôi thì cũng nhận thấy được những tai hoạ mà xe gắn máy mang lại cho xã hội ta.
|