Bộ GTVT vừa có Công văn số 7310/BGTVT-KHĐT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trả lời cử tri thành phố Hà Nội gửi tới sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Theo đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 248/BDN ngày 15/7/2019, nội dung kiến nghị như sau: Câu số 70: “Cử tri đề nghị tập trung đầu tư cho giao thông nông thôn; có chương trình, đề án riêng để xây dựng cầu dân sinh, đảm bảo an toàn giao thông cho vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm đáp ứng nhanh nhu cầu cấp thiết về đi lại và tạo điều kiện cho phát triến kinh tế - xã hội”.
Trước tiên, Bộ GTVT xin trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã quan tâm, góp ý về lĩnh vực giao thông nông thôn (GTNT) nói chung và việc đầu tư xây dựng cầu dân sinh nói riêng nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu xã hội và người dân.
Tập trung đầu tư hệ thống giao thông là điều kiện căn bản để phát triển nông nghiệp nông thôn.
Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau: Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và Luật Ngân sách nhà nước, kinh phí đầu tư xây dựng các công trình GTNT thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, tuy nhiên những năm qua Chính phủ đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ các tỉnh, thành phố xây dựng đường GTNT và các công trình cầu dân sinh như: Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững cho các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới ... Bộ GTVT với trách nhiệm của mình cũng đã tích cực huy động các nguồn vốn ODA để hỗ trợ các địa phương như Dự án cầu giao thông nông thôn vốn Nhật Bản; các Dự án giao thông nông thôn 1,2,3 (vốn Ngân hàng Thế giới và Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh).
Hiện nay, Bộ GTVT đang thực hiện Chương trình xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014-2020 với nội dung chính: Đầu tư xây dựng 3.102 cầu với tổng mức đầu tư là 8.335 tỷ đồng trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số thuộc 50 tỉnh/thành. Các Đề án/Dự án thành phần thuộc Chương trình đã và đang được Bộ triển khai thực hiện gồm: Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên với tổng vốn đầu tư là 931,7 tỷ đồng. Chương trình “Nhịp cầu yêu thương”: Bộ GTVT đã huy động được 261,86 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 44 cầu. Dự án “Xây dụng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương” (LRAMP) với TMĐT 9.203,4 tỷ đồng. Dự án sẽ đầu tư xây dựng khoảng 676 km đường cho 14 tỉnh với kinh phí 3.038,3 tỷ đồng; xây dựng khoảng 2.272 cầu dân sinh với kinh phí 5.798 tỷ đồng.
Bộ GTVT xin ghi nhận ý kiến của cử tri thành phố Hà Nội và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố để từng bước đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng GTNT, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông bào dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo đi lại an toàn, thuận lợi cho nhân dân.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với vấn đề được cử tri quan tâm kiến nghị. Bộ GTVT trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải./.