Bộ GTVT vừa có Văn bản số 8786/BGTVT- KCHT ngày 15/8/2024 gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa để trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi tới trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Bộ Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 499/BDN ngày 14/6/2024, nội dung kiến nghị như sau:
“Đề nghị nghiên cứu, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc đấu nối giao thông đối với tuyến đường Hồ Chí Minh (được quy hoạch là đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ) của nhiều dự án đầu tư xây dựng hạ tầng như: cửa hàng xăng dầu, khu dân cư, khu thương mại dịch vụ (hai bên đường) …, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương qua địa bàn tỉnh không thực hiện.”
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý khai thác, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ GTVT ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.
Về nội dung kiến nghị của cử tri, Bộ GTVT xin trả lời như sau:
Thực hiện Luật Giao thông đường bộ 2008, Chính phủ và Bộ GTVT đã ban hành các quy định liên quan đến công tác quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong đó có nội dung “Không đấu nối vào tuyến, đoạn tuyến quốc lộ đã được quy hoạch là đường cao tốc trừ trường hợp đặc biệt bao gồm: dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, … ” nhằm bảo vệ, giảm tác động tới những tuyến đã quy hoạch sẽ đầu tư thành đường cao tốc trong tương lai. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành khai thác, đã phát sinh một số bất cập, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của những địa phương thực hiện việc đầu tư đường cao tốc trong ngắn hạn như cử tri đã nêu.
Hiện nay, Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được Quốc hội thông qua (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2025) với nhiều đổi mới trong quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện hai Luật nêu trên theo nhiệm vụ được giao, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu, điều chỉnh các quy định liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho phù hợp với thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, đáp ứng kiến nghị của cử tri.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải.