Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Đồng Nai về một số dự án giao thông

Thứ sáu, 26/01/2024 17:39
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bộ GTVT vừa có Công văn số 999/BGTVT-KHĐT gửi đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Đồng Nai tới trước Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa .

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 1611/BDN ngày 21/11/2023, nội dung kiến nghị như sau:

“Cử tri huyện Tân Phú kiến nghị Bộ GTVT cần có định hướng mang tính lâu dài về phát triển mạng lưới GTVT để phù hợp với sự phát triển ở nước ta:

- Cần có chủ trương xây dựng thêm nhiều tuyến đường sắt trọng điểm kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó các tuyến dài nên thiết kế đường sắt cao tốc.

- Cần có giải pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng kẹt xe, tắc đường vào các dịp lễ, tết, cuối tuần trên nhiều tuyến cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, nội ô các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh … gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, môi trường. Đồng thời, hiện nay tai nạn giao thông xảy ra liên tục trên một số tuyến cao tốc mới đưa vào sử dụng gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

- Cần mở rộng tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có từ 03 làn xe trở lên vì trong tương lai lưu lượng xe đoạn đường này rất lớn (kết nối TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ với TP. Đà Lạt). Hiện tại tuyến đường này chỉ có hai làn xe và một làn dừng khẩn cấp mỗi bên chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải trong thời gian ngắn và sẽ lại dẫn đến tình trạng như hiện nay.”

Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau:

Về chủ trương xây dựng các tuyến đường sắt: Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021, trong đó các tuyến đường sắt hiện có gồm 07 tuyến với tổng chiều dài 2.440km, đến năm 2030 quy hoạch 16 tuyến với tổng chiều dài 2.362km và đến năm 2050 quy hoạch 25 tuyến với tổng chiều dài 6.354 km. Mạng lưới đường sắt quốc gia đã được Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành và địa phương quy hoạch trên cơ sở các hành lang kinh tế lớn, quan trọng của quốc gia, có tính chất kết nối liên vùng giữa các khu vực kinh tế trọng điểm hoặc kết nối liên vận quốc tế, các cửa khẩu quốc tế và cảng biển cửa ngõ quốc tế… đảm bảo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia và Kết luận số 49- KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ GTVT đang phấn đấu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2024 và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng khác như Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Biên Hoà - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm. Trong quá trình chuẩn bị đầu tư, căn cứ vào nhu cầu vận tải và điều kiện cụ thể của từng dự án sẽ xác định quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật cho phù hợp.

Về giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông vào các dịp lễ, tết và các thành phố lớn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trên một số tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác: Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp với UBND các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm mục tiêu từng bước khắc phục ùn tắc giao thông, đặc biệt trên địa bàn hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều giải pháp mang tính đột phá được tổ chức thực hiện, như: hoàn thành các tuyến đường vành đai, các trục hướng tâm; đưa vào hoạt động các tuyến vận tải công cộng sức chứa lớn như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; xây dựng cầu vượt tại các nút giao thông trọng điểm; triển khai thu phí không dừng tại các trạm thu phí BOT cửa ngõ các thành phố lớn; điều chỉnh chu kỳ tín hiệu đèn giao thông hợp lý; hợp lý hoá lộ trình tuyến và đổi mới phương tiện đoàn xe buýt; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng quy định pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy hoạch của các tỉnh, thành phố, tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị còn khá thấp, chưa đáp ứng theo quy định; sự gia tăng nhanh của các phương tiện giao thông, chủ yếu là các phương tiện cá nhân vượt quá năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông dẫn tới ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.

Trước tình hình ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai, một số nhóm giải pháp cụ thể để kéo giảm ùn tắc giao thông như: đảm bảo phương án quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa vào khai thác nhiều công trình trọng điểm như: đường Vành đai 4 Hà Nội, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; đưa vào vận hành khai thác trong năm 2024 đối với đoạn trên cao đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông; chú trọng phát triển vận tải công cộng, có giải pháp quản lý phù hợp với việc sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trong khu vực đô thị…

Ngoài ra, để tăng cường công tác đảm bảo ATGT trên một số tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị liên quan quyết liệt thực hiện các giải pháp: theo dõi chặt chẽ lưu lượng giao thông; tăng cường lực lượng tổ chức, bảo đảm giao thông, phân luồng hợp lý; kịp thời xử lý, giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc; tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành để điều tiết, đảm bảo ATGT trên các tuyến cao tốc trọng điểm. Đồng thời, Bộ GTVT đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT để hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông trên các tuyến cao tốc.

Về đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương: Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng) gồm 4 phân đoạn, tổng chiều dài 220 km, được quy hoạch với quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030; trong đó đoạn Liên Khương - Prenn dài khoảng 19 km đã được đầu tư, đưa vào khai thác từ năm 2008 với quy mô 4 làn xe.

sớm triển khai đầu tư tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương nhằm tăng cường liên kết vùng, đáp ứng nhu cầu vận tải và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Vùng Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án Dầu Giây - Tân Phú (dài 60 km); giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án Tân Phú - Bảo Lộc (dài 67 km) và dự án Bảo Lộc - Liên Khương (dài 74 km). Các dự án nêu trên đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó quy mô đầu tư các dự án được xác định là 4 làn xe căn cứ trên các nguyên tắc: (i) phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan; (ii) phù hợp với kết quả dự báo nhu cầu vận tải; (iii) phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực.

Hiện nay, Bộ GTVT và UBND tỉnh Lâm Đồng đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định để phê duyệt các dự án và sớm triển khai xây dựng, hoàn thành các dự án đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của các địa phương.

Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành giao thông vận tải./.

kimcuc

Nguồn: Bộ GTVT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)