Bộ GTVT trả lời kiến nghị cử tri TP.Hồ Chí Minh gửi tới Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Thứ ba, 18/08/2020 13:42
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bộ Giao thông vận tải nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh do Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo công văn số 223/BDN ngày 15/6/2020, nội dung kiến nghị như sau:

“Nội dung kiến nghị (câu số 70): cần luật hóa hình thức phạt nguội trong lĩnh vực giao thông đường bộ nhằm đảm bảo tính pháp lý, tạo sự đồng bộ trong công tác phối hợp giữa các ngành và nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật giao thông đường bộ của người tham gia giao thông; bổ sung quy định về trách nhiệm của chủ phương tiện giao thông theo hướng bắt buộc chủ phương tiện phải nộp phạt thay cho người vi phạm trong trường hợp chủ phương tiện không xác định được người vi phạm. Đồng thời, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đăng kiểm từ chối đăng kiểm cho phương tiện vi phạm sau khi nhận được thông báo đề nghị của cơ quan chức năng mà không cần chờ quyết định xử phạt vi phạm hành chính”.

Trước tiên, Bộ Giao thông vận tải trân trọng cảm ơn Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm, góp ý nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải xin trả lời và cung cấp một số thông tin như sau:

Ngày 30/12/2019, Chính phủ đã ban Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 (sau đây gọi chung là Nghị định); trong đó đã quy định một số nội dung mà cử tri quan tâm, cụ thể:

Tại khoản 8 Điều 80 Nghị định quy định về xử phạt trong trường hợp hành vi vi phạm được phát hiện thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học - công nghệ trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm TTATGT:

Đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mắ cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý, cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) đến trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm; chủ phương tiện có nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.

Trường hợp chủ phương tiện là cá nhân, nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không chứng minh hoặc không giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện;

Trường hợp chủ phương tiện là tổ chức, nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không giải trình để xác định được người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt tiền bằng hai lần mức xử phạt quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện nhưng không quá mức phạt tiền tối đa, trừ trường hợp phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép”.

Tại khoản 11 Điều 80 Nghị định quy định về sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm nhằm góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Xử lý vi phạm hành chính “cá nhân, tổ chức có trách nhiệm phát hiện, tố cáo và đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính", đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm TTATGT:

Người có thẩm quyền xử phạt được sử dụng các thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm.

Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn quy trình chuyển hóa kết quả thu được từ các phương tiện, thiết bị (không phải là phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ) do cá nhân, tổ chức cung cấp thành các chứng cứ để xác định vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt".

Tại khoản 12 Điều 80 Nghị định quy định cơ quan đăng kiểm đưa vào cảnh báo phương tiện có vi phạm trên Chương trình quản lý kiểm định đối với phương tiện mà chủ phương tiện không đến giải quyết vụ việc vi phạm nhằm góp phần nâng cao hiệu quả của công tác xử lý vi phạm, phù hợp và đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm TTATGT:

Trường hợp quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm được ghi trong biên bản vi phạm hành chính hoặc văn bản thông báo của người có thẩm quyền xử phạt mà chủ phương tiện (xe ô tô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe máy chuyên dùng) vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết, thì người có thẩm quyền xử phạt gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để đưa vào cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình Quản lý kiểm định.

Khi phương tiện đến kiểm định, cơ quan đăng kiểm thông báo cho người đưa phương tiện đến kiểm định biết về việc vi phạm, thực hiện kiểm định theo quy định đối với phương tiện, cấp Giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường có thời hạn hiệu lực là 15 ngày.

Sau khi người vi phạm đã đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm theo quy định, người có thẩm quyền xử phạt phải gửi thông báo ngay cho cơ quan đăng kiểm biết để xóa cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình Quản lý kiểm định, thực hiện kiểm định, cấp Giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành đối với phương tiện”.

Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để trả lời cử tri./.

Cổng TTĐT Bộ GTVT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)