Bộ GTVT vừa có Văn bản số 7499/BGTVT-CQLXD trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội(ĐBQH) Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc gửi tới kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Bộ GTVT nhận được Văn bản số 2491/TTKQH-GS ngày 10/6/2023 của Tổng Thư ký Quốc hội chuyển Phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đến Bộ GTVT với nội dung như sau:
"Hiện nay tại một số tuyến cao tốc không có giải phân cách và không có làn dừng xe khẩn cấp, do đó rất nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông. Đề nghị Bộ trưởng đề xuất đầu tư tất cả cao tốc 02 làn xe chạy và 01 làn khẩn cấp, đồng thời nâng giới hạn tốc độ lên 120km/h để tiết kiệm thời gian lưu thông cho người dân”.
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ GTVT ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.
Về nội dung chất vấn của đại biểu, Bộ GTVT xin trả lời như sau: Theo kinh nghiệm thế giới, sự phát triển nền kinh tế của một quốc gia gắn liền với việc sớm đầu tư, hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc vì đường bộ cao tốc là loại đường có năng lực thông hành lớn, mức độ an toàn và tính linh hoạt cao. Tuy nhiên, nguồn vốn luôn là thách thức đối với nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Trong các giai đoạn vừa qua, mức vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng chỉ đạt khoảng 2,18% GDP thấp hơn nhiều so với mức 3,5 - 4,5% GDP đặt ra trong Chiến lược phát triển giao thông vận tải. Vì vậy, việc quy hoạch, xây dựng kế hoạch đầu tư là rất quan trọng.
Đến năm 2020 (sau 16 năm kể từ khi tuyến cao tốc đầu tiên được đầu tư), cả nước có 1.163km đường bộ cao tốc, tốc độ xây dựng đường cao tốc giai đoạn trước khá chậm, khoảng 80km/năm. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030 xác định mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc”, tương ứng tốc độ xây dựng đường cao tốc trong giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 380km/năm, gấp hơn 04 lần so với giai đoạn trước. Như vậy, áp lực đầu tư đường cao tốc là rất lớn trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế.
Về quy hoạch: thực hiện Luật Quy hoạch, Bộ GTVT đã triển khai quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên quan điểm hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, tái cơ cấu thị phần vận tải, nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics. Vì vậy, các tuyến đường bộ cao tốc được hoạch định với quy mô đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai, bảo đảm tầm nhìn dài hạn; trong quá trình triển khai, tùy theo nhu cầu vận tải và khả năng nguồn lực đầu tư, quyết định việc phân kỳ đầu tư đảm bảo hiệu quả dự án.
Về đầu tư: Để đảm bảo tính kết nối liên vùng, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị,…đảm bảo thông tuyến (như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông,…), tạo động lực, dự địa, không gian phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu vận tải thời gian đầu khai thác chưa cao, mức độ sở hữu phương tiện cá nhân còn thấp; Bộ GTVT đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm phát triển của thế giới để xem xét phân kỳ đầu tư bề rộng mặt cắt ngang phù hợp với nguồn lực đầu tư và nhu cầu vận tải và sẽ xem xét mở rộng mặt cắt ngang khi nhu cầu vận tải tăng lên trong tương lai. Một số đoạn tuyến cao tốc có nhu cầu vận tải lớn đã được xem xét đầu tư tối thiểu 04 làn xe hoàn chỉnh, có dải dừng xe khẩn cấp liên tục như đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu,… Việc phân kỳ đầu tư phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô cao tốc TCVN 5729:2012 và định hướng quy hoạch. Bộ GTVT chỉ xem xét phân kỳ về bề rộng mặt cắt ngang, các yếu tố hình học (bình đồ, trắc dọc,...) đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc, giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch để thuận lợi, tiết kiệm chi phí đầu tư cho việc mở rộng sau này, phù hợp định hướng quy hoạch của tuyến đường.
Ngoài ra, các tuyến đường được phân kỳ đầu tư khi đưa vào khai thác chỉ dành cho xe cơ giới, không giao nhau cùng mức đường khác, được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn. Việc quản lý, vận hành đường bộ cao tốc thông qua hệ thống giao thông thông minh sẽ kịp thời phát hiện ngay khi xảy ra sự cố về giao thông và điều tiết các phương tiện tiếp cận ngay hiện trường để xử lý, điều tiết giao thông và di dời phương tiện bị sự cố ra khỏi làn cao tốc nên hạn chế được tình trạng ùn tắc kéo dài.
Như vậy, việc đầu tư phân kỳ là giải pháp chấp nhận được trong điều kiện nhu cầu vận tải trên tuyến trong giai đoạn đầu chưa cao, nguồn vốn còn hạn hẹp. Bộ GTVT ghi nhận ý kiến của Đại biểu, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ đề xuất mở rộng các tuyến cao tốc đã được phân kỳ cho phù hợp nhu cầu thực tế phát triển kinh tế xã hội, từng bước hoàn thành mạng lưới đường bộ cao tốc theo quy hoạch.
Bộ GTVT trân trọng cảm ơn đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của Đại biểu đối với ngành Giao thông vận tải./.