Bộ Giao thông vận tải nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 288/BDN ngày 24/7/2020.
Ảnh minh họa
Nội dung kiến nghị như sau: “Cử tri phản ánh và kiến nghị giải quyết một số bất cập trong việc đấu nối vào công trình giao thông được đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP). Cụ thể, cử tri cho rằng, tuyến tránh lũ Quốc lộ 1A (BOT) đi qua 02 huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy đã góp phần đảm bảo an toàn giao thông và hứa hẹn mở thêm tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội cho vùng cát ven biển; tuy vậy, theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải về Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thì: “Việc xây dựng công trình thiết yếu, xây dựng, cải tạo các nút giao thông, điểm đấu nối liên quan đến công trình đường bộ được đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP), cơ quan đường bộ có thẩm quyền khi thực hiện thỏa thuận quy hoạch, chấp thuận xây dựng, chấp thuận thiết kế và cấp phép thi công, ngoài việc thực hiện các quy định của Thông tư này còn phải lấy ý kiến bằng văn bản của Nhà đầu tư dự án PPP về các vấn đề an toàn giao thông, ảnh hưởng đến kết cấu công trình, thu phí và các vấn đề khác có liên quan”. Quy định này gây phiền hà và trở ngại cho các địa phương và doanh nghiệp khi triển khai thực hiện các dự án dọc 2 bên tuyến đường BOT. Hiện nay có nhiều dự án tạo quỹ đất ở, đất thương mại - dịch vụ, năng lượng tái tạo, trang trại và dự án khai thác khoáng sản dọc hai bên tuyến đường không thể triển khai thực hiện do không được Nhà đầu tư chấp thuận đấu nối vào tuyến đường. Bất cập này tạo ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là cản trở, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có tuyến đường đi qua. Cử tri đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu sửa đổi nội dung tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT theo hướng giao toàn bộ thẩm quyền cho phép đấu nối cho cơ quan quản lý đường bộ; các địa phương, doanh nghiệp có nhu cầu đấu nối chỉ xin ý kiến của cơ quan quản lý đường bộ, không phải lấy ý kiến bằng văn bản của nhà đầu tư dự án đường tránh lũ Quốc lộ 1A để phù hợp với thực tế và giải quyết bất cập nêu trên”.
Trước tiên, Bộ Giao thông vận tải trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.
Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT trả lời như sau:
- Để bảo đảm an toàn giao thông, không ảnh hưởng đến công trình đường bộ, thu phí hoàn vốn và các vấn đề khác có liên quan đến nhà đầu tư BOT, việc lấy ý kiến của nhà đầu tư BOT được quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ GTVT về Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ.
- Để giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc đấu nối vào các dự án BOT trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (do Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh là nhà đầu tư), Bộ GTVT đã giao Tổng cục ĐBVN đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý. Tổng cục ĐBVN đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh cùng Nhà đầu tư BOT tiến hành kiểm tra hiện trường và tổ chức buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình. Sau khi có báo cáo của Tổng cục ĐBVN, ngày 18/6/2020 Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng đã tổ chức cuộc họp với UBND tỉnh Quảng Bình (Sở GTVT Quảng Bình được ủy quyền dự họp), nhà đầu tư BOT và các đơn vị liên quan và đã có Thông báo số 268/TB-BGTVT ngày 25/6/2020 để các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện (sao gửi kèm văn bản này).
- Hiện tại, Luật Giao thông đường bộ đang trong quá trình được sửa đổi để trình Quốc hội xem xét ban hành. Sau khi Luật Giao thông đường bộ được ban hành, kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình nêu trên sẽ được nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật (Nghị định, Thông tư) trên nguyên tắc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư BOT và tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn các tỉnh (có đấu nối vào quốc lộ trong phạm vi dự án BOT).
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải.