Bộ Giao thông vận tải nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 942/BDN ngày 06/11/2024.
Ảnh minh họa
Nội dung kiến nghị như sau: “Cục Giao thông đường bộ và doanh nghiệp cùng với địa phương đã có một cam kết là giảm giá vé sử dụng phí qua trạm BOT này ở bán kính 5 km cho người dân tại trạm thu phí BOT Km1747 (Quang Đức). Bộ Giao thông Vận tải có Công văn số 4112/BGTVT-ĐTCT, ngày 27/4/2022 trả lời: Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương làm việc với nhà đầu tư BOT Quang Đức giảm mức phí cho người dân khu vực lân cận. Nội dung này cũng đã được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tiếp tục ghi nhận vào ngày 7/6/2023, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Đề nghị thực hiện đúng cam kết với cử tri”.
Trước tiên, Bộ Giao thông vận tải trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.
Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nay là Cục Đường bộ Việt Nam) chủ trì, phối hợp với chính quyền các địa phương, Nhà đầu tư và Doanh nghiệp dự án căn cứ điều kiện cụ thể của từng dự án, vị trí của từng trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương để đề xuất phương án xử lý các bất cập tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên nguyên tắc khả thi về phương án tài chính của các dự án, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, Nhà đầu tư và người sử dụng, phù hợp với quy định pháp luật.
Cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk đàm phán ký Biên bản với Công ty cổ phần BOT Quang Đức thống nhất rà soát phương án giảm giá cho các đối tượng có phương tiện bị ảnh hưởng để có giải pháp hợp lý trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.
Từ năm 2017, Bộ GTVT đã chủ động phối hợp với tỉnh Đắk Lắc, nhà đầu tư rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về khó khăn, vướng mắc, đề xuất phương án xử lý bất cập tại trạm thu phí Km1747. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã thống nhất với nhà đầu tư phương án di dời trạm thu phí đến vị trí mới Km1758 đường Hồ Chí Minh nằm trong phạm vi dự án, nhưng do doanh thu thu phí không đảm bảo và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, Ngân hàng không thống nhất tiếp tục tài trợ vốn cho việc xây mới trạm thu phí, đồng thời đã xếp loại quá hạn tín dụng Nhóm 5 đối với Doanh nghiệp dự án BOT nên việc di dời trạm thu phí đến nay không thể thực hiện được. Đến tháng 12/2019 sau khi đoạn tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ thuộc đường Hồ Chí Minh hoàn thành đi vào khai thác, lưu lượng giao thông qua trạm thu phí Km1747 (Quốc lộ 14) đường Hồ Chí Minh giảm rất lớn so với lưu lượng xe đã tính toán để đảm bảo hoàn vốn theo Hợp đồng BOT của Dự án, Nhà đầu tư đã có nhiều văn bản3 đề nghị Cơ quan có thẩm quyền không tiến hành giảm giá và báo cáo tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Do vậy, việc giảm giá vé chưa thể thực hiện được.
Từ năm 2020 đến nay, Nhà đầu tư tiếp tục có nhiều văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT báo cáo tháo gỡ khó khăn vướng mắc. UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết các kiến nghị của Nhà đầu tư. Bộ GTVT đã phối hợp cùng các Bộ, Ngành đã có nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án và giải pháp xử lý vướng mắc.
Thường trực Chính phủ và Lãnh đạo Chính phủ cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với trạm thu phí Km1747 (Quốc lộ 14) đường Hồ Chí Minh nêu trên. Để giải quyết dứt điểm những vấn đề bất cập, khó khăn vướng mắc nêu trên, ngày 06/4/2022 Lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì họp và đã kết luận: “Về cơ bản, các bộ, ngành cơ quan dự họp có ý kiến thống nhất hướng giải quyết như đề xuất của Bộ GTVT theo phương án báo cáo Quốc hội cho phép bố trí vốn ngân sách nhà nước để hoàn trả vốn cho nhà đầu tư để xóa trạm thu phí giải quyết triệt để bất cập của Dự án” 8.
Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp với các địa phương, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, xây dựng nguyên tắc, giải pháp xử lý và đã trình Thường trực Chính phủ xem xét Đề án xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông, trong đó có Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL14) đoạn Km1738+148 - Km1763+610, tỉnh Đắk Lắk theo hình thức hợp đồng BOT. Thực hiện kết luận của Thường trực Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp với Ngân hàng nhà nước Việt Nam tổ chức đàm phán với Nhà đầu tư, ngân hàng cung cấp vốn tín dụng để thống nhất giải pháp xử lý khó khăn vướng mắc và trách nhiệm chia sẻ rủi ro của các bên. Trên cơ sở kết quả đàm phán và quy định của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư sửa đổi (được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV), Bộ GTVT đang khẩn trương tổng hợp, hoàn chỉnh Đề án để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Do việc xử lý bất cập của Dự án đang được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phương án xử lý, Bộ GTVT ghi nhận kiến nghị của cử tri nêu trên. Sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua giải pháp xử lý khó khăn vướng mắc của Dự án, Bộ GTVT sẽ triển khai các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật để xử lý bất cập của Dự án.
Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải.