Việc đưa vào khai thác các tuyến đường cao tốc không chỉ giúp thay đổi diện mạo giao thông của nước ta, rút ngắn thời gian đi lại mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và đất nước. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông cũng như dân cư sống hai bên đường cao tốc do ý thức kém, cố tình vi phạm quy định an toàn trên các tuyến đường cao tốc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT).
Xe khách đón trả khách trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Đường cao tốc… như đường làng
Là một trong những tuyến đường hướng về thủ đô, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mới được đưa vào khai thác, sử dụng, chính thức thông xe toàn tuyến từ ngày 5/12/2015, được đánh giá là tuyến đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế với sáu làn xe, tổng chiều dài toàn tuyến hơn 105 km. Đây là tuyến đường giao thông huyết mạch, có mật độ lưu thông vận chuyển hàng lớn nhất cả nước, góp phần làm giảm ùn tắc, TNGT trên quốc lộ 5, cùng với các tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn,… sẽ trở thành hệ thống đường cao tốc xuyên suốt và kết nối vùng kinh tế các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.
Tuy nhiên, cùng với việc đưa các tuyến cao tốc hiện đại, có tốc độ cao (80 - 120 km/giờ) vào khai thác thì do thiếu ý thức, thói quen tùy tiện của nhiều người đã khiến nguy cơ TNGT trên những tuyến đường này gia tăng. Liên tiếp trong năm 2015 vừa qua, nhiều vụ TNGT, trong đó có những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra trên đường cao tốc. Nguyên nhân phần lớn do những người tham gia giao thông cũng như dân cư sống gần tuyến đường cao tốc vẫn còn coi thường, chưa ý thức được việc bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) trên tuyến đường này, coi đường cao tốc như… đường làng nhà mình với những hành vi gây mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông. Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã xuất hiện tình trạng các phương tiện khi đang lưu thông bị một số người dân sinh sống hai bên đứng trên các cầu vượt ném gạch, đá gây thiệt hại về kinh tế cho chủ phương tiện. Đặc biệt, hành động nêu trên sẽ gây nguy hiểm khi người lái xe bị giật mình, theo phản ứng phanh gấp hoặc đánh lái để né tránh, rất dễ gây tai nạn. Ngoài ra, còn có hiện tượng người dân sống hai bên đường tự ý tháo dỡ rào chắn để tiện băng qua đường; rải vàng mã từ trên các xe phục vụ tang lễ, khiến giấy tiền vàng có thể bay vào kính xe ô-tô làm hạn chế hoặc thậm chí che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện phía sau.
Anh Trần Xuân Dưỡng, một lái xe thường xuyên lưu thông trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho biết: “Đến giờ khi nghĩ lại tôi vẫn chưa hết hoảng hồn vì đang chạy với tốc độ 115 km/giờ, tôi bị một số kẻ đứng trên cầu ném đá thẳng xuống kính lái. Có thể đây chỉ là hành vi nghịch dại, song tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao nếu người lái xe không bình tĩnh xử lý. Bởi khi phanh gấp, có thể bị va chạm với xe khác, hoặc nếu đang đi sát làn bên trong, do bất ngờ, giật mình, theo phản xạ, có thể lái xe bị lạng tay, đâm vào dải phân cách giữa đường, hậu quả khi đó chắc chắn là nghiêm trọng, có thể dẫn tới lật xe rất nguy hiểm”. Sau khi sự việc xảy ra, đơn vị quản lý đã cử lực lượng chốt chặn tại những nơi có nguy cơ xảy ra hiện tượng ném đá, đến nay đã không còn hiện tượng nêu trên.
Từ ý thức kém đến TNGT
Rạng sáng ngày 29/2 vừa qua, trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn qua địa phận xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng) đã xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng, khiến một người tử vong, một người bị thương, hai xe ô tô hư hỏng nặng. Nguyên nhân ban đầu được xác định do lỗi của xe ô-tô BKS 29D-060.62 đã đi ngược chiều và đâm trực diện vào xe ô-tô bảy chỗ BKS 15A-122.26 đang lưu thông theo hướng Hải Phòng - Hà Nội. Trước đó, vào ngày 21/12/2015, trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai đoạn đi qua địa phận tỉnh Vĩnh Phúc đã xảy ra một vụ tai nạn kinh hoàng giữa xe khách 45 chỗ (Nhà xe Bảo Yến) lưu thông theo hướng Hà Nội - Tuyên Quang đâm vào đuôi xe khách khác, hậu quả làm hai người chết, 22 người bị thương. Qua phân tích dữ liệu “hộp đen” cũng như hiện trường, nguyên nhân ban đầu có thể do hai xe tranh giành khách trên tuyến cao tốc, khi xe phía trước dừng đột ngột để bắt khách, xe phía sau không tránh kịp nên đã đâm mạnh vào đuôi xe phía trước.
Nói về nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất an toàn trên các tuyến đường cao tốc, Giám đốc Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) Bùi Đình Tuấn cho biết: Nhiều người dân, nhất là người dân vùng nông thôn vẫn chưa quen với việc tham gia giao thông trên đường cao tốc. Thậm chí, nhiều người vẫn nghĩ, các tuyến cao tốc thực chất giống như các tuyến đường bộ bình thường, từ đó dẫn đến tình trạng vi phạm ATGT liên tục xảy ra như: ô-tô khách dừng đón trả khách trên đường cao tốc, người đi xe máy, xe đạp, đi bộ vào đường cao tốc; xé rào, phá dải phân cách để bán quán dọc đường,... Theo quy định, đường cao tốc là loại đường cho phép phương tiện chạy tốc độ cao, tối thiểu là 60 km/giờ; tối đa 100 đến 120 km/giờ. Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ ATGT của chính những lái xe trên các tuyến cao tốc hiện đại cũng được đánh giá chưa tốt. Vì vậy, để chấn chỉnh trật tự an toàn trên các tuyến cao tốc mà công ty quản lý, VEC O&M đã hoàn thiện và khép kín những đoạn đường gom dân sinh giao cắt với đường cao tốc bằng lưới rào B40, tăng cường kiểm tra và xử lý những xe khách dừng đỗ, đón trả khách trên cao tốc bằng hình thức từ chối phục vụ sau khi gửi văn bản thông báo vi phạm quá ba lần tới nhà xe, địa phương nơi xe đăng ký hoạt động, sở giao thông vận tải quản lý. Đồng thời, tuyên truyền tới người dân sống gần đường cao tốc, nghiêm túc chấp hành quy định an toàn, không vi phạm hành lang an toàn, không tự ý tháo dỡ rào chắn,… để bảo đảm an toàn cho các phương tiện lưu thông trên các tuyến đường này.
Việc sớm nghiên cứu, triển khai các giải pháp nhằm kiềm chế TNGT trên các tuyến đường cao tốc là điều rất cần thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến quy định về an toàn trên đường cao tốc đến các lái xe và người dân sống cạnh đường cao tốc, các đơn vị quản lý đường cao tốc thời gian tới cần tổ chức tuần tra liên tục; lắp đặt thêm các hàng rào chống vật rời trên tất cả vị trí có cầu vượt để ngăn chặn hiện tượng ném đá xuống phương tiện lưu thông bên dưới. Đồng thời, cần trang bị thêm nhiều ca-mê-ra giám sát và cung cấp dữ liệu toàn tuyến tại các cao tốc để làm cơ sở cho lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt thật nặng đối với những lái xe cố tình vi phạm ATGT, nhất là lỗi vi phạm về tốc độ, vượt ẩu, dừng đỗ sai quy định, đi bộ, đi xe máy, phá rào chắn, bán hàng,... Từ đó, thông qua việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, chắc chắn sẽ nâng cao được ý thức của người dân, kịp thời ngăn chặn các vụ TNGT nghiêm trọng trên đường cao tốc, góp phần bảo đảm trật tự ATGT trong thời gian tới.