Bộ GTVT vừa có Công văn số 2743/BGTVT-VT gửi đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai trả lời kiến nghị cử tỉnh Đồng Nai gửi tới trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 48/BDN ngày 24/01/2024, nội dung kiến nghị như sau:
“Cử tri phản ánh theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) của Chính phủ, quy định phạt người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm quy định về nồng độ cồn ngoài việc phạt tiền còn bị tước giấy phép lái xe. Tuy nhiên, việc quy định tước giấy phép lái xe của người vi phạm là chưa phù hợp, gây thiệt hại cho người dân, vì giấy phép lái xe là giấy tờ cần thiết phục vụ cho việc điều khiển phương tiện đi lại và đồng thời đó cũng là phương tiện phục vụ nhu cầu đời sống của người dân. Vì vậy, cử tri kiến nghị cơ quan chức năng cần nghiên cứu sửa đổi quy định theo hướng tăng nặng mức xử phạt để răn đe và không nên tước giấy phép lái xe người vi phạm như thế sẽ phù hợp hơn”.
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã quan tâm, góp ý đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong đó có việc quản lý giấy phép lái xe (GPLX) đối với người vi phạm nhất là vi phạm về nồng độ cồn, nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau:
Tước quyền sử dụng GPLX (hay còn gọi tước bằng lái xe) là hình thức xử phạt bổ sung dành cho cá nhân điều khiển phương tiện vi phạm các lỗi giao thông nghiêm trọng, trong đó có hành vi điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, vi phạm được đánh giá có nguy cơ cao ảnh hưởng đến an toàn của người điều khiển phương tiện cũng như an toàn của người, phương tiện tham gia giao thông khác trên đường, vi phạm các quy định, yêu cầu đối với người sử dụng GPLX. Hiện nay, hình thức xử phạt bổ sung được quy định cụ thể tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Căn cứ vào từng trường hợp vi phạm cụ thể, người điều khiển phương tiện có thể bị tước quyền sử dụng GPLX (khi điều khiển ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự) hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 - 24 tháng. Trong đó, mức xử phạt cao nhất là tước quyền sử dụng GPLX từ 22 - 24 tháng được quy định tại điểm h khoản 11 Điều 5, điểm g khoản 10 Điều 6, điểm e khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Mức phạt này được áp dụng đối với người điều khiển ô tô, mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) thực hiện một trong các hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn như điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở; không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người thi hành công vụ; hoặc liên quan đến việc sử dụng các chất ma túy. Ngoài bị tước quyền sử dụng GPLX, người lái ô tô vi phạm các lỗi trên sẽ bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng; người lái mô tô, xe máy vi phạm các lỗi trên cũng bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng.
Hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng GPLX đã được áp dụng thực hiện từ nhiều năm. Có thể thấy, cùng với việc xử lý nghiêm minh của lực lượng chức năng, việc tăng nặng chế tài xử phạt kết hợp với hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng GPLX (cá biệt có trường hợp tới 24 tháng đối với vi phạm nồng độ cồn và ma túy) đã tác động trực tiếp đến người tham gia giao thông, nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT, là giải pháp hiệu quả để hạn chế tai nạn giao thông, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải./.