Bộ Giao thông vận tải nhận được kiến nghị của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng do Ban Công tác đại biểu chuyển đến theo Công văn số 515/BCTĐB-CTĐB ngày 25/7/2022.
Nội dung câu hỏi như sau
“(a) Sớm triển khai và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án, đặc biệt là các dự án có tính chất phát triển KTXH liên vùng và thực hiện trách nhiệm được giao theo thẩm quyền phối hợp chặt chẽ với thành phố trong việc đầu tư phát triển kinh tế Hải Phòng. (b) Đồng thời, có các cơ chế, chính sách cụ thể, tạo nguồn lực đầu tư cho thành phố Hải Phòng và Quảng Ninh để “Xây dựng khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, gắn với Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện”.
“(a) Tiếp tục nghiên cứu, đầu tư nâng cao khả năng kết nối giao thông: Tuyến đường sắt nối từ cảng Lạch Huyện và đi các khu vực như đường sắt Yên Viên-Hạ Long để khai thác hiệu quả hành lang công nghiệp phía Bắc; đấu nối tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng hiện có với khu vực phát triển mới phía Đông Nam; các dự án giao thông đường bộ kết nối với các hành lang giao thông, kinh tế quốc gia, đặc biệt là hành lang công nghiệp phía Bắc (QL18, cao tốc Nội Bài - Hạ Long), hành lang ven biển phía Đông (đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Hạ Long), hành lang quốc lộ 10 phía Tây và hành lang quốc lộ 37 phía Nam. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ga số 2 và khu vực Logistic hàng hóa Cảng hàng không quốc tế Cát Bi và quy hoạch đầu tư thêm sân bay mới; bổ sung quy hoạch, đầu tư cảng biển đón tàu du lịch quốc tế và di dời hệ thống cảng phía sau cầu Bạch Đằng theo từng giai đoạn phù hợp; (b) nghiên cứu tách dòng giao thông đối ngoại ra khỏi khu vực trung tâm đô thị, cụ thể là luồng vận tải hàng hóa (xe container)”.
Trước tiên, Bộ Giao thông vận tải trân trọng cảm ơn Ban Công tác đại biểu, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.
1. Về nội dung kiến nghị “(a) Sớm triển khai và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án, đặc biệt là các dự án có tính chất phát triển KTXH liên vùng và thực hiện trách nhiệm được giao theo thẩm quyền phối hợp chặt chẽ với thành phố trong việc đầu tư phát triển kinh tế Hải Phòng. (b) Đồng thời, có các cơ chế, chính sách cụ thể, 2 tạo nguồn lực đầu tư cho thành phố Hải Phòng và Quảng Ninh để “Xây dựng khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, gắn với Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện”.
a) Về triển khai và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án Kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, cần ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thành phố Hải Phòng là đô thị loại I, lớn thứ 3 cả nước (sau Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) và là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc - Bộ; là thành phố cảng biển lớn nhất miền Bắc, đầu mối giao thông quan trọng (đường bộ, đường sắt, cảng hàng không trong nước và quốc tế) và là cửa chính ra biển của Thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và quốc tế.
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án công trình giao thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng, đặc biệt là các dự án có tính chất phát triển kinh tế - xã hội liên vùng1 . Vì vậy, nhìn chung thành phố Hải Phòng đã cơ bản hình thành kết cấu hạ tầng giao thông khung, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong giai đoạn 2021 - 2025, mặc dù điều kiện nguồn vốn hạn hẹp, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Chính phủ ưu tiên bố trí vốn tiếp tục đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp QL.37 đoạn qua địa phận thành phố Hải Phòng (giai đoạn 1) với mức vốn khoảng 624 tỉ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, hoàn thành trong năm 2023; đồng thời, đang phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng trong việc triển khai đầu tư đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, Quốc lộ 10 đoạn nối Quảng Ninh - Hải Phòng, đường bộ ven biển đoạn qua thành phố Hải Phòng, đầu tư các bến số 3, số 4, số 5, số 6 của khu bến Lạch Huyện, xây dựng nhà ga hành khách quốc tế T2 - Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.
