Bộ GTVT vừa có Công văn số 9202/BGTVT-KHCN&MT gửi đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương gửi tới trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 742/BDN ngày 14/6/2023, nội dung kiến nghị như sau:
"Cử tri phản ánh tình trạng quá tải ở nhiều trung tâm đăng kiểm xe cơ giới thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của một bộ phận nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Cử tri đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm có phương án khắc phục tình trạng này hoặc tiến hành trưng dụng, tái hoạt động các trung tâm đăng kiểm đã tạm ngừng hoạt động do sai phạm trong hoạt động đăng kiểm nhằm giảm áp lực tại các trung tâm đăng kiểm của các địa phương. Bên cạnh đó, cử tri đề nghị cần ban hành cụ thể danh mục các thành phần của phương tiện cơ giới cần đăng kiểm để các doanh nghiệp vận tải điều chỉnh, sửa chữa trước khi đăng kiểm để tránh mất thời gian, hạn chế các trường hợp đăng kiểm không đạt".
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đã quan tâm, có ý kiến đối với công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau:
Về tình trạng quá tải ở nhiều trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và phương án khắc phục tình trạng này: Từ cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Công an các địa phương đã đồng loạt thực hiện các chuyên án điều tra, phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng trong công tác đăng kiểm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) và các đơn vị có liên quan, đã có nhiều đơn vị đăng kiểm, dây chuyền kiểm định dừng hoạt động do không đủ điều kiện theo quy định dẫn đến khả năng cung cấp dịch vụ kiểm định phương tiện thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế, tình trạng ùn tắc tại các đơn vị đăng kiểm đã gây khó khăn, bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Trước tình hình đó, được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từ trước mắt đến lâu dài 2 nhằm nhanh chóng đưa hoạt động kiểm định phương tiện trở lại bình thường.
Một số giải pháp cụ thể đã triển khai như sau: Giải pháp trước mắt: Bộ GTVT đã kiến nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cho phép, điều động lực lượng kiểm định viên của Công an, Quân đội hỗ trợ công tác kiểm định dân sự; Cục ĐKVN điều chuyển đăng kiểm viên từ các đơn vị, địa phương hỗ trợ cho các đơn vị thiếu hụt đăng kiểm viên; động viên cán bộ, đăng kiểm viên tại các đơn vị đăng kiểm làm thêm giờ, kể cả thứ bảy và chủ nhật; xây dựng phần mềm đăng ký đặt lịch hẹn kiểm định cho chủ xe và hướng dẫn đơn vị đăng kiểm việc thực hiện đăng ký kiểm định trực tiếp nhằm hạn chế ùn tắc, công khai minh bạch, tiết kiệm thời gian cho người dân, doanh nghiệp khi đưa phương tiện đến kiểm định.
Giải pháp lâu dài: Bộ GTVT đã khẩn trương ban hành theo thủ tục rút gọn các Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/8/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ1 , trong đó các nội dung sửa đổi có quy định: miễn kiểm định lần đầu đối với ô tô mới (mỗi năm sẽ có khoảng 5 trăm ngàn xe được miễn kiểm định); tăng chu kỳ kiểm định cho một số nhóm phương tiện thêm từ 03 đến 06 tháng; tự động giãn chu kỳ kiểm định cho phương tiện đến 9 chỗ ngồi, không kinh doanh vận tải (theo thống kê sẽ có khoảng 1,4 triệu phương tiện được tự động gia hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng kiểm thêm 06 tháng mà không cần phải đến các trung tâm đăng kiểm), điều này giúp cho các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới có thời gian, tập trung nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ chủ yếu kiểm định cho các phương tiện kinh doanh vận tải và các phương tiện hết hạn kiểm định nhưng chưa được kiểm định, bảo đảm sớm đưa phương tiện vào khai thác vận tải, giảm thiểu các thiệt hại không đáng có cho xã hội.
Kết quả đến nay, tình trạng ùn tắc kiểm định xe cơ giới tại các trung tâm đăng kiểm đã được giải quyết. Bên cạnh đó, thay vì tự phát đi kiểm định như trước đây thì người dân đã dần hình thành thói quen đăng ký hẹn lịch kiểm định trực tuyến thông qua hệ thống của Cục ĐKVN và đã chủ động tự kiểm tra, bảo dưỡng xe trước khi đi kiểm định. Đây là những thói quen tốt để bảo đảm cho công tác đăng kiểm hoạt động khoa học, hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn.
Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông báo chí cũng ghi nhận hiện trạng hoạt động kiểm định của các đơn vị đăng kiểm trên toàn quốc đã ổn định, không còn tình trạng ùn tắc cũng như các phản ánh tiêu cực của người dân, doanh nghiệp khi đưa phương tiện đi kiểm định. Do đó, người dân, doanh nghiệp có thể lựa chọn các đơn vị đăng kiểm không chỉ tại tỉnh mình mà có thể đưa xe đến kiểm định tại bất kỳ đơn vị đăng kiểm xe cơ giới nào trên toàn quốc, bảo đảm thuận lợi nhất cho hoạt động vận tải.
Về danh mục nội dung, thành phần của phương tiện cơ giới cần đăng kiểm: Ngày 12/8/2021, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Trong đó, tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư đã công khai Danh mục nội dung kiểm tra, phương pháp kiểm tra, các khuyết điểm hư hỏng để thuận tiện cho hoạt động kiểm định.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục ĐKVN có biện pháp, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các nội dung của Thông tư nêu trên để người dân và doanh nghiệp nắm rõ, thực hiện, bảo đảm công khai minh bạch trong hoạt động đăng kiểm.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành GTVT./.