Theo Cục CSGT đường bộ - đường sắt, trong năm ngày (từ 30 Tết đến mồng 4 Tết Mậu Tý 2008) toàn quốc xảy ra 315 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ,
Theo Cục CSGT đường bộ - đường sắt, trong năm ngày (từ 30 Tết đến mồng 4 Tết Mậu Tý 2008) toàn quốc xảy ra 315 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, làm chết 216 người, bị thương 336 người (giảm 129 vụ (29,1%), 96 người chết (30,8%), 168 người bị thương (33,3%) so với năm ngày Tết Ðinh Hợi 2007); hai vụ TNGT đường sắt, làm chết hai người, bị thương một người (giảm bốn vụ, giảm năm người chết nhưng tăng một người bị thương so với năm ngày Tết Ðinh Hợi); xảy ra một vụ TNGT đường thủy, làm chết một người (giảm hai vụ, một người chết so với năm ngày Tết Ðinh Hợi).
Ðáng chú ý, xảy ra hai vụ TNGT đường bộ nghiêm trọng ở Thái Nguyên và Hà Tây, làm chết sáu người, bị thương năm người. Lực lượng CSGT cả nước tuần tra, xử lý 28.575 trường hợp vi phạm TTATGT, thu 5 tỷ 389 triệu đồng, tạm giữ 27 ô-tô, 5.131 mô-tô, 854 phương tiện khác.
Riêng ngày mồng 5 Tết Mậu Tý (11-2), cả nước xảy ra 61 vụ TNGT, làm chết 51 người, bị thương 58 người (giảm 60 vụ TNGT, 23 người chết và 103 người bị thương so với ngày mồng 5 Tết Ðinh Hợi).
* Theo thống kê sơ bộ tại các bệnh viện ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, số người chết do tai nạn giao thông trong Tết Mậu Tý giảm mạnh so với năm ngoái. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp tai nạn do kẹp ba, phóng ẩu, "quên" mũ bảo hiểm.
Theo tổng kết của phòng Cảnh sát giao thông TP Hà Nội, trong năm ngày Tết, trên địa bàn thành phố chỉ có hai vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm một người chết và một người bị thương. Tình trạng đua xe, lạng lách trong dịp Tết gần như không tái diễn.
Theo thượng tá Phạm Văn Hưng, Trung đoàn trưởng Cảnh sát cơ động, đây là một trong những cái Tết an lành nhất của thủ đô. Tuy nhiên, các bệnh viện vẫn bận rộn đón những bệnh nhân mới, chủ yếu là từ các tỉnh chuyển đến. Sáng mùng 4 Tết, tại khoa cấp cứu hồi sức Bệnh viện Việt Ðức đã có hơn 10 ca tai nạn giao thông nhập viện. Phòng mổ cấp cứu không lúc nào ngớt bệnh nhân, cứ một người ra lập tức một người khác nằm trên cáng được đẩy vào.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của khoa khám bệnh, Bệnh viện Việt Ðức, từ 30 đến hết mồng 2 Tết đã có tới 234 ca tai nạn giao thông phải nhập vào bệnh viện. Trong đó có tới 141 ca bị chấn thương sọ não.
Theo bác sĩ Ðinh Mạnh Huy, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Ðức, những ngày Tết, các y tá, bác sĩ trực cấp cứu vẫn rất vất vả. "Những ca tai nạn giao thông nặng hiện nay đều do bệnh viện tuyến dưới chuyển lên", bác sĩ Huy cho biết.
Tại TP Hồ Chí Minh, trong bảy ca tử vong trên địa bàn, có ba ca rơi vào trường hợp người đi bộ bị xe đâm. Năm ngoái con số tử vong là 13.
Theo ông Phạm Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, bản tổng kết từ báo cáo từ ngày 29 đến mồng 2 Tết của các khoa cấp cứu trên địa bàn thành phố cho thấy, Tết này tình hình an toàn giao thông tiến triển tốt. Tổng số người nhập viện do cấp cứu tai nạn giao thông trong ba ngày Tết là 1.155 trường hợp, giảm khoảng 35% so với năm ngoái. Trong đó, tổng số ca phẫu thuật chấn thương sọ não (phần lớn do tai nạn giao thông) là 26 trường hợp, so với năm trước là 54 trường hợp, giảm gần 52%. Tại khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, từ 30 đến hết ngày mồng 3 Tết, có ba trường hợp tai nạn giao thông chết. Có mặt ở ca trực sáng mồng 4 Tết, bác sĩ Trương Minh Giảng của bệnh viện cho biết, số liệu ghi nhận trong ba ngày Tết đều thể hiện tình hình tai nạn giao thông và các ca phẫu thuật do chấn thương sọ não giảm đáng kể.
Ông Phạm Văn Nghiệm còn cho biết thêm, không chỉ tai nạn giao thông mà tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm và số ca tai nạn cấp cứu do đánh nhau và chơi pháo lậu cũng giảm mạnh so với Tết năm trước. "Ðây là một trong những Tết an lành nhất của người dân TP Hồ Chí Minh từ trước đến nay", ông Nghiệm nói.
Ðến hết ngày mồng 6 Tết, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh sẽ công bố bản báo cáo thứ hai về tình hình cấp cứu, dịch bệnh trên địa bàn.