Các dự án nêu trên hoàn thành sẽ cơ bản hoàn thiện mạng lưới giao thông đối ngoại, tăng tính kết nối liên vùng trên địa bàn thành phố Hải Phòng theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của thành phố. b) Về cơ chế, chính sách huy động nguồn lực Để tạo nguồn lực đầu tư cho thành phố Hải Phòng và Quảng Ninh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông vận tải đã và đang tiếp tục nghiên cứu, triển khai một số cơ chế, chính sách như sau: - Rà soát, sửa đổi hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho hoạt động đầu tư, huy động nguồn lực.
- Phối hợp với các địa phương trong quá trình lập quy hoạch để bảo đảm tính đồng bộ với quy hoạch của địa phương góp phần mở rộng không gian phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai (thông qua việc sử dụng và khai thác quỹ đất) để tạo nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng. - Phân cấp cho các địa phương đầu tư kết cấu hạ tầng đi qua địa bàn thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh đầu tư các tuyến đường cao tốc, quốc lộ đi qua địa bàn (đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, QL.10 đoạn từ nút giao với QL.18 đến cầu vượt Quán Toan).
- Ưu tiên nguồn vốn ngân sách nhà nước tham gia hỗ trợ các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư với vai trò là vốn mồi để huy động vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư (đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường bộ ven biển, QL.10 đoạn Quán Toàn - cầu Nghìn).
- Phối hợp với địa phương để huy động vốn ODA đầu tư các công trình giao thông quan trọng trên địa bàn (đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện).
- Huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp để đầu tư kết cấu hạ tầng, doanh nghiệp được khai thác các dịch vụ liên quan đến dự án (Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Cát Bi).
2. Về nội dung kiến nghị “(a) Tiếp tục nghiên cứu, đầu tư nâng cao khả năng kết nối giao thông: Tuyến đường sắt nối từ cảng Lạch Huyện và đi các khu vực như đường sắt Yên Viên-Hạ Long để khai thác hiệu quả hành lang công nghiệp phía Bắc; đấu nối tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng hiện có với khu vực phát triển mới phía Đông Nam; các dự án giao thông đường bộ kết nối với các hành lang giao thông, kinh tế quốc gia, đặc biệt là hành lang công nghiệp phía Bắc (QL18, cao tốc Nội Bài - Hạ Long), hành lang ven biển phía Đông (đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Hạ Long), hành lang Quốc lộ 10 phía Tây và hành lang quốc lộ 37 phía Nam. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ga số 2 và khu vực Logistic hàng hóa Cảng hàng không quốc tế Cát Bi và quy hoạch đầu tư thêm sân bay mới; bổ sung quy hoạch, đầu tư cảng biển đón tàu du lịch quốc tế và di dời hệ thống cảng phía sau cầu Bạch Đằng theo từng giai đoạn phù hợp; (b) nghiên cứu tách dòng giao thông đối ngoại ra khỏi khu vực trung tâm đô thị, cụ thể là luồng vận tải hàng hóa (xe container)”.
a) Về nghiên cứu, đầu tư nâng cao khả năng kết nối giao thông Thực hiện Luật Quy hoạch, lần đầu tiên Bộ Giao thông vận tải triển khai đồng thời 05 quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không), là điều kiện thuận lợi để hoàn thành ý tưởng quy hoạch một hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại bảo đảm kết nối hiệu quả giữa các phương thức nhằm tái cơ cấu thị phần vận tải, nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics. Điều này giúp việc thực hiện tốt chức năng xây dựng và quản lý thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực đã đưa ra trong phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 4 - 2030.
Kết quả quy hoạch, đầu tư đối với các công trình giao thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng như sau:
- Về các tuyến đường sắt: Bộ Giao thông vận tải đồng thuận với kiến nghị của địa phương. Trong thời gian tới, tùy theo khả năng cân đối nguồn lực, Bộ Giao thông vận tải sẽ nghiên cứu chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt nối từ cảng Lạch Huyện và đi các khu vực như đường sắt Yên Viên - Hạ Long. Đối với tuyến đường sắt đấu nối tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng hiện có với khu vực phát triển mới phía Đông Nam, đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng nghiên cứu, bổ sung trong quy hoạch tỉnh2 làm cơ sở pháp lý triển khai các bước tiếp theo.
- Về các dự án giao thông đường bộ kết nối với các hành lang giao thông, kinh tế quốc gia: + Hành lang phía Bắc: QL.18 đã được mở rộng quy mô 4 làn xe, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải của khu vực. Đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long sẽ được Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xem xét đầu tư khi có nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực bảo đảm hiệu quả đầu tư công trình.
+ Hành lang ven biển phía Đông: đường bộ ven biển đang được triển khai đầu tư bảo đảm kết nối đồng bộ giữa Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định. Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải đã ủng hộ Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng triển khai đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trên địa bàn thành phố Hải Phòng bảo đảm đồng bộ với việc đầu tư đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng do Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đang chuẩn bị đầu tư.
+ Hành lang phía Nam: QL.10 đoạn Quán Toan - Cầu Nghìn đã được Bộ Giao thông vận tải đầu tư, hoàn thành năm 2018. Sau khi Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng hoàn thành đầu tư QL.10 đoạn từ nút giao với QL.18 đến cầu vượt Quán Toan (đang triển khai xây dựng) sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang này.
+ Hành lang phía Tây: Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Chính phủ ưu tiên bố trí vốn đầu tư các dự án cải tạo, mở rộng QL.37 đoạn qua Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình (03 dự án), đến nay các dự án này đang được triển khai xây dựng và hoàn thành trong năm 2022 - 2023. Việc hoàn thành các dự án này bảo đảm kết nối đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải của khu vực.
- Về đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ga số 2 và khu vực Logistics hàng hóa Cảng hàng không quốc tế Cát Bi và quy hoạch đầu tư thêm sân bay mới:
+ Dự án đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T2, nhà ga hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đang được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam tổ chức triển khai, dự kiến khởi công trong quý II/2023 và hoàn thành năm 2024.
+ Đối với việc quy hoạch sân bay mới, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề xuất tiếp tục duy trì vị trí quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng (cảnghàng không mới) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 640/QĐTTg ngày 28/4/2011; các chỉ tiêu quy hoạch dự kiến sẽ được nghiên cứu, xác định giai đoạn sau năm 2030 trên cơ sở nhu cầu vận tải.
- Về bổ sung quy hoạch, đầu tư cảng biển đón tàu du lịch quốc tế và di dời hệ thống cảng phía sau cầu Bạch Đằng: Đối với đề nghị “di dời hệ thống cảng phía sau cầu Bạch Đằng theo từng giai đoạn phù hợp” là phù hợp với quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam được duyệt. Đối với đề nghị “bổ sung quy hoạch, đầu tư đón tàu du lịch quốc tế” là chưa phù hợp với quy hoạch được duyệt, Khu bến sau cầu Bạch Đằng không có công năng khai thác tàu du lịch quốc tế, trong khi Khu bến Nam Đồ Sơn, Văn Úc (gần khu vực phía sau cầu Bạch Đằng) đã được quy hoạch có công năng khai thác tàu khách. Vì vậy, đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng kêu gọi doanh nghiệp cảng đầu tư bến cảng khách tại khu vực Nam Đồ Sơn để đáp ứng nhu cầu thông qua lượng khách quốc tế.
b) Về tổ chức giao thông Bộ Giao thông vận tải đồng thuận với kiến nghị của địa phương cần nghiên cứu tách dòng giao thông đối ngoại ra khỏi khu vực trung tâm đô thị để bảo đảm an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Trong quá trình lập quy hoạch thành phố Hải Phòng theo Luật Quy hoạch, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Phòng xem xét, đánh giá tổng thể để có phương án tổ chức giao thông (gồm mạng lưới đường quốc gia, mạng lưới đường địa phương) khu vực đô thị để tách dòng giao thông (đặc biệt xe container) bảo đảm thuận lợi, an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông.
Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với kiến nghị của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng, trân trọng gửi tới Ban Công tác đại biểu, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý đối với ngành Giao thông vận tải./.