Bộ GTVT vừa có Công văn số 11142/BGTVT-KCHT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nam về các vấn đề giao thông
Theo đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nam do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 277/BDN ngày 30/8/2021, nội dung kiến nghị như sau:
“Đề nghị Bộ tham mưu Chính phủ:
+ Sửa đổi quy định về quỹ đất dành cho đường bộ tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ để đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác để tạo sự thống nhất trong công tác lập, quản lý quy hoạch (khác với tỷ lệ đất giao thông của đô thị quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13).
+ Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo hướng rõ hơn, thuận lợi trong áp dụng thực tiễn, khắc phục các tồn tại hạn chế nêu trên. Trong đó nên quy định xác định hành lang an toàn đường bộ là dải đất có chiều rộng cố định tính từ mép mặt đường xe chạy hoặc mép ngoài lề đường trở ra hai bên, chiều rộng này phụ thuộc vào cấp kỹ thuật theo quy hoạch của tuyến đường;
+ Quy định chặt chẽ để đảm bảo kiểm soát tính ổn định về quy hoạch của kết cấu hạ tầng giao thông;
+ Hướng dẫn cụ thể: Tại Khoản 6, Điều 22, Nghị Định 11/2010/NĐ-CP có nội dung quy định "Các công trình khác ở ngoài hành lang an toàn đường bộ nhưng ảnh hưởng đến hoạt động giao thông và an toàn giao thông đường bộ thì chủ đầu tư hoặc chủ sử dụng phải khắc phục, sửa chữa kịp thời". Tuy nhiên trong trường hợp do công trình đường bộ xây mới hoặc cải tạo nâng cấp điều chỉnh lại gần công trình khác đang có sẵn thì nội dung xử lý như thế nào? Trong thực tế nhiều tuyến đường có sự thay đổi quy hoạch về cấp kỹ thuật (ví dụ trước quy hoạch là cấp IV, nay điều chỉnh thành cấp III hoặc trước quy hoạch cấp II nay điều chỉnh thành cấp III), khi đó đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ có sự thay đổi, các công trình xây dựng, đất đai đã cấp trước khi điều chỉnh cấp đường quy hoạch nằm ngoài hành lang an toàn giao thông, khi điều chỉnh quy hoạch lại nằm trong hành lang an toàn giao thông, do đó cần có quy định bổ sung về những nội dung này để đáp ứng yêu cầu thực tế.
+ Quy định cụ thể về quản lý, bảo trì đường bộ, nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì đường bộ: Nguồn kinh phí bố trí cho bảo trì đường bộ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Cơ chế giao kế hoạch bảo trì hàng năm vẫn còn có những bất cập, chưa tạo được tính chủ động, kịp thời trong thực hiện công tác quản lý, bảo trì đối với các đơn vị được giao tổ chức thực hiện công tác này.
+ Điều chỉnh quy định về đấu nối vào Quốc lộ theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 29 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ vì có nhiều nội dung khó khăn trong thực hiện thực tế; Quy định về khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối vào quốc lộ hiện nay khá cứng nhắc, cần nghiên cứu sửa đổi theo theo hướng xử lý về an toàn giao thông cụ thể của từng vị trí”.
Trước tiên, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đã quan tâm, góp ý về lĩnh vực giao thông vận tải nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Để bám sát theo ý kiến, kiến nghị của cử tri, Bộ GTVT đề nghị được tách nội dung kiến nghị nêu trên làm 02 nhóm vấn đề và được trả lời như sau:
Đối với nhóm vấn đề kiến nghị liên quan đến các quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (viết tắt là NĐ11/2010/NĐ-CP):
Về kiến nghị “…điều chỉnh quy định về quỹ đất dành cho phát triển đường bộ trong đô thị”: Quỹ đất dành cho phát triển của đường bộ được quy định tại Điều 42 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, trong đó quỹ đất ở đô thị dành cho đường bộ đảm bảo từ 16 đến 26%. Tại NĐ11/2010/NĐ-CP quy định quỹ đất đối với từng loại đô thị nằm trong khoảng tỷ lệ 16 ÷ 26% 1 . Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị quy định tỷ lệ quỹ đất đối với từng loại đô thị cụ thể 2 . Như vậy, quy định về tỷ lệ quỹ đất đối với từng loại đô thị tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 và NĐ11/2010/NĐ-CP còn khác nhau, trong thực tiễn tỷ lệ này dao động, chính quyền địa phương có thể vận dụng cao hơn quy định tại NĐ11/2010/NĐ-CP nếu điều kiện cho phép. Vấn đề cử tri tỉnh Hà Nam kiến nghị cũng được một số địa phương khác góp ý và đã được Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu đưa vào dự thảo Luật GTĐB sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Đối với kiến nghị “…bổ sung quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ… nên quy định xác định hành lang an toàn đường bộ là dải đất có chiều rộng cố định tính từ mép mặt đường xe chạy hoặc mép ngoài lề đường trở ra hai bên…”: Phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) được quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và quy định cụ thể tại Điều 15 NĐ11/2010/NĐ-CP, khoản 2, Điều 1 Nghị định số 100/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số Điều của NĐ11/2010/NĐ-CP. Các quy 1. NĐ11/2010/NĐ-CP quy định quỹ đất đối với từng loại đô thị: Đô thị đặc biệt (24 ÷ 26%); đô thị loại 1 (23 ÷ 25%); đô thị loại 2 (21 ÷ 23%); đô thị loại 3 (18 ÷ 20%); đô thị loại 4 và 5 (16 ÷ 18%). 2. Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 quy định quỹ đất đối với từng loại đô thị: Đô thị loại đặc biệt lớn hơn hoặc bằng 26%; đô thị loại 1, lớn hơn hoặc bằng 24%; đối với đô thị loại 2, lớn hơn hoặc bằng 22%; đối với đô thị loại 3, lớn hơn hoặc bằng 19%; đối với đô thị loại 4, lớn hơn hoặc bằng 17%; đối với đô thị loại 5, lớn hơn hoặc bằng 16%. 3 định về phạm vi HLATĐB nhằm đảm bảo bền vững của công trình đường bộ, bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, hạn chế tiếng ồn với xung quanh và góp phần giảm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng khi thực hiện cải tạo, nâng cấp đường bộ...
Hiện nay các quy định này đang phát huy tác dụng tích cực trong công tác quản lý HLATĐB và thực tiễn công tác quản lý đầu tư xây dựng, công tác giải phóng mặt bằng các công trình giao thông đường bộ nhất là các trường hợp nâng cấp, mở rộng các tuyến đường bộ. Đối với kiến nghị của cử tri, Bộ GTVT ghi nhận và sẽ tiếp tục nghiên cứu để xem xét, sửa đổi bổ sung, vào dự thảo Nghị định thay thế NĐ11/2010/NĐ-CP (sau khi dự thảo Luật GTĐB sửa đổi được Quốc hội ban hành).
Đối với kiến nghị về “hướng dẫn và có quy định cụ thể liên quan đến quy định tại khoản 6, Điều 22 NĐ11/2010/NĐ-CP…”: Vấn đề được cử tri đề cập và kiến nghị chưa được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nam, Bộ GTVT sẽ giao các cơ quan chức năng của Bộ đưa vào nghiên cứu, bổ sung quy định các nội dung nêu trên theo hướng rõ hơn, chặt chẽ hơn và thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.
Đối với kiến nghị “…đảm bảo kiểm soát tính ổn định về quy hoạch của kết cấu hạ tầng giao thông”: Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông được quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017. Đây là cơ sở để thực hiện công tác quản lý, chỉ đạo công tác đầu tư phát triển, bảo đảm hiệu quả đầu tư, phát triển cân đối, hài hòa tổng thể giữa các lĩnh vực giao thông vận tải. Để làm tốt nội dung này, trong thời gian qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông chuyên ngành nhằm nâng cao chất lượng và có tầm nhìn dài hạn, bảo đảm phù hợp với các quy hoạch ngành quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch và các quy định có liên quan. Hiện nay vấn đề cử tri kiến nghị được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 56/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch.
Đối với kiến nghị “Điều chỉnh quy định về đấu nối vào Quốc lộ theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 29 NĐ 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ …cần nghiên cứu sửa đổi theo theo hướng xử lý về an toàn giao thông cụ thể của từng vị trí”: Hệ thống quốc lộ có chức năng đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, khu vực, phục vụ việc lưu thông của người dân và đảm bảo cho các phương tiện tham gia giao thông được an toàn, thông suốt. Để mạng lưới đường bộ địa phương kết nối vào hệ thống quốc lộ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, việc đấu nối các đường nhánh với quốc lộ là cần thiết. Tuy nhiên, việc đấu nối vào quốc lộ không đảm bảo quy định sẽ làm giảm khả năng khai thác của hệ thống quốc lộ và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu mở điểm đấu nối vào quốc lộ ngày càng tăng, tuy nhiên một số trường hợp chưa đảm bảo cơ sở pháp lý để được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngày 14/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1079/CĐ-TTg về việc rà soát pháp luật. Tại văn bản này, ngoài yêu cầu nghiên cứu, đề xuất sửa đổi 29 Luật thuộc lĩnh vực quản lý của 10 Bộ và Cơ quan ngang Bộ, Thủ tướng Chính phủ đã giao các cơ quan tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các Nghị định cùng các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ GTVT đã có Văn bản số 8617/BGTVTPC ngày 19/8/2021 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đã đề xuất sửa đổi, bổ sung NĐ 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đến nay, Bộ GTVT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung NĐ11/2010/NĐCP, trong đó tập trung vào sửa Điều 29 (Đấu nối vào quốc lộ). Tại khoản 2 của Dự thảo Nghị định, Ban soạn thảo đã đề xuất điều chỉnh theo hướng UBND cấp tỉnh quyết định điểm đấu nối vào quốc lộ theo quy định của Bộ GTVT; Ở bước tiếp theo, trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 50/2015/TTBGTVT ngày 23/9/2015, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu, xem xét cụ thể các quy định về đấu nối trong một số trường hợp đặc biệt không đảm bảo khoảng cách tối thiểu theo quy định nhưng có đủ quỹ đất để thiết kế nút giao đảm bảo các yếu tố hình học theo yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo điều kiện về an toàn giao thông trong khu vực nút giao của điểm đấu nối, không làm ảnh hưởng đến khả năng thông hành của quốc lộ.
Đối với kiến nghị liên quan đến “Quy định cụ thể về quản lý, bảo trì đường bộ, nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì đường bộ…”:
Công tác quản lý, bảo trì đường bộ: Thực hiện theo các quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, Nghị định số 32/2014/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý, khai thác và bảo trì đường cao tốc; Nghị định số 33/2019/NĐ-CP về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT ngày 07/6/2018 của Bộ GTVT quy định về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ (TT37/2018/TT-BGTVT).
Về nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì đường bộ: - Theo các quy định nêu trên, nguồn vốn cần thiết dành cho công quản lý, bảo trì đường bộ rất lớn, ngân sách ở Trung ương và địa phương chưa thể cân đối và đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Hiện nay Ngân sách Trung ương dành cho quản lý, bảo trì quốc lộ mới đáp ứng trên 40% tổng nhu cầu (khoảng 10.000tỷ/năm so với nhu cầu khoảng 25.000 tỷ đồng/năm). Đối với một số tuyến quốc lộ có lưu lượng vận tải thấp qua địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ GTVT quản lý, hiện nay hệ thống đường bộ (đường giao thông công cộng) cần thực hiện công tác bảo trì theo các quy định nêu trên) là 137.383 km. Trong đó, hệ thống quốc lộ gồm 24.923 km (chưa tính đường cao tốc và khoảng 320 km đường nắn chỉnh tuyến gồm nhiều đoạn nhỏ, lẻ nằm xen kẹp chưa hoàn thành thủ tục điều chuyển về địa phương quản lý); hệ thống đường địa phương gồm 112.460 Km (đường tỉnh 28.142km, đường huyện: 56.630 km; đường đô thị: 27.688 km (không tính đường xã, đường thôn, bản, đường nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp và các đường chuyên dùng khác). Bộ GTVT đang giao cho các Sở GTVT thực hiện công tác quản lý, khai thác và bảo trì bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ (từ Ngân sách Trung ương cấp cho Bộ GTVT theo kế hoạch bảo trì đường bộ hàng năm).
Trình tự thực hiện việc lập kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên và giao dự toán kế hoạch chi hằng năm được thực hiện theo các quy định tại Thông tư 37/2018/TT-BGTVT và Thông tư số 60/2017/TT-BTC ngày 15/6/2017 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ.
Để tăng cường tính chủ động trong quản lý, khai thác và bảo trì quốc lộ, căn cứ Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, thực hiện công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua, Bộ GTVT đã giao cho cơ quan chuyên môn xây dựng Đề án phân cấp quản lý, bảo trì quốc lộ trên địa bàn cả nước. Sau khi Đề án được phê duyệt thì những nội dung kiến nghị của cử tri sẽ cơ bản được tháo gỡ, giải quyết các bất cập trong công tác quản lý, bảo trì quốc lộ.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với vấn đề được cử tri quan tâm kiến nghị, Bộ GTVT trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam để trả lời cử tri và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải./.