Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh về biện pháp đảm bảo thoát nước và ATGT trên tuyến QL22

Thứ tư, 06/01/2021 09:59
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bộ GTVT vừa có Văn bản số 13606/BGTVT-KCHT gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh để trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Cụ thể, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 386/BDN ngày 29/10/2020, nội dung kiến nghị như sau: 

Kiến nghị ngành chức năng sớm nạo vét mương thoát nước dọc 02 bên đường Xuyên Á đoạn qua địa bàn xã An Thạnh và sửa chữa, nâng cấp một số đoạn trên tuyến đường Xuyên Á từ ngã ba xã An Thạnh đến cầu Gò Dầu, vì hiện nay, tuyến đường này bị trũng ở giữa, khi trời mưa bị đọng nước gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người tham gia giao thông. 

Đề nghị ngành chức năng sớm nạo vét mương thoát nước dọc 02 bên đường Quốc lộ 22B, đoạn từ Suối Sâu đến ngã tư An Bình và từ ngã tư An Bình đến thị xã Trảng Bàng. Đoạn này thường xuyên ngập khi trời mưa, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc tham gia giao thông của người dân. 

Ảnh minh họa

Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đã quan tâm, đóng góp về lĩnh vực quản lý và bảo trì đường bộ, nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ GTVT ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT trả lời như sau: 

Về việc nạo vét mương thoát nước và sửa chữa, nâng cấp một số đoạn trên tuyến QL22: 

Xã An Thạnh thuộc đoạn tuyến có lý trình từ Km48+350 - Km55+100, QL22, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Hệ thống rãnh dọc 02 bên QL22 (đường Xuyên Á) thường xuyên được đơn vị bảo trì nạo vét, khơi thông, thoát nước tốt trước; việc mặt đường thường xuyên bị đọng nước khi trời mưa, nguyên nhân từ khi tuyến đường Trà Cao - Phước Chỉ được nâng cấp, mở rộng, hai bên đường tôn cao, vùi lấp, chặn hướng thoát nước tự nhiên từ cửa xả của hệ thống rãnh dọc tại Km51+750(P) QL22 (ngã ba An Thạnh).

Để thoát nước cho mặt đường QL22, không bị ngập úng đoạn qua xã An Thạnh, đơn vị bảo trì đường bộ đã làm mương dẫn dòng dẫn nước từ QL22 đấu nối và thoát nước vào hệ thống rãnh dọc của đường Trà Cao - Phước Chỉ. 

Sửa chữa nâng cấp một số đoạn trên tuyến đường Xuyên Á từ ngã ba xã An Thạnh đến cầu Gò Dầu: - Đường Xuyên Á (QL22) từ ngã ba xã An Thạnh đến cầu Gò Dầu có lý trình từ Km51+750 - Km48+350 được đầu tư, nâng cấp cải tạo hoàn thành đưa vào khai thác năm 2005. Hàng năm, Bộ GTVT đã thực hiện công tác bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên đảm 2 bảo khai thác êm thuận. Năm 2021, Bộ GTVT tiếp tục bố trí kinh phí cho phép sửa chữa định kỳ các đoạn tuyến trên QL22, trong đó, cho phép sửa chữa công trình hư hỏng mặt đường, bổ sung hệ thống thoát nước tại các vị trí thường bị ngập úng khi mưa, bao gồm cả đoạn tuyến mà cử tri đã phản ánh để đảm bảo thoát nước và an toàn giao thông. 

Về việc nạo vét mương thoát nước nạo vét mương thoát nước dọc 02 bên đường Quốc lộ 22, đoạn từ Suối Sâu đến ngã tư An Bình và từ ngã tư An Bình đến thị xã Trảng Bàng: 

Cống thoát nước dọc hai bên tuyến đường QL22 đoạn từ cổng chào Suối sâu (Km30+250) đến ngã tư An Bình (33+620) đã được đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ thường xuyên nạo vét mương thoát nước; tuy nhiên do hệ thống rãnh dọc hiện hữu có độ dốc dọc thiết kế dẫn và thoát về phía mương thủy lợi tại Km31+990. Tuy nhiên, hiện nay, mương thủy lợi đã được bê tông hóa, nước từ hệ thống rãnh dọc QL22 không được đổ trực tiếp vào mương gây ngập úng cục bộ trên QL22. Để giải quyết vấn đề ngập úng, Bộ GTVT đã cho phép cải tạo rãnh dọc hiện hữu, xây dựng hệ thống rãnh dọc để thoát nước về cổng chào Suối sâu tại Km30+350; tiến độ thực hiện hoàn thành trong năm 2021.

Đoạn từ ngã tư An Bình (Km33+620) đến thị xã Trảng Bàng (Km35+700) đảm bảo thoát nước tốt, khi mưa lớn không gây ngập úng mặt đường, chỉ ngập úng đoạn từ đoạn Km35+050 đến Km35+650. Nguyên nhân gây ngập úng, hiện nay, hệ thống thoát nước của đường liên xã thị xã Trảng Bàng - xã Gia Lộc (thuộc quản lý của UBND thị xã Trảng Bàn) tại Km35+650(P) được đấu nối vào hệ thống thoát nước của QL22 (hệ thống rãnh dọc đoạn từ Km35+050(P) - Km35+700(P) có khẩu độ nhỏ chỉ đủ thoát nước mặt đường QL22), do vậy, khi mưa lớn nước từ mặt đường và hệ thống rãnh dọc của đường liên xã đổ ra mặt đường và rãnh dọc của QL22, không đủ khả năng tiêu thoát, gây ngập úng cục bộ, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT. Để không bị ngập úng mặt đường QL22 như phản ánh của cử tri, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo các cơ quan liên quan, khảo sát, đầu tư, xây dựng hệ thống thoát nước riêng cho đường liên xã thị xã Trảng Bàng - xã Gia Lộc và không đấu nối vào hệ thống thoát nước của QL22. 

Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành GTVT.


 

hoavt

Nguồn: Bộ GTVT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)