Nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng về an toàn giao thông (ATGT), ngành GD&ĐT đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giúp các em học sinh nâng cao ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành những quy định về ATGT.
Học sinh Trường tiểu học Xuân Hòa (Lập Thạch) rất hào hứng
khi tham gia tiết học về an toàn giao thông
Hiện nay, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp; số người tử vong do tai nạn giao thông cao, trong đó, có tới 30% nạn nhân là trẻ em. Do đó, việc nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy, tuyên truyền ATGT cho học sinh tiểu học là một trong những việc làm cần thiết và phải được thực hiện thường xuyên.
Thực hiện chủ đề ATGT năm 2018 là “Năm an toàn giao thông cho trẻ em” với mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ thương vong do TNGT đối với trẻ em, Ban ATGT tỉnh, Sở GD&ĐT đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động, đổi mới phương pháp, đa dạng và thực tiễn hóa hình thức giáo dục ATGT trong nhà trường, đặc biệt là ở bậc tiểu học. Trong đó, việc áp dụng mô hình giáo dục ATGT mới cho học sinh tiểu học bước đầu đạt hiệu quả cao.
Mô hình giáo dục ATGT này đã được triển khai thí điểm tại 4 trường tiểu học: Tích Sơn (Vĩnh Yên), Thanh Vân (Tam Dương), Phạm Công Bình (Yên Lạc), Thị trấn Vĩnh Tường (Vĩnh Tường).
Đây là một hình thức giáo dục thực tế trực quan, sinh động, bao gồm hệ thống đèn, biển báo tín hiệu giao thông thông minh được kết nối với trung tâm điều khiển hệ thống lắp đặt ngay tại sân của nhà trường được kẻ, vẽ đường đi, sa hình mô phỏng thực tế để cho giáo viên giảng dạy và các em học sinh thực hành.
Hệ thống đèn, biển báo tín hiệu và các hệ thống khác của mô hình có thể tháo, lắp nhanh chóng, thay đổi chiều cao cho phù hợp với từng lứa tuổi học sinh và di chuyển dễ dàng, thuận lợi cho việc bảo quản.
Qua thực hiện thí điểm, mô hình giáo dục ATGT mới đã phát huy hiệu quả, giáo viên đưa ra được nhiều tình huống tham gia giao thông thực tế nên học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức và thực hành xử lý các tình huống giao thông đúng theo quy định.
Với phương pháp giảng dạy lồng ghép, kết hợp lý thuyết và thực hành, mỗi tuần duy trì 1 tiết học chính về ATGT cho học sinh, nhờ đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của các em học sinh đã có chuyển biến tích cực. Các em được vừa học vừa chơi, vừa tham gia các tình huống giao thông mô phỏng thực tế, từ đó, nhận biết và nhớ lâu hơn các quy định về ATGT. Đến nay, mỗi em học sinh đều biết phân biệt hệ thống tín hiệu đèn giao thông, đi bên phải đường, sang đường đúng nơi quy định.
Cô giáo Trần Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Hòa (Lập Thạch) cho biết: "Việc giảng dạy ATGT cho học sinh là rất cần thiết, bởi không chỉ trang bị kiến thức cơ bản về ATGT mà còn từng bước xây dựng cho các em ý thức, trách nhiệm, văn hóa, đạo đức giao thông.
Bên cạnh nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhà trường luôn chú trọng xây dựng nhiều mô hình ATGT mang lại hiệu ứng tích cực, thu hút học sinh tham gia như: Cổng trường ATGT, thi tuyên truyền viên ATGT giỏi giữa các lớp, gắn với công tác thi đua, khen thưởng. Giờ chào cờ thứ hai hàng tuần, nhà trường đều dành thời lượng nhất định để giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATGT cho học sinh. Đồng thời, tổ chức ký cam kết 3 bên giữa gia đình, nhà trường và học sinh về chấp hành nghiêm pháp luật ATGT từ nhà tới trường, từ trường về nhà".
Hiện tại, Sở GD&ĐT phối hợp với Ban ATGT tỉnh áp dụng mô hình giáo dục ATGT cho 8 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Qua thực tế cho thấy, mô hình giáo dục này đã phát huy hiệu quả tích cực. Hiện, các nhà trường đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT thông qua các hoạt động ngoại khóa, giúp các em hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, tránh được những rủi ro có thể xảy ra.