Bộ Giao thông vận tải nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 742/BDN ngày 14/6/2023.
Ảnh minh họa
Nội dung kiến nghị như sau: “Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 19 đoạn qua địa phận thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang và xã Bình Giáo, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, thời gian thi công kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, khó khăn cho người dân tham gia giao thông. Đề nghị Bộ quan tâm, chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2 và các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, rà soát, xử lý, khắc phục các tồn tại trong quá trình thi công Dự án”.
Trước tiên, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Gia Lai nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ GTVT ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.
Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải xin trả lời như sau: Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, QL19 vốn vay Ngân hàng Thế giới (sau đây gọi tắt là Dự án) có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, tăng cường kết nối, vận tải hàng hóa, hành khách, rút ngắn thời gian đi lại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh khu vực miền Trung, Tây Nguyên và kết nối với nước bạn Campuchia. Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện, đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa Dự án vào khai thác, sử dụng phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
Đến nay, 07 gói thầu xây lắp đi qua địa bàn tỉnh Gia Lai đã thảm bê tông nhựa được 97,5/125,7km (77,5%) góp phần nâng cao an toàn giao thông trên tuyến QL19; trong đó có một số gói thầu đã triển khai thi công cơ bản hoàn thành bê tông nhựa như: XL03 được 8,5/10,0km, XL04B được 17,2/17,9km, XL05 được 13,8/20,0km, XL06 được 17,2/17,9km, XL07 được 18.78/19,5km. Quá trình triển khai thi công Dự án gặp một số khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ hoàn thành tại một số gói thầu, như:
- Thời gian đầu triển khai thực hiện Dự án là thời điểm cao trào bùng phát dịch Covid-19, các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tối đa di chuyển nên việc huy động thiết bị, nhân sự gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với nhân sự Tư vấn giám sát người nước ngoài;
- Mùa mưa khu vực Tây Nguyên thường kéo dài từ 5-6 tháng/năm, riêng năm 2022, khu vực Tây Nguyên có mưa lớn kéo dài, liên tục (khoảng 6-7 tháng) nhiều đoạn tuyến đã thi công hoàn thành lớp móng đường cấp phối đá dăm đã bị mưa lũ cuốn trôi, phải làm lại nhiều lần, không thể triển khai thi công các lớp mặt đường;
- Từ khoảng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 địa phương hạn chế cấp phép khai thác mỏ vật liệu đất đắp nền đường; từ khoảng tháng 03/2023, địa phương có chủ trương tạm dừng cấp phép và gia hạn khai thác để rà soát lại các thủ tục gia hạn thời gian khai thác, cấp mới các mỏ đất san lấp và lấy ý kiến bổ sung của Bộ Tài nguyên Môi trường, đến nay vẫn chưa cấp phép lại. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có rất ít mỏ đất thương mại và khu vực mỏ nằm quá xa Dự án nên khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp nền đường, nhất là việc dừng cấp phép khai thác các mỏ đất đúng vào thời điểm mùa khô;
- Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án do ảnh hưởng của biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu nên một số nhà thầu thi công cầm chừng, chưa quyết liệt triển khai thi công và có tâm lý chờ bình ổn giá để hạn chế thiệt hại về kinh tế. Bộ GTVT đã thường xuyên kiểm tra, quyết liệt chỉ đạo, chấn chỉnh các đơn vị liên quan, yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 thực hiện các giải pháp xử lý nghiêm những nhà thầu vi phạm Hợp đồng, như điều chuyển khối lượng, bổ sung thay thế nhà thầu tại các gói thầu chậm, trễ, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án. Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2 - Chủ đầu tư dự án yêu cầu các Nhà thầu thi công lập lại tiến độ thi công chi tiết đối với các hạng mục công việc còn lại của từng gói thầu, tập trung huy động máy móc thiết bị, nhân lực, vật tư vật liệu, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu cơ bản hoàn thành Dự án trong năm 2023, trừ đoạn qua địa phận thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang thi công (cầu, đắp đường đầu cầu,…) do hiện tại đang trong mùa mưa Tây Nguyên (dự kiến khoảng tháng 11 mới hết mùa mưa) và khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp,… phấn đấu hoàn thành trong tháng 3 năm 2024 để đưa vào khai thác, sử dụng nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
Bộ GTVT đề nghị Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai quan tâm, có ý kiến với UBND tỉnh Gia Lai và các cơ quan ban, ngành của địa phương tạo điều kiện, hướng dẫn, đẩy nhanh tiến độ, giải quyết thủ tục liên quan đến gia hạn thời gian và cấp phép khai thác mỏ vật liệu đất đắp sử dụng cho Dự án để đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ thi công, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành theo đúng kế hoạch.
Trên đây là ý kiến trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai để trả lời cử tri. Một lần nữa, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri về mọi lĩnh vực hoạt động của ngành Giao thông vận tải nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội và nhân dân trong thời gian tới.