Trả lời kiến nghị cử tri TP Hải Phòng góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố

Thứ hai, 13/03/2023 14:59
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bộ Giao thông vận tải nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 21/BDN ngày 10/01/2023.

Ảnh minh họa

Nội dung kiến nghị như sau: Đề nghị Bộ Giao thông vận tải:

- Nghiên cứu, xem xét phân cấp thẩm quyền từ Bộ Giao thông vận tải về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để quản lý, bảo trì các tuyến đường thủy nội địa quốc gia tại Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa.

- Xem xét, sửa đổi Thông tư số 69/2014/TT-BGTVT ngày 27/11/2014 của Bộ Giao thông vận tải về quy định thủ tục xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa, theo hướng phân cấp triệt để cho Ủy ban nhân dân gần nhất nơi xảy ra tai nạn, sự cố để thực hiện, đạt hiệu quả.

- Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 và điểm a, điểm b khoản 8 Điều 18 Thông tư số 39/2019/TT-BGTVT ngày 15/10/2019 của Bộ Giao thông vận tải về quy định trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, đảm nhiệm chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa theo hướng quy định rõ về chức danh và số lượng thuyền viên tối thiểu trong một ca làm việc.”

Trước tiên, Bộ Giao thông vận tải trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải xin trả lời như sau:

1. Về đề nghị nghiên cứu, xem xét phân cấp thẩm quyền từ Bộ Giao thông vận tải về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để quản lý, bảo trì các tuyến đường thủy nội địa quốc gia tại Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa

a) Các quy định hiện nay về phân cấp trong quản lý đường thủy nội địa quốc gia

Theo quy định tại khoản 3 Điều 9 của Luật Giao thông đường thủy nội địa: Bộ Giao thông vận tải tổ chức quản lý, bảo trì đường thuỷ nội địa quốc gia; Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức quản lý, bảo trì đường thuỷ nội địa địa phương.

Theo Điều 13 của Luật Chính quyền địa phương quy định: "Cơ quan nhà nước cấp trên khi phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới phải bảo đảm các nguồn lực và điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp. Cơ quan nhà nước được phân cấp chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước đã phân cấp về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp".

Theo khoản 4 Điều 9 của Luật Ngân sách nhà nước quy định: “Nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm”. Do đó, ngân sách sẽ giao cho Bộ Giao thông vận tải để thực hiện bảo trì đường thủy nội địa quốc gia theo thẩm quyền. Tại khoản 3 Điều 49 của Luật Ngân sách nhà nước về phân bổ và giao dự toán ngân sách nhà nước quy định: “Ngoài cơ quan có thẩm quyền giao dự toán ngân sách, không tổ chức hoặc cá nhân nào được thay đổi nhiệm vụ ngân sách đã được giao”.

b) Về chủ trương phân cấp quản lý đường thủy nội địa quốc gia Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước để phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành, khai thác hiệu quả và giải phóng các nguồn lực phát triển của địa phương.

Tại Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022, Chính phủ đã định hướng phân cấp một số nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường thủy nội địa trên luồng đường thủy nội địa quốc gia cho địa phương thực hiện và giao Bộ Giao thông vận tải trong giai đoạn năm 2023-2025 xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa để thực hiện định hướng phân cấp nêu trên. Những năm trước đây, Bộ Giao thông vận tải đã ủy quyền (như phân cấp theo quy định hiện nay) cho một số Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố như: các tỉnh khu vực miền Trung, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng thực hiện một số nhiệm vụ như: công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa; công tác quản lý, bảo trì đường thủy nội địa trên đường thủy nội địa quốc gia. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có một số địa phương đề nghị Bộ Giao thông vận tải kết thúc ủy quyền và chuyển về Bộ Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện các công tác này như Ủy ban nhân dân các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Trị… Vì vậy, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022, Bộ Giao thông vận tải đã giao và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã hoàn tất xây dựng Đề án phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường thủy nội địa, trên tinh thần phát huy các kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phân cấp, phân quyền và thực hiện việc phân cấp căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương. Trên cơ sở kết quả Đề án, bước đầu, Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện các công việc sau:

- Đối với nội dung phân cấp công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa trên đường thủy nội địa quốc gia: Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2022/NĐ-CP ngày 22/8/2022 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2021/NĐ-CP; theo đó quy định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về cảng, bến thủy nội địa trên đường thủy nội địa quốc gia.

