Bộ GTVT vừa có Công văn số 3513/BGTVT-VT gửi đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh trả lời kiến nghị cử tri Thành phố Hồ Chí Minh gửi tới sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 48/BDN ngày 24/01/2024, nội dung kiến nghị như sau:
“Cử tri cho rằng đạo đức kinh doanh trong dịch vụ vận tải hàng hóa, chở hành khách hiện nay không được đảm bảo, đề nghị cần quy định bộ tiêu chí, đạo đức kinh doanh trong lĩnh vực này để bảo vệ quyền lợi khách hàng”.
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản vận tải hàng hóa, hành khách, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.
Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau:
Trong lĩnh vực vận tải đường bộ: Hiện nay, đã có đủ các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; quyền hạn và trách nhiệm của người vận tải, người thuê vận tải, lái xe và hành khách đi xe.
Để quy định của pháp luật về vận tải đường bộ bằng xe ô tô đi vào cuộc sống và được thực thi hiệu quả, Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đạo đức kinh doanh trong vận tải hàng hóa phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của xã hội; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm.
Trong lĩnh vực vận tải hàng hải: Đối với vận tải hàng hoá bằng đường biển, nghĩa vụ, trách nhiệm của người vận tải hàng hoá đã được quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật, theo đó người vận chuyển phải thực hiện tất cả các nghĩa vụ đối với việc vận tải hàng hoá theo đúng hợp đồng đã ký kết với khách hàng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các hành vi vi phạm theo quy định. Đối với vận tải hành khách đã được quy định tại các thông tư của Bộ trưởng Bộ GTVT, theo đó quy định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm người vận tải hành khách trong việc bảo đảm các điều kiện an toàn cho hành khách, việc niêm yết công khai giá vé; chế độ miễn giảm giá vé, chế độ phục vụ hành khách văn minh lịch sự… Như vậy, trong lĩnh vực hàng hải, trách nhiệm và nghĩa vụ của người vận chuyển (hàng hoá và hành khách) đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, góp phần bảo đảm quyền lợi cho khách hàng khi thuê hoặc sử dụng tàu thuyền vận tải.
Trong lĩnh vực vận tải đường thủy nội địa: Đối với vận tải hành khách có quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách hành lý, bao gửi trên đường thủy nội địa phục vụ hành khách văn minh, lịch sự (nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách). Đào tạo đối với thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ có quy định đối với thái độ, đạo đức nghề nghiệp đã có quy định tại thông tư của Bộ trưởng Bộ GTVT, theo đó thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ có ý thức rèn luyện để nâng cao trình độ nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành đường thủy nội địa; yêu nghề, có ý thức cộng đồng và tác phong công nghiệp, có thói quen lao động nghề nghiệp, sống lành mạnh phù hợp với phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa dân tộc.
Ủy ban ATGT Quốc gia xây dựng tiêu chí mô hình văn hoá giao thông đường thuỷ nội địa các yếu tố cơ bản đáp ứng một số yêu cầu đặc thù trong hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa như: Tiêu chí văn hoá giao thông đường thuỷ tại khu dân cư, xóm làng trên và ven sông hồ, vùng vịnh, ven biển, các đảo thuộc đường thuỷ nội địa; Tiêu chí đối với cảng, bến thuỷ nội địa, bến khách ngang sông văn hoá văn minh, an toàn; Tiêu chí mô hình đoạn, tuyến sông văn hoá - an toàn; Tiêu chí mô hình đoàn tàu văn minh - an toàn; Tiêu chí với doanh nghiệp, HTX, tổ chức xã hội có văn hoá trong hoạt động kinh doanh vận tải đường thuỷ nội địa; Tiêu chí văn hoá với cơ quan, đơn vị chức năng và cán bộ chiến sĩ công nhân viên chức trực tiếp thi hành nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa.
Ngoài ra, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” như: tổ chức hàng nghìn hội nghị, tọa đàm, in ấn và cấp phát hơn 1 triệu tờ rơi, băng rôn, cẩm nang, tài liệu..; cấp phát hơn 22.000 áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân... Phối hợp với các cơ quan báo, đài xây dựng và phát sóng, đăng tải hàng nghìn phóng sự, tin, bài tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về giao thông đường thuỷ và về hoạt động phong trào “văn hoá giao thông với bình yên sông nước”.
Trong lĩnh vực vận tải hàng không: Đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa nói chung, cũng như vận tải bằng đường hàng không nói riêng, đây đều là những hoạt động cung cấp dịch vụ vận chuyển trên cơ sở hợp đồng vận chuyển được thống nhất giữa doanh nghiệp và hành khách. Với ngành hàng không, những hợp đồng dịch vụ còn được thể hiện qua những điều lệ vận chuyển xác định các quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển và của hành khách. Theo quy định, các điều lệ vận chuyển hàng không được đăng ký với cơ quan quản lý để bảo đảm đáp ứng những quy định trong hoạt động vận chuyển của ngành hàng không, phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như những điều kiện tại Việt Nam; đồng thời là cơ sở để cơ quan quản lý thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động vận chuyển hàng không của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
Để đảm bảo việc chấp hành các quy định liên quan đến nghĩa vụ, trách nhiệm của người vận chuyển, người cung cấp dịch vụ trên địa bàn cảng hàng không, sân bay, Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) và các Cảng vụ hàng không khu vực duy trì công tác kiểm tra giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp trong dây chuyền vận chuyển hàng không, xử lý kịp thời các hành vi của các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về bảo vệ quyền lợi hành khách, về chống buôn bán hàng giả và gian lận thương mại. Bộ GTVT, Cục HKVN thường xuyên có các khuyến cáo, thông tin tuyên truyền hành khách nắm bắt, hiểu rõ những quy định về giá vé máy bay, nghĩa vụ và quyền lợi của mình khi sử dụng dịch vụ vận tải hàng không. Bên cạnh đó, Cục HKVN cũng đã công bố các kênh thông tin (điện thoại/đường dây nóng, thư điện tử, fax…) để tiếp nhận các phản ánh của các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện cung cấp và sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng không nói riêng, và các hoạt động của ngành hàng không nói chung để kịp thời xử lý, hỗ trợ hành khách, qua đó cải thiện và nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ vận chuyển hàng không cũng như bảo đảm quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
Ngoài ra, Bộ GTVT, Cục HKVN cũng yêu cầu các hãng hàng không, các đơn vị cung cấp dịch vụ (i) tăng cường đào tạo kiến thức, kỹ năng, phong cách làm việc của nhân viên trong phục vụ hành khách; (ii) tổ chức quán triệt, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ khách hàng theo Phong trào 4 “xin”, 4 “luôn” của ngành giao thông vận tải đặc biệt là đối với đội ngũ nhân viên tiếp xúc, làm việc trực tiếp với hành khách; (iii) tăng cường bảo mật thông tin cho hành khách đi lại bằng đường hàng không; (iv) thực hiện tốt công tác trợ giúp người khuyết tật, người cao tuổi, người có công với cách mạng khi tham gia giao thông hàng không.
Trong lĩnh vực vận tải đường sắt: Hiện nay, đã có đủ các quy định của pháp luật về: điều kiện kinh doanh vận tải đường sắt; quyền và trách nhiệm của người vận tải, người thuê vận tải, hành khách, đồng thời có các chế tài về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực vận tải đường sắt.
Mặt khác, tại các nhà ga, đại lý vận tải doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt đều đã niêm yết công khai các quy định về vận tải hành khách, hàng hóa, biểu giá cước, giá vé để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.
Để quy định của pháp luật đi vào cuộc sống và được thực thi hiệu quả, Cục ĐSVN sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt thực hiện tốt các quy định của pháp luật về vận tải hàng hóa, hành khách bằng đường sắt, bảo đảm tốt nhất quyền lợi của khách hàng; tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm.
Trong thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu quản lý hoạt động vận tải nói chung và nâng cao đạo đức kinh doanh trong dịch vụ vận tải hàng hóa, chở hành khách nhằm bảo vệ quyền lợi khách hàng nói riêng, Bộ GTVT sẽ: tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm; công tác tuyên truyền trong các lĩnh vực vận tải; nghiên cứu việc thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” như lĩnh vực vận tải đường thủy đang thực hiện để nhân rộng triển khai cho các loại hình vận tải khác; tăng cường đối thoại và đề nghị Hiệp hội vận tải (hàng hóa, hành khách), hiệp hội Logistics, hiệp hội nghề nghiệp về vận tải để phối hợp tuyên truyền, phổ biến, quán triệt một số giải pháp đến đơn vị kinh doanh vận tải triển khai thực hiện.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải./.