Bộ GTVT vừa có Văn bản số 11698/BGTVT-VT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An trả lời kiến nghị cử tri về vận chuyển một số loại hàng hóa nguy hiểm
Theo Công văn số 6884/VPCP-QHĐP ngày 25 tháng 9 năm 2021 do Văn phòng Chính phủ chuyển đến Bộ Giao thông vận tải (GTVT), cử tri tỉnh Long An kiến nghị như sau:
"(1) Kiến nghị xem xét phân cấp cho Bộ Công an thẩm quyền cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm cho các loại theo qui định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 42/2020/NĐ-CP (trừ loại 7), nhằm giảm bớt thủ tục hành chính của các ngành; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận chuyển nhiều loại hàng hóa nguy hiểm khi có nhu cầu cấp Giấy phép;
(2) Bổ sung qui định quản lý Giấy phép vận chuyển các loại hóa chất độc khác không phải là thuốc bảo vệ thực vật; bổ sung qui định miễn trừ cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm đối với trường hợp "vận chuyển hóa chất phòng thí nghiệm với một khối lượng nhất định";(3) Về trách nhiệm xây dựng nội dung, thời gian tập huấn... của các Bộ ngành: Theo qui định tại Nghị định, các Bộ, ngành sẽ xây dựng riêng nội dung, thời gian tập huấn, tiêu chuẩn của cán bộ tập huấn...đối với loại hàng hóa nguy hiểm thuộc thẩm quyền quản lý. Như vậy sẽ khó khăn cho các đơn vị có nhu cầu tổ chức tập huấn trong trường hợp tham gia vận chuyển hàng hóa nguy hiểm thuộc trách nhiệm quản lý của nhiều ngành. Kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các ngành xây dựng bộ tài liệu chung về nội dung, thời gian tập huấn, tiêu chuẩn cán bộ tập huấn cho tất cả các loại hàng hóa nguy hiểm qui định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 42/2020/NĐ-CP và thống nhất thời gian lưu trữ hồ sơ tập huấn tối thiểu là 03 năm".
Về nội dung kiến nghị nêu trên của cử tri, Bộ GTVT xin trả lời như sau:
1. Về thẩm quyền cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm đã được Chính phủ qui định cụ thể tại Chương IV, V của Nghị định số 42/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ (Nghị định 42) như sau: (i) Bộ Công an Quản lý hoạt động vận chuyển hàng hoá nguy hiểm; cấp Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm loại 1, loại 2, loại 3, loại 4, loại 9 theo qui định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định 42; (ii) Bộ Khoa học và Công nghệ Quản lý hoạt động vận chuyển hàng hoá nguy hiểm; cấp Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm đối với loại 5, loại 8 theo qui định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định 42; (iii) Bộ Y tế Quản lý hoạt động vận chuyển hàng hoá nguy hiểm đối với các loại hóa chất độc dùng trong lĩnh vực y tế và hóa chất diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng theoqui định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định 42; (iv) Bộ Công Thương Quản lý hoạt động vận chuyển hàng hoá nguy hiểm đối với loại 2, loại 3, các loại xăng dầu, khí đốt và các hoá chất nguy hiểm, các hoá chất độc nguy hiểm còn lại theo qui định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định 42; (v) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quản lý hoạt động vận chuyển hàng hoá nguy hiểm; cấp Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm đối với hoá chất bảo vệ thực vật theo qui định.
Để tránh chồng chéo, phức tạp trong công tác quản lý hàng hóa nguy hiểm Chính phủ đã giao thẩm quyền cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm tại các chương IV, V của Nghị định 42 là phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các Bộ liên quan, để đảm bảo sự thống nhất. Theo đó Bộ nào quản lý hàng hóa nguy hiểm, thì được giao cấp Giấy phép vận chuyển. Vì vậy, việc giao cho Bộ Công an thẩm quyền cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là chưa phù hợp.
2. Về qui định miễn trừ cấp Giấy phép vận chuyển các loại hóa chất độc khác không phải là thuốc bảo vệ thực vật mà cử tri tỉnh Long An đề nghị bổ sung nêu trên được qui định tại khoản 6 Điều 16 Nghị định số 42. Đối với “hóa chất phòng thí nghiệm với một khối lượng nhất định” do tính chất hóa học và mức độ ảnh hưởng của hóa chất với môi trường và con người chưa bảo đảm an toàn, nên chưa xem xét miễn trừ cấp Giấy phép như đề xuất của cử tri tỉnh Long An.
3. Việc qui định về trách nhiệm xây dựng nội dung, thời gian tập huấn được qui định từ Điều 21 đến Điều 25 của Nghị định 42. Các Bộ căn cứ vào đặc tính lý, hóa và mức độ nguy hiểm của từng loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến con người và môi trường để xây dựng nội dung, thời gian tập huấn bảo đảm việc thực thi được dễ dàng và thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tham gia vận chuyển àng nguy hiểm. Việc lưu trữ hồ sơ tập huấn được qui định cụ thể tại Khoản 5 Điều 28 và khoản 10 Điều 29 của Nghị định 42 việc lưu trữ hồ sơ cần thực hiện theo qui định của các Bộ quản lý theo nhóm, loại hàng hóa nguy hiểm để đảm bảo phù hợp với các hướng dẫn có liên quan (ví dụ về phòng cháy chữa cháy…).