Bộ trưởng Đinh La Thăng: Tôi chưa đi đường cao tốc Trung Lương
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Tôi chưa đi đường cao tốc Trung Lương
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 diễn ra từ ngày 23 đến hết sáng 25-11 (được truyền hình và phát thanh trực tiếp).
Trước khi trả lời chất vấn, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII.
Tiếp đến là nội dung chất vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng, tập trung vào 2 nhóm vấn đề: Các giải pháp hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông; biện pháp giải quyết tình trạng xuống cấp của các công trình giao thông trong điều kiện tiết giảm vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước.
Những nội dung chất vấn của các đại biểu và phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đinh La Thăng rất được cử tri trông đợi vì thời gian gần đây, ông tạo ấn tượng bởi hàng loạt quyết định gai góc, mạnh mẽ, táo bạo.
Đầu tiên là quyết định “trảm tướng” công trình cải tạo tại sân bay quốc tế Đà Nẵng vì để chậm tiến độ kéo dài; tiếp đến là chỉ đạo nhân viên trong ngành giao thông phải đi xe buýt ít nhất một lần/tuần; sau đó là lệnh cấm cán bộ cao cấp ngành GTVT chơi golf gây rất nhiều tranh cãi; rồi đề xuất đi học lệnh giờ, làm lệch ca ở Hà Nội để giảm ùn tắc giao thông...
Và mới đây nhất, ngày 21-11, là quyết định đình chỉ chức vụ giám đốc điều hành dự án đường ô tô cao tốc TPHCM - Trung Lương đối với ông Lã Chí Đức về những sai phạm liên quan đến sự cố hư hỏng ở công trình này để có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc nhất, xem xét bố trí cán bộ thay thế giám đốc điều hành dự án.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt câu hỏi về về giải pháp để nâng cao chất lượng các công trình giao thông và giảm ùn tắc...
ĐB Nguyễn Thành Tâm chất vấn: Xây dựng trong giao thông có tình trạng làm chậm, hỏng nhanh, trong khi trách nhiệm loanh quanh còn hậu quả thì dân phải gánh. Bộ trưởng giải quyết thế nào?
ĐB Nguyễn Thị Kha (Trà Vinh) hỏi: Bộ trưởng đánh giá thế nào về giao thông đường sắt? Đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, qua báo chí được biết bộ trưởng vừa đình chỉ chức vụ giám đốc điều hành vì công trình hư hỏng? Bản thân tôi và cử tri hết sức hoan nghênt. Việc chỉ đạo xử lý công trình này tiếp đến sẽ thế nào?
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đặt câu hỏi: "Trảm" tướng, cấm cán bộ cao cấp chơi golf..., chúng tôi hoan nghênh. Hiện chi phí vận tải tại Việt Nam đang cao gấp 1,5 lần so với Trung Quốc, bộ trưởng có đặt mục tiêu giảm chi phí vận tải trong 5 năm tới?
Đăng đàn, Bộ trưởng Đinh La Thăng tâm sự: "Tôi mới được bổ nhiệm bộ trưởng 3 tháng 20 ngày, so với nhiệm kỳ 5 năm 6 tháng thì mới làm được khoảng 5% quỹ thời gian..., vì vậy tôi cần có thời gian nhất định để nắm bắt công việc và đề xuất các giải pháp. Tất nhiên, không phải ngồi chờ thật lâu để mới có giải pháp mà những gì làm được là làm, mục tiêu là làm sao cải thiện được tình hình giao thông nước ta... Tôi là người trả lời chất vấn đầu tiên, chưa có nhiều kinh nghiệm, mong các ĐB và cử tri cả nước chia sẻ".
Về giải pháp nâng cao chất lượng các công trình giao thông và giảm ùn tắc, Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời:
Đầu tư, nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, quan trọng là xây dựng tập trung tuyến đường quốc lộ 1A, cao tốc Bắc-Nam, đường Hồ Chí mInh, đường biển, đường vùng biên giới.
Cải tạo nâng cấp hệ thống đường sắt hiện có, đầu tư xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội-Vinh, TPHCM, Nha Trang.
Phát triển đường hàng không, đầu tư nâng cấp sân bay Nội Bài như xây nhà ga T2, T3, xây mới nhà ga quốc tế Long Thành. Tập trung đầu tư cảng trung chuyển mới ở 3 nơi.
Ngoài ra, còn phải nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Chính do việc quản lý nhà nước chưa tốt nên tác động đến tâm lý chấp hành luật giao thông của người dân như không bị phạt khi không đội mũ bảo hiểm, leo lề lấn tuyến, khi ùn tắc giao thông,...lâu dài sẽ dẫn đến việc người dân sẽ không chấp hành theo đúng luật khi tham gia giao thông.
Bên cạnh đó còn phải nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và nhà nước trong việc đề ra những giải pháp để giảm tải ùn tắc giao thông cũng như giảm tải tai nạn giao thông.
Riêng giải pháp chống ùn tắc giao thông quyền chủ trì thuộc UBND TP các cấp, nhất là UBND tại 2 thành phố lớn là TPHCM, Hà Nội. Quan trọng nhất là nâng cao vai trò quản lý nhà nước. Có cử tri nói rằng giải pháp đổi giờ làm chỉ là giải pháp manh mún, chấp vá thế nhưng giải pháp thay đổi giờ làm chính là một trong những giải pháp tổng thể mà nhà nước đề ra để thực hiện mục tiêu giảm ùn tắc giao thông.
Để đạt được mục tiêu đó, năm 2012 sẽ là năm An toàn giao thông, thực hiện an toàn giao thông ở cả nước, nâng cao ý thức toàn dân thực hiện an toàn giao thông.