Tại cuộc họp ngày 22/10/2022 giữa Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển Hải Phòng trong Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển số 1 và một số nội dung liên quan đến lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Hải Phòng, Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã kết luận: “Về phân cấp: Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng Thông tư quy định phân cấp quản lý cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu, trong đó phân cấp cho thành phố quản lý các cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trên địa bàn thành phố. Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng chỉ đạo Sở Giao thông vận tải chuẩn bị bộ máy, nhân sự tiếp nhận, tổ chức quản lý trong thời gian tới. Giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn, hỗ trợ Sở Giao thông vận tải thành phố Hải Phòng trong quá trình thực hiện theo quy định.”

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng, hoàn thiện Thông tư để phân cấp cho từng địa phương, đảm bảo phù hợp các quy định của pháp luật có liên quan, điều kiện, đặc điểm của từng địa phương; dự kiến trong năm 2023 sẽ ban hành.

- Đối với nội dung đề nghị phân cấp thẩm quyền từ Bộ Giao thông vận tải về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để quản lý, bảo trì các tuyến đường thủy nội địa quốc gia tại Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa:

Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định số 4077/QĐ-BGTVT ngày 16/11/2015 về việc ủy quyền quản lý, bảo trì tuyến đường thủy nội địa quốc gia, đoạn từ cảng cá Cát Bà đến cửa Tùng Gấu. Như đã nêu ở trên, để tiếp tục phân cấp công tác này, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai lập kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giao thông vận tải để tiếp tục sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2021/NĐ-CP với định hướng tiếp tục phân cấp cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện một số nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường thủy nội địa trên luồng đường thủy nội địa quốc gia. Bộ Giao thông vận tải dự kiến sẽ hoàn thành, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung trong giai đoạn 2023-2025 theo tiến độ được giao tại Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ.

Song song với việc triển khai xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung nêu trên, Bộ Giao thông vận tải xây dựng dự thảo Thông tư để quy định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố thực hiện một số nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường thủy nội địa trên luồng đường thủy nội địa quốc gia, đảm bảo khi Nghị định sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành thì Thông tư phân cấp cũng có hiệu lực thi hành.

2. Về đề nghị xem xét, sửa đổi Thông tư số 69/2014/TT-BGTVT ngày 27/11/2014 của Bộ Giao thông vận tải về quy định thủ tục xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa, theo hướng phân cấp triệt để cho Ủy ban nhân dân gần nhất nơi xảy ra tai nạn, sự cố để thực hiện, đạt hiệu quả Thực hiện Thông tư số 69/2014/TT-BGTVT ngày 27/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định thủ tục xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa (có hiệu lực từ ngày 01/02/2015), các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về đường thủy nội địa tại Hải Phòng đã tổ chức tuyên truyền các quy định về thủ tục xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa đến các chủ phương tiện, thuyền viên, người lái tuộc địa bàn quản lý; bố trí bộ phận chuyên môn thực hiện công tác xác nhận trình báo theo phạm vi trách nhiệm và luôn luôn tạo điều kiện đầy đủ, xác nhận kịp thời cho các trường hợp bị tai nạn, sự cố phải xác nhận trình báo.

Theo khoản 2 Điều 35a Luật Giao thông đường thủy nội địa quy định:

“Việc trình báo đường thủy nội địa phải thực hiện kể từ thời điểm phương tiện, tàu biển, tàu cá ghé vào cảng thủy nội địa đầu tiên sau khi xảy ra tai nạn, sự cố hoặc chậm nhất 3 ngày làm việc kể từ thời điểm xảy ra tai nạn, sự cố tại một trong các cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa, đơn vị quản lý đường thủy nội địa, Cảnh sát đường thủy, Ủy ban nhân dân gần nhất nơi xảy ra tai nạn, sự cố”.

Theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 69/2014/TT-BGTVT ngày 27/11/2014:

“1. Cảng vụ Đường thủy nội địa xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa của thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện của phương tiện thủy nội địa, tàu biển, tàu cá bị tai nạn, sự cố trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa.

2. Trường hợp phương tiện thủy nội địa, tàu biển, tàu cá bị tai nạn, sự cố trên đường thủy nội địa (ngoài vùng nước cảng, bến thủy nội địa) thì thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện có thể trình báo đường thủy nội địa tại một trong các cơ quan Cảng vụ Đường thủy nội địa, đơn vị quản lý đường thủy nội địa, Cảnh sát đường thủy hoặc Ủy ban nhân dân gần nhất nơi xảy ra tai nạn, sự cố.”

