Sau quyết định cấm xe 3, 4 bánh tự chế, ở Việt Nam xuất hiện loại xe “không giống ai” và “không thể gọi tên” nên phải dùng công năng và hình dạng của xe để gọi tên là “xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ”.
Sau quyết định cấm xe 3, 4 bánh tự chế, ở Việt Nam xuất hiện loại xe “không giống ai” và “không thể gọi tên” nên phải dùng công năng và hình dạng của xe để gọi tên là “xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ”.
Phương tiện vận tải “không giống ai”
Thời điểm năm 2009, xuất phát từ yêu cầu đảm bảo an toàn giao thông, Chính phủ đã yêu cầu cấm lưu hành các loại xe công nông và xe 3 – 4 bánh tự chế. Nhưng do nhu cầu người dân cần phương tiện thay thế, Chính phủ cũng đã chấp thuận cho thí điểm sản xuất, lắp ráp một loại xe tương tự như xe ô tô tải, có 4 bánh, 2 trục, cabin, thùng hàng đằng sau… Tuy nhiên, xe sử dụng động cơ xăng của xe máy và không đáp ứng các yêu cầu thiết kế kỹ thuật của xe ô tô. Loại xe này lưu hành dưới dạng thí điểm nên được đăng ký, cấp bảng số mang hiệu TD.
Dù xe này có 4 bánh như xe ô tô, thể tích lớn nhưng trên đường phố đô thị lại lưu thông ở làn đường dành cho xe 2 – 3 bánh. Do vậy, không ai biết nên gọi xe này là xe gì. Ngay cả CSGT cũng không phân biệt được xe này là ô tô hay xe máy vì bộ dáng bên ngoài như ô tô nhưng việc chấp hành các quy định của hệ thống báo hiệu đường bộ và xử phạt các hành vi vi phạm khi tham gia giao thông lại như xe mô tô 3 bánh… Trên văn bản hành chính, Bộ Giao thông Vận tải gọi loại xe này bằng thuật ngữ chuyên môn mô tả đặc tính xe là “xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ”.
Xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ hoạt động ở thành phố Tây Ninh
Nhưng vì bộ dáng giống ô tô mà quản lý như xe mô tô nên thời gian qua xảy ra nhiều bất cập như: xe chạy trên làn đường dành riêng cho xe 2 – 3 bánh chiếm hết làn đường, gây ùn tắc cục bộ và gây nguy hiểm cho xe 2 bánh khi lưu thông chung; xe xuống cấp rất nhanh vì thiết kế kỹ thuật không đáp ứng yêu cầu thiết kế của xe ô tô mà sử dụng như xe ô tô tải; người điều khiển xe lớn như xe ô tô tải nhưng chỉ có giấy phép lái xe A4 (cho phép điều khiển các loại máy kéo có tải trọng đến 1.000 kg)… Những bất cập này tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn giao thông rất cao, nhất là ở địa bàn đô thị.
Chính vì vậy, ngày 13/5/2014, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 16/2014/TT-BGTVT quy định về điều kiện đối với xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông đường bộ. Thông tư này quy định loại xe trên phải chấp hành quy tắc giao thông đường bộ, mức xử phạt theo quy định của loại phương tiện tương tự xe ô tô tải có tải trọng dưới 3.500 kg. Từ ngày 1/1/2015, người điều khiển xe này cũng phải có giấy phép lái xe từ hạng B2 trở lên.
Ngoài việc phải chấp hành quy định như ô tô tải, trong thông tư trên, Bộ GTVT cũng soạn một bộ yêu cầu kỹ thuật để kiểm tra riêng cho loại xe này. Muốn lưu hành, chủ xe phải đem xe đến cơ quan đăng kiểm để kiểm tra. Nếu kiểm tra đạt yêu cầu kỹ thuật, xe mới được cấp giấy chứng nhận lưu hành và dán tem lưu hành. Thời hạn hiệu lực của giấy lưu hành chỉ là 6 tháng nên chủ xe phải đem xe đi đăng kiểm mỗi 6 tháng một lần.
Ngơ ngác vì chẳng nghe ai nói gì
Cuối năm 2013, báo cáo Bộ GTVT, đơn vị sản xuất loại xe này cho biết đã có hơn 7.000 xe được lắp ráp, hơn 6.000 chiếc được bán ra trên thị trường cả nước. Khi dòng xe này ra đời, do mức giá chỉ từ 60 – 70 triệu đồng/chiếc, dễ điều khiển hơn xe tải nên người dân từng sử dụng xe 3 – 4 bánh tự chế đã bị dẹp bỏ đổ xô mua loại xe này.
Từ ngày 1/7/2014, xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ phải được kiểm định và dán tem lưu hành như trên mới được phép lưu hành
Riêng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, theo thống kê sơ bộ của Công ty cổ phần đăng kiểm Tây Ninh thì có khoảng gần 500 chiếc xe 4 bánh loại này đang lưu hành. Loại xe này hiện đã trở nên quen thuộc với người dân Tây Ninh khi có nhu cầu tìm xe chở thuê những vật dụng nhỏ và cũng là phương kế mưu sinh của không ít người. Thế nhưng, đến ngày 1/7, thông tư 16/2014/TT-BGTVT có hiệu lực mà các chủ xe 4 bánh trên hầu như chẳng biết gì đến sự thay đổi rất lớn này.
Khi nghe phóng viên hỏi về thông tư trên, ông K., một chủ xe hoạt động ở khu vực Tòa Thánh Tây Ninh tỏ ra rất ngạc nhiên. Theo ông, từ ngày ông mua xe về đến nay, chẳng thấy ai nói gì đến quy định phải đem xe đi đăng kiểm. Ông cũng rất bất ngờ khi nghe yêu cầu người lái xe phải có bằng B2 vì đối với 1 người lớn tuổi như ông, việc học để lấy bằng B2 rất khó khăn, chưa kể là tốn kém chi phí và từ nay đến ngày 1/1/2015 sẽ không đủ thời gian để ông học lấy bằng B2.
Còn về quy định đăng kiểm cũng khiến ông rất lo lắng vì sau mấy năm sử dụng, chiếc xe của ông đã xuống cấp nhiều, kính chiếu hậu, đèn đóm đều hư hỏng… Ông K. than: “Giờ muốn đại tu xe để đi đăng kiểm cũng không biết kiếm đâu ra tiền, thời gian học bằng lái cũng không kịp. Chỉ còn nước vi phạm luật để chạy xe kiếm cơm thôi chứ không lẽ bỏ xe nhịn đói!”.
Anh T., chủ xe hoạt động tại khu vực phường Hiệp Ninh (thành phố Tây Ninh) cũng cho biết anh và bạn bè cùng chạy loại xe này chưa hề nghe ai nói gì đến việc phải đem xe đi đăng kiểm. Theo anh thì hầu hết người lái xe này đều chỉ có bằng A4, chỉ có những ai chuyển từ tài xe tải sang chạy xe này mới có bằng B2. Do đó, việc phải có bằng B2 trước ngày 1/1/2015 là rất khó khăn.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Đăng kiểm Tây Ninh, đơn vị có trách nhiệm đăng kiểm xe trên địa bàn tỉnh cho biết là trước khi Thông tư 16 có hiệu lực pháp luật, Cục Đăng kiểm đã có văn bản hướng dẫn về việc này và Công ty đã chuẩn bị đầy đủ để thực hiện. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay vẫn chưa thấy có chủ xe nào mang loại xe này đến đăng kiểm.
Theo lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, sắp tới ngành GTVT sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các quy định của Thông tư 16 để chủ các phương tiện xe 4 bánh trên được biết. Sở cũng khuyến cáo người dân đưa xe đi đăng kiểm để được lưu hành theo quy định và tranh thủ thời gian đi học lấy bằng lái hạng B2 để đủ kiện điều khiển xe.
Nguồn: Dân Trí