Trả lời cử tri TP. Hà Nội đề nghị nghiên cứu áp dụng công nghệ tiên tiến của thế giới vào xây dựng hệ thống đường cao tốc, đường sắt đô thị

Thứ năm, 10/10/2024 15:16
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bộ GTVT vừa có Công văn số 10955/BGTVT-KHCN&MT gửi đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trả lời kiến nghị cử tri thành phố Hà Nội gửi tới sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 8932/BDN ngày 19/8/2024, nội dung kiến nghị như sau:

“Cử tri cho rằng vấn đề ùn tắc giao thông, khí thải từ các phương tiện cơ giới đã gây ô nhiễm môi trường khiến tỷ lệ người dân ở nước ta mắc các bệnh về hô hấp và ung thư đứng vào hàng đầu của thế giới, do đó việc xây dựng các tuyến đường cao tốc, đường sắt đô thị là rất cần thiết. Đề nghị nghiên cứu áp dụng công nghệ tiên tiến của thế giới và đề xuất của các doanh nghiệp trong nước xây dựng hệ thống đường cao tốc, đường sắt đô thị; đồng thời, có các giải pháp để việc vận hành tuyến đường sắt đô thị có hiệu quả lâu dài, giảm bù lỗ từ kinh phí ngân sách Nhà nước”.

Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã quan tâm, góp ý đối với ngành GTVT nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội, người dân và doanh nghiệp.

Về các nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau:

Đối với nội dung “Đề nghị nghiên cứu áp dụng công nghệ tiên tiến của thế giới và đề xuất của các doanh nghiệp trong nước xây dựng hệ thống đường cao tốc, đường sắt đô thị”. Chủ trương áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả tại các dự án đường cao tốc đã được Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo tại các Nghị quyết, thực hiện chủ trương đó Bộ GTVT cũng như các địa phương rất chú trọng trong công tác phê duyệt và triển khai đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, trong đó nhiều công nghệ tiên tiến, giải pháp kỹ thuật của các doanh nghiệp trong nước đề xuất đã được xem xét áp dụng tại các dự án trong giai đoạn thiết kế, thi công, quản lý, bảo trì, khai thác trên cơ sở đảm phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam, bảo đảm yếu tố kinh tế - kỹ thuật và môi trường của từng dự án.

Dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng đường sắt đô thị (ĐSĐT) là dịch vụ giao thông công cộng mới được phát triển, các tuyến ĐSĐT đã được quy hoạch và đang được triển khai đầu tư xây dựng ở thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong quá trình xem xét phê duyệt dự án ĐSĐT cấp quyết định đầu tư luôn chú trọng lựa chọn công nghệ hiện đại của các nước tiên tiến, có độ tin cậy cao trong khai thác và vận hành, đến nay một số tuyến ĐSĐT đã được khai thác, vận hành an toàn tại thành phố Hà Nội đã đem lại hiệu quả lớn trong công tác vận tải hành khách công cộng.

Đối với nội dung “đồng thời, có các giải pháp để việc vận hành tuyến đường sắt đô thị có hiệu quả lâu dài, giảm bù lỗ từ kinh phí ngân sách Nhà nước” Tại khoản 1 và khoản 4 Điều 73 Luật Đường sắt năm 2017 có quy định trách nhiệm của địa phương đối với ĐSĐT về “Tổ chức đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác đường sắt đô thị” và “ban hành chính sách hỗ trợ giá vận tải đường sắt đô thị”.

Bộ GTVT đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội có ý kiến với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong việc thực hiện trách nhiệm của địa phương được quy định tại Luật Đường sắt về việc vận hành các tuyến ĐSĐT, đảm bảo hiệu quả, thuận lợi cho nhân dân.

Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải./.

kimcuc

Nguồn: Bộ GTVT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)