Những quy định trên nhằm tạo điều kiện tối đa cho thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện thủy nội địa, tàu biển, tàu cá khi bị tai nạn, sự cố có thể thực hiện việc xác nhận trình báo đường thủy nội địa trong thời gian ngắn nhất, tại một trong các cơ quan gần nhất nơi xảy ra tai nạn, sự cố. Nếu quy định cứng việc xác nhận trình báo cho một cơ quan có thẩm quyền duy nhất thực hiện có thể sẽ nảy sinh bất cập cho người dân, doanh nghiệp do mất thời gian tìm đúng địa điểm có cơ quan thực hiện việc xác nhận trình báo đường thủy nội địa; đồng thời có thể sẽ không bảo đảm về thời hạn xác nhận trình báo đường thủy nội địa theo quy định, gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp trong trường hợp trình báo đường thủy nội địa có giá trị làm chứng cứ pháp lý khi giải quyết các tranh chấp có liên quan.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của cử tri thành phố Hải Phòng, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, nghiên cứu để xem xét sửa đổi, bổ sung văn bản bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tiễn và đảm bảo quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.

3. Về đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 và điểm a, điểm b khoản 8 Điều 18 Thông tư số 39/2019/TT-BGTVT ngày 15/10/2019 của Bộ Giao thông vận tải về quy định trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, đảm nhiệm chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa theo hướng quy định rõ về chức danh và số lượng thuyền viên tối thiểu trong một ca làm việc Trong Thông tư số 39/2019/TT-BGTVT ngày 15/10/2019 của Bộ trưởng

Bộ Giao thông vận tải, định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa được quy định tại Điều 18 căn cứ theo từng nhóm phương tiện (quy định tại Điều 17) và đặc thù của phương tiện.

Theo đó, điểm a khoản 1 Điều 18, quy định phương tiện có tính đặc thù: Phương tiện lắp máy ngoài có tổng công suất máy chính đến 1.000 sức ngựa hoặc lắp máy trong có tổng công suất máy chính đến 250 sức ngựa không nhất thiết phải bố trí chức danh máy trưởng, nhưng thuyền trưởng phải có chứng chỉ thợ máy. Phương tiện lắp máy ngoài có tổng công suất máy chính trên 1.000 sức ngựa đến 3.000 sức ngựa không nhất thiết phải bố trí máy trưởng, nhưng thuyền trưởng phải có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn máy trưởng phù hợp với tổng công suất máy chính.

Nội dung này cho phép phương tiện thủy có thể giảm định biên máy trưởng so với yêu cầu về số lượng thuyền viên tối thiểu trong một ca làm việc (theo Biểu định biên tại khoản 1 Điều 18) nếu thuyền trưởng có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận khả năng chuyên môn máy trưởng phù hợp.

Tại điểm a, điểm b khoản 8 Điều 18, quy định phương tiện có tính đặc thù: Phương tiện thuộc nhóm I, II hoạt động trên tuyến với khoảng cách giữa hai đầu tuyến không quá 15 km không nhất thiết phải bố trí chức danh thuyền phó, thợ máy và nếu lắp từ 02 (hai) máy trở lên không nhất thiết phải bố trí chức danh máy trưởng. Phương tiện thuộc nhóm III hoạt động trên tuyến với khoảng cách giữa hai đầu tuyến không quá 15 km hoặc lắp máy ngoài không nhất thiết phải bố trí chức danh thợ máy. Trường hợp lắp từ 02 (hai) máy trở lên, hoạt động trên tuyến với khoảng cách giữa hai đầu tuyến không quá 15 km không nhất thiết phải bố trí chức danh máy trưởng.

Nội dung này cho phép phương tiện thủy có thể giảm định biên thuyền phó, thợ máy hoặc máy trưởng so với yêu cầu về số lượng thuyền viên tối thiểu trong một ca làm việc (theo Biểu định biên tại khoản 8 Điều 18) nếu phương tiện hoạt động với khoảng cách giữa hai đầu tuyến không quá 15 km.

Như vậy, quy định tại điểm a khoản 1 và điểm a, điểm b khoản 8 Điều 18 của Thông tư số 39/2019/TT-BGTVT đã nêu rõ về số lượng thuyền viên tối thiểu trong một ca làm việc của từng loại phương tiện, đồng thời cho phép giảm số lượng chức danh thuyền viên phải bố trí trên phương tiện (căn cứ đặc thù của tuyến vận tải, loại phương tiện), từ đó giảm chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải.

nhunghv

Nguồn: Bộ GTVT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)