Bộ GTVT vừa có Công văn 263/BGTVT-KCHT ngày 12/01/2020 gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai để trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Lào Cai trước Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 386/BDN ngày 29/10/2020, nội dung kiến nghị như sau:
Đề nghị điều chỉnh quy định giới hạn hành lang an toàn đối với đường quốc lộ, việc áp dụng vào địa hình miền núi dốc là không phù hợp, nên phạm vi hành lang nhỏ hẹp rất khó khăn trong việc xây dựng hạ tầng, nhà ở dân cư (Nghị định 100/2013/NĐ-CP ngày 3/9/2013 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ). Xem xét có quy định riêng áp dụng đối với khu vực miền núi.
Về nội dung kiến nghị của cử tri trên, Bộ Giao thông vận tải xin trả lời như sau: Theo quy định tại khoản 2, Điều 1 Nghị định 100/2013/NĐ-CP ngày 3/9/2013 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: “2. Điều 15. Giới hạn hành lang an toàn đường bộ được sửa đổi như sau: Hành lang an toàn đường bộ là dải đất dọc hai bên của đường bộ nhằm bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ công trình đường bộ. Giới hạn hành lang an toàn đường bộ xác định theo quy hoạch đường bộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được quy định như sau: 1. Đối với đường ngoài đô thị: Căn cứ cấp kỹ thuật của đường theo quy hoạch, phạm vi hành lang an toàn đường bộ có bề rộng tính từ đất của đường bộ ra mỗi bên là: a) 17 mét đối với đường cấp I, II; b) 13 mét đối với đường cấp III; c) 09 mét đối với đường cấp IV, cấp V; 04 mét đối với đường cấp thấp hơn cấp V; 2. Đối với đường đô thị, giới hạn hành lang an toàn đường bộ là chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt…”
Theo quy định trên, việc xây dựng hạ tầng, nhà ở dân cư phải nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ nhằm bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ công trình đường bộ; bên cạnh đó vị trí xây dựng hạ tầng, nhà ở còn phải tuân thủ theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 356/QĐTTg ngày 25/02/2013 và quy hoạch khác có liên quan.
Về giới hạn hành lang an toàn đối với đường quốc lộ, việc áp dụng vào địa hình miền núi dốc: Đối với các tuyến quốc lộ đi qua khu vực miền núi thường có địa hình đèo, dốc, ôm đồi, ôm núi, cong cua liên tục, hành lang đường bộ bị chia cắt bởi núi cao, vực sâu, sông suối… việc quy định giới hạn hành lang an toàn đường bộ là rất cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình và an toàn cho chính các tổ chức, cá nhân xây dựng các công trình hạ tầng.
Về xem xét có quy định riêng áp dụng đối với khu vực miền núi: Trước mắt Bộ GTVT ghi nhận ý kiến của cử tri tỉnh Lào Cai để nghiên cứu khi xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai, trân trọng gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm góp ý của cử tri đối với ngành GTVT.