Yên Bái: Cần nghiêm trị những hành vi chống đối cảnh sát giao thông

Thứ ba, 21/10/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong thời gian qua, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TT ATGT) trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, cùng với những cố gắng của các cấp, các ngành và đại đa số người dân thì tình trạng người vi phạm Luật Giao thông đường bộ ngoan cố không chấp hành hiệu lệnh, cản trở người thi hành công vụ đã và đang có những diễn biến hết sức phức tạp.
Trong thời gian qua, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TT ATGT) trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, cùng với những cố gắng của các cấp, các ngành và đại đa số người dân thì tình trạng người vi phạm Luật Giao thông đường bộ ngoan cố không chấp hành hiệu lệnh, cản trở người thi hành công vụ đã và đang có những diễn biến hết sức phức tạp.

Một số đối tượng vi phạm khi được yêu cầu dừng xe đã chửi bới, đe dọa tấn công lực lượng chức năng, kích động quần chúng gây rối trật tự công cộng, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, danh dự của cán bộ chiến sĩ và các hoạt động bình thường của xã hội. Số vụ cản trở người thi hành công vụ và tính chất nghiêm trọng của từng vụ việc ngày càng tăng đã khiến đại đa số người dân phẫn nộ và đề nghị các cơ quan pháp luật cần phải có những biện pháp xử lý có tính răn đe mạnh hơn nữa đối với những đối tượng biết mà vẫn cố tình vi phạm.

Có nhiều hình thức chống đối lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) nhưng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao hơn cả đó là các hành vi như cố tình phóng nhanh lách qua CSGT đang làm nhiệm vụ để bỏ chạy, lao thẳng vào người buộc CSGT phải tránh né hoặc khi gặp hiệu lệnh dừng xe thì bất ngờ quay đầu ngược trở lại bỏ chạy. Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, chỉ tính riêng trong tháng 9/ 2008, toàn tỉnh đã xảy ra 68 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh, cố tình cản trở người thi hành công vụ.

Điển hình như trường hợp chống đối của Phạm Ngọc Hoàng, sinh năm (SN) 1988, trú tại tổ 49, phường Đồng Tâm điều khiển môtô biển kiểm soát (BKS) 21T5 - 6128 và Bùi Ngọc Thắng, SN 1987, trú tại tổ 14, phường Minh Tân (thành phố Yên Bái) vi phạm: không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe, không mang theo đăng ký xe. Khi lực lượng CSGT ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra thì Hoàng và Thắng đã cố tình không chấp hành hiệu lệnh, phóng nhanh, đánh võng, lạng lách trong đô thị. Chỉ đến khi lực lượng CSGT phối hợp với lực lượng cảnh sát cơ động vây bắt thì Thắng và Hoàng mới chịu dừng lại để kiểm tra. Hay như trường hợp của Nguyễn Xuân Khoát, SN 1983, trú tại xã Tân Thịnh (thành phố Yên Bái) điều khiển xe môtô BKS 21T6 - 8009 vi phạm không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe, không mang theo đăng ký xe khi bị lực lượng CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra Khoát đã không xuất trình giấy tờ, không ký biên bản mà bỏ đi.

Việc người vi phạm Luật Giao thông đường bộ cố tình không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng CSGT đã và đang tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp phải kể đến nguyên nhân là do một số đối tượng vi phạm có trình độ văn hoá thấp, bị ảnh hưởng bởi những mặt trái của xã hội cộng với bị xúi giục bởi đám đông, bởi chất kích thích. Nhiều đối tượng sau khi không chấp hành hiệu lệnh, chống người thi hành công vụ bị xử lý mới ân hận và nhận sai lầm. Ngoài ra, cũng phải kể đến vai trò của công tác giáo dục, hình thành ý thức chấp hành pháp luật trong mỗi người dân tại các địa phương và các cấp, bậc học.

Từ thực tế các vi phạm cho thấy, công tác giáo dục pháp luật ATGT đến nay vẫn chưa thực sự hiệu quả, bước đầu mới tập trung chủ yếu vào học sinh, sinh viên và công nhân viên chức nhà nước mà chưa tác động được đến với những lao động cá thể, không nghề nghiệp, thanh thiếu niên đã bỏ hay thôi học. Có nhiều đối tượng khi vi phạm hoàn toàn mù luật, có đối tượng thì biết lơ mơ nên cố tình chửi bới, lăng mạ người thi hành công vụ để biện minh cho những hành vi vi phạm. Thêm vào đó, tâm lý chủ quan, không trang bị đủ phương tiện, công cụ hỗ trợ và những phương án cụ thể khi xảy ra tình huống chống người thi hành công vụ của các lực lượng chức năng cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng chống đối thêm phần phức tạp.

Vì vậy, để giải quyết triệt để tình trạng này các cơ quan chức năng cần tập trung nâng cao hơn nữa vai trò của công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ATGT đường bộ đến mọi người dân, đặc biệt cần thông báo các khung hình phạt đối với những người cố tình chống đối. Lực lượng CSGT cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội các trường hợp cố tình vi phạm. Riêng đối với các trường hợp có tính chất vụ việc nghiêm trọng cần nhanh chóng chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để khởi tố.

Đức Thành/baoyenbai.com.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)