Bộ GTVT vừa có Công văn số 13025/BGTVT-ATGT gửi đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Trà Vinh trước Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV.
Theo đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Trà Vinh do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 386/BDN ngày 29/10/2020, nội dung kiến nghị như sau:
"Nội dung kiến nghị (câu số 30): đề nghị quy định cụ thể cơ quan chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm tránh chồng chéo khi tổ chức thực hiện và giảm bớt phiền hà cho người dân”.
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh đã quan tâm, góp ý nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và nhân dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời và cung cấp một số thông tin để làm rõ hơn như sau:
Trong những năm qua, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực giao thông đường bộ nói riêng ở nước ta đã và đang được thực hiện đồng bộ theo 05 trụ cột về an toàn giao thông đã được Liên hợp Quốc và các nước trên thế giới thực hiện, gồm: (1) Quản lý nhà nước, (2) Kết cấu hạ tầng, (3) Phương tiện giao thông, (4) Người tham gia giao thông, (5) Ứng phó sau tai nạn giao thông.
Việc triển khai đồng bộ, tổng thể các nhiệm vụ về bảo đảm TTATGT theo 05 trụ cột nêu trên đã nhận được sự chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản: Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI; Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII đối với các hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 – 2021; Quyết định số 1586/QĐ-TTg ngày 24/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm TTATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chiến lược quốc gia bảo đảm TTATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”.
Từ các chỉ đạo nêu trên của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho thấy, hiện nay lĩnh vực an toàn giao thông đã và đang tiếp tục được triển khai tổng thể, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương theo 05 trụ cột về an toàn giao thông nêu trên; trong đó, TTATGT là mục tiêu khi triển khai, thực hiện các nhiệm vụ chuyên ngành, đa ngành, đa lĩnh vực, đa chuyên môn nghiệp vụ, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều Bộ, ngành, địa phương, như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch...và Ủy ban nhân dân các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương. Do đó, căn cứ thực tiễn tình hình thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TATTGT của nước ta trong những năm qua, bài học kinh nghiệm quốc tế cho thấy, công tác bảo đảm TTATGT vẫn phải được Chính phủ chỉ đạo, điều hành chung; việc giao một đầu mối thuộc các Bộ, ngành chịu trách nhiệm chính về TTATGT sẽ rất khó khăn trong việc chỉ đạo, điều hành, cũng như tổ chức thực hiện, đặc biệt là các nhiệm vụ có tính chất đa ngành.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Trà Vinh, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải./.