Ngày 8/9, Bộ GTVT vừa có Văn bản số 8844/BGTVT-CQLXD gửi Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng về việc trả lời kiến nghị cử tri gửi tới sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Cụ thể nội dung kiến nghị như sau: "Cử tri bày tỏ bức xúc, thời gian qua những chủ trương, công trình lớn trong lĩnh vực giao thông có tiến độ triển khai thực hiện còn rất chậm, thậm chí là không đạt hiệu quả, liên tục tăng vốn. Cử tri kiến nghị cần quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện và xác định rõ trách nhiệm của người có liên quan để xảy ra tình trạng trên”.
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn cả nước nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp úng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau:
Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phát triển có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của nước ta. Trong những năm qua, do nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, thực hiện chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa mọi nguồn lực để tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Nhờ đó hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có bước phát triển đáng kể, chất lượng vận tải ngày một nâng cao, bước đầu cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, giảm thiểu ùn tắc giao thông, phát huy hiệu quả đầu tư như dự án: Cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương; cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; các dự án mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ; đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; cầu Thanh Trì; đường vành đai III Hà Nội giai đoạn 2; cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình; cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; cao tốc Nội Bài - Lào Cai; cao tốc Pháp Vân - cầu Giẽ giai đoạn 2; cầu Nhật Tân, đường nối cầu Nhật Tân - Nội Bài; nhà ga T2 Nội Bài; cảng Lạch Huyện, ...
Nhiều công trình, dự án trọng điểm sau khi hoàn thành giảm tổng mức đầu tư hoặc không tăng tổng mức đầu tư. Hiện nay, Bộ GTVT đang quyết liệt chỉ đạo triển khai 03 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2, 02 dự án cấp bách cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng HKQT Nội Bài, Tân Sơn Nhất, đồng thời chỉ đạo hoàn thiện các thủ tục để tiến tới khởi công 03 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ,...trong năm 2020 theo kế hoạch đề ra.
Bên cạnh hiệu quả đạt được vẫn còn một số dự án chậm tiến độ, phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư do các nguyên nhân chủ yếu như: Một số dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư do bổ sung hạng mục công trình nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả đầu tư; do chi phí GPMB tăng; do biến động lớn về giá cả nguyên vật liệu, chính sách tiền lương; thay đổi thiết kế cơ sở do thay đổi quy mô xây dựng để phù hợp với thực tế trong giai đoạn mới và phát huy hiệu quả đầu tư như các dự án đường sắt đô thị… Một số dự án chậm hơn so với kế hoạch đề ra, do công tác lập kế hoạch triển khai chưa sát với thực tế, chưa lường hết được những khó khăn, vướng mắc; chưa tập trung quyết liệt triển khai từ khâu chuẩn bị các thủ tục đầu tư đến triển khai thi công trên hiện trường; một số dự án thủ tục đầu tư phụ thuộc nhiều vào các bộ, ngành, địa phương, thời gian kéo dài; một số dự án phải xử lý các tình huống trong đấu thầu, thay đổi quy trình thẩm định, phê duyệt theo các quy định mới của pháp luật về quản lý đầu tư xây dụng; do Chủ đầu tư chuyển về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nên từ năm 2019 đến nay chưa được giao kế hoạch vốn đầu tư công; một số dự án vướng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ thi công, khó khăn trong việc lập tiến độ triển khai thực hiện,...
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý đầu tư, xây dụng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo chặt chẽ về thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thi công, kiểm soát tốt chất lượng, chi phí của công trình, dự án, Bộ GTVT đã ban hành: Đề án đổi mới công tác quản lý đầu tư, xây dựng trong lĩnh vực giao thông vận tải; Chỉ thị tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng ngành giao thông vận tải; Chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020 thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải.
Cổng TTĐT Bộ GTVT