Bộ GTVT vừa có Công văn số 726/BGTVT-PC gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình trả lời kiến nghị cử tri gửi đến trước Kỳ họp
thứ 6, Quốc hội khóa XV chế tài xử phạt đối với cơ sở đầu mối nguồn hàng vi phạm nhiều lần bốc xếp hàng quá tải trọng.
Theo Công văn số 9424/VPCP-QHĐP ngày 30/11/2023 do Văn phòng Chính phủ chuyển đến Bộ Giao thông vận tải, cử tri tỉnh Hòa Bình kiến nghị như sau:
"Nội dung kiến nghị: Đề nghị Bộ nghiên cứu, đề xuất Chính phủ bổ sung các chế tài xử phạt đối với cơ sở đầu mối nguồn hàng vi phạm nhiều lần bốc xếp hàng quá tải trọng lên phương tiện bằng các hình thức ngừng kinh doanh có thời hạn".
Trước tiên, Bộ Giao thông vận tải trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã quan tâm, góp ý đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế nói chung, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghị này, Bộ Giao thông vận tải xin trả lời như sau:
Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của các hành vi vi phạm về xếp, chở hàng hóa quá tải trọng trên phương tiện, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi này đã được quy định đầy đủ đối với từng chủ thể có liên quan tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP), theo đó đối với tổ chức, cá nhân có hành vi xếp hàng quá tải trọng sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 28; đối với người điều khiển phương tiện có hành vi chở hàng quá tải trọng sẽ bị xử phạt và tước giấy phép lái xe theo quy định tại Điều 24, Điều 33; đối với chủ phương tiện có hành vi chở hàng quá tải trọng sẽ bị xử phạt và bị tước phù hiệu phương tiện theo quy định tại Điều 30.
Mặt khác, hiện nay các cơ sở đầu mối nguồn hàng thông thường là các nhà máy, cơ sở sản xuất, các mỏ vật liệu, chợ đầu mối, … được thành lập và hoạt động theo các quy định pháp luật chuyên ngành (như: việc thành lập, hoạt động của các nhà máy, cơ sở sản xuất thực hiện theo quy định pháp luật đầu tư, pháp luật doanh nghiệp; việc thành lập, hoạt động của các cơ sở khai thác mỏ vật liệu thực hiện theo pháp luật khoáng sản, pháp luật bảo vệ môi trường, …).
Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ nghiên cứu ý kiến của cử tri để đề xuất bổ sung chế tài xử phạt này khi sửa đổi, bổ sung các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính có liên quan đến hoạt động của các cơ sở đầu mối nguồn hàng.
Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Hòa Bình, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải.