Hàng năm, cứ vào mùa thu hoạch mía là câu chuyện phương tiện chở mía gây mất an toàn giao thông tại các địa phương như Đăk Lăk, Gia Lai, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… lại nóng lên.
Xe chở mía gây mất an toàn giao thông
Việc bắt gặp phương tiện chuyên chở mía chạy như một con quái vật trên đường tại các địa phương nói trên như chuyện thường ở huyện. Các phương tiện này được chất đầy mía từ trên mui đến vượt ra khỏi thùng sau đuôi; với một lượng hàng hóa chắc chắn vượt xa trọng tải cho phép lưu thông của phương tiện đăng ký.
Nhiều giải pháp đã được các địa phương thực hiện nhằm giảm thiểu vấn nạn xe “quái vật”
Chính việc này, gây cản trở và mất an toàn cho người và các phương tiện khác cùng tham gia giao thông; che khuất tầm nhìn và gây ô nhiễm môi trường bụi, rác thải từ lá mía vương vãi trên đường gây bức xúc trong dư luận xã hội và người dân sinh sống dọc các tuyến đường có các phương tiện này đi qua, đặc biệt là những khu dân cư ven đường đầu nguồn vùng nguyên liệu và khu vực gần nhà máy sản xuất đường.
Chỉ riêng tại Đăk Lăk, trong năm 2017, lực lượng chức năng phát hiện và ra quyết định xử phạt gần 1.000 trường hợp xe ô tô tải vi phạm quy định của pháp luật về tải trọng phương tiện. Trong đó, có trên 500 trường hợp ô tô tải chở mía. Không chỉ vi phạm pháp luật về tải trọng, những phương tiện này còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Đã có nhiều trường hợp tại nạn xảy ra trên địa bàn như ngày 9/3/2017 trên đường Hồ Chí Minh, xe tải chở trên 25 tấn mía lưu thông theo hướng Đăk Lăk - TP. Hồ Chí Minh bất ngờ mất phanh rồi lật nhào xuống ruộng hay như ngày 3/10/2017 trên Quốc lộ 26 (đoạn qua huyện Krông Pak) xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe ô tô tải chở mía với xe công nông…
Nhiều giải pháp đã được đặt ra
Để tránh tình trạng xe tải chở mía làm mất an toàn giao thông và gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều khu vực dân cư ven các tuyến đường có đội hình xe “quái vật” đi qua, ngày từ đầu mùa thu hoạch niên vụ mía này (từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau) chính quyền các địa phương đã nhanh chóng vào cuộc.
Tại Gia Lai, trước tình trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng nhất là lực lượng công an giao thông và ngành giao thông vận tải đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát tại các tuyến đường giao thông trên địa bàn. Kịp thời, có phương án ứng phó và xử lý nghiêm các trường hợp xe “quái vật” lưu thông trên đường.
Theo đó, Công an tỉnh Gia Lai chỉ đạo Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh phối hợp với Công an thị xã An Khê tiến hành kiểm soát, ngăn chặn tình trạng xe chở mía quá khổ, quá tải vào Nhà máy Đường An Khê. Qua đó, 2 đơn vị phát hiện và xử phạt hàng chục trường hợp vi phạm.
Theo đại diện Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Gia Lai, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai, ngay từ đầu vụ thu hoạch mía, năm nay, chính quyền địa phương và các ngành liên quan đã tăng cường công tác tuyên truyền nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng xe chở quá khổ, quá tải gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng đến hệ thống công trình giao thông.
Song vì lợi nhuận, một số tài xế và doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm, xếp hàng quá khổ, quá tải, lợi dụng các tuyến đường tránh, đường liên thôn, liên xã… để vận chuyển nông sản đến khu vực nhà máy nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, lực lượng Cảnh sát Giao thông thành lập chốt kiểm soát tải trọng ngay trước cổng Nhà máy Đường An Khê. Tiến hành cân tải trọng hàng trăm lượt ô tô tải chở mía. Lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt nhiều trường hợp chở quá tải; tạm giữ 1 ô tô, 13 giấy tờ các loại… Lực lượng Cảnh sát Giao thông đã tuyên truyền, vận động, yêu cầu gần 400 tài xế chở mía vào nhà máy ký cam kết không chở quá khổ, quá tải.
Đăk Lăk, một địa phương lân cận của Gia Lai cũng đã triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với phương tiện vận chuyển mía trên địa phương. Niên vụ mía 2017 - 2018, Đăk Lăk có khoảng 18.000ha mía tập trung ở các huyện Ea Kar, M'Drak và huyện biên giới Ea Súp. Hiện các vùng mía đang vào vụ thu hoạch, nguồn nguyên liệu đang được các doanh nghiệp, cá nhân tiến hành thu mua để vận chuyển đến các nhà máy tiêu thụ.
Trên địa bàn huyện Ea Kar có Công ty Cổ phần Mía đường 333 có công suất ép ước tính sản lượng khoảng 1 triệu tấn/vụ. Bởi vậy, hàng ngày có hàng trăm lượt phương tiện vận tải chuyên chở mía từ vùng nguyên liệu về nhà máy. Những năm trước đây, vào cao điểm mùa thu hoạch, dọc các tuyến đường Quốc lộ 26 lưu lượng xe tải vận chuyển mía dày đặc, rất nhiều xe chở quá tải trọng cho phép hoặc chở cồng kềnh khiến cho người tham gia giao thông bị che khuất tầm nhìn và dễ xảy ra tai nạn giao thông và khiến nhiều tuyến đường giao thông ngày càng xuống cấp, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân.
Còn theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Đăk Lăk, hiện địa phương có 28 đơn vị, với trên 500 đầu xe đăng ký vận chuyển mía từ vùng nguyên liệu về nhà máy đường ở huyện Ea Kar hoặc các tỉnh Đắk Nông, Khánh Hòa. Để lập lại trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, Công an tỉnh Đăk Lăk tổ chức buổi gặp mặt các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa trên địa bàn để tuyên truyền và ký cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông.
Ban An toàn giao thông cũng đã tham mưu Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm siết chặt quá trình đăng kiểm, không cấp đăng ký cho các phương tiện tự cơi nới thành, thùng xe không đúng thiết kế; chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với ngành chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các chủ phương tiện vi phạm chở quá khổ, quá tải…