Bộ Giao thông vận tải nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 909/BDN ngày 01/8/2023.
Ảnh minh họa
Nội dung kiến nghị như sau: “Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo, có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với dự án Đường vành đai 4 Thành phố Hà Nội và Đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh để tránh việc thất thoát, tham ô, tham nhũng dẫn đến mất cán bộ. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân tại vùng dự án này nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tiêu cực dẫn đến tình trạng khiếu kiện phức tạp.”
Trước tiên, Bộ Giao thông vận tải trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã quan tâm, có ý kiến đối với các dự án cao tốc nêu trên nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghi của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải xin trả lời như sau:
Về nội dung đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, có biện pháp quản lý chặt chẽ để tránh việc thất thoát, tham ô, tham nhũng dẫn đến mất cán bộ Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 và Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022. Theo đó, Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội chia thành 7 dự án thành phần và giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên làm cơ quan chủ quản triển khai đầu tư; Dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh chia thành 8 dự án thành phần và giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An làm cơ quan chủ quản triển khai đầu tư.
Triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/8/2022 và Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố có liên quan; quán triệt việc triển khai thực hiện phải bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản nhà nước. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải; hàng tháng Ban Chỉ đạo tổ chức họp định kỳ để kiểm điểm tiến độ thực hiện, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các dự án triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và tuân thủ quy định pháp luật.
Với vai trò Bộ quản lý chuyên ngành, thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn về xây dựng, trong thời gian vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng theo yêu cầu, đúng trình tự, thủ tục theo quy định và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư của nhà nước. Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết số 105/NQ-CP và Nghị quyết số 106/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương trong quá trình triển khai các dự án, đồng thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.
Về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư: Theo Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 và Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tách thành dự án thành phần và giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua triển khai thực hiện bảo đảm công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.
Theo báo cáo của các địa phương có dự án đi qua, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện Dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đến nay đạt bình quân khoảng 80% tổng diện tích đất cần thu hồi, Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đạt khoảng 83% tổng diện tích đất cần thu hồi. Về cơ bản, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án thành phần được các địa phương thực hiện đáp ứng và vượt tiến độ và nhận được sự đồng thuận của người dân trong khu vực dự án, chưa có tình trạng khiếu nại, khiếu kiện.
Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải.