Dân thích nhưng đi xe khách giường nằm có an toàn?

Thứ ba, 19/08/2014 16:02
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Xe khách giường nằm có an toàn hay không? Đường nào cấm xe khách giường nằm sẽ hạn chế tai nạn? Lái xe, doanh nghiệp... tác động thế nào đến sự an nguy của hành khách là những vấn đề được tranh luận sôi nổi tại buổi tọa đàm trực tuyến trên Báo Giao thông điện tử chiều nay, 19/9.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm

Các khách mời tham gia tọa đàm đã cùng trao đổi những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay như độ an toàn của xe khách giường nằm, lộ trình nào an toàn cho loại xe này. Nếu quyết định cấm xe khách giường nằm đi đường đèo dốc, thì lộ trình ra sao? Cần làm gì để bảo vệ sự an toàn của hành khách và quyền lợi của các nhà xe đang kinh doanh xe khách giường nằm.

 

Khách mời tham gia tọa đàm chiều nay, 19/9, tại Báo Giao thông với chủ đề “Lộ trình nào an toàn cho xe khách giường nằm?" gồm có: Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT; ông Đỗ Nga Việt - Chủ tịch Công đoàn GTVT; bà Trịnh Thị Hằng Nga - Vụ trưởng Vụ Pháp chế; ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN; ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN; ông Trịnh Viết Lộc - Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT; ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia; bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải; ông Hoàng Thế Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ ATGT; Ông Lưu Xuân Bình - Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT Hà Nội, ông Tống Duy Kim, Phó Giám đốc Sở GTVT Điện Biên; ông Nguyễn Văn Thạo - Phó Giám đốc Sở GTVT Lào Cai; ông Nguyễn Hải Trung - Chủ tịch Vinamotor; ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP ô tô Trường Hải; ông Nguyễn Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP vận tải ô tô Điện Biên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Điện Biên; PGS - TS Phạm Xuân Mai - Nguyên Trưởng khoa Giao thông trường Đại học Bách Khoa Tp.HCM.

 

Báo Giao thông tường thuật trực tuyến tọa đàm này

XE KHÁCH GIƯỜNG NẰM PHẢI TUÂN THỦ NHỮNG QUY ĐỊNH NGHIÊM NGẶT HƠN 

Thưa Thứ trưởng, vừa qua chúng ta đã siết chặt quản lý xe khách, tai nạn nghiêm trọng liên quan tới xe khách đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, vụ tai nạn xe khách giường nằm thảm khốc ở Lào Cai lại cho thấy đã nảy sinh những vấn đề cần sớm giải quyết trong quản lý loại hình kinh doanh vận tải đặc thù này. Quan điểm của Bộ GTVT về vấn đề này như thế nào?

Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT

Ông Lê Đình Thọ
Thứ trưởng Bộ GTVT

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: Trước hết, năm ATGT 2014, với nhiều giải pháp quyết liệt được thực hiện nên những tháng đầu năm, TNGT thuyên giảm, số người chết do TNGT giảm, đặc biệt số vụ nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đối với xe khách giảm mạnh.

Tuy nhiên, qua vụ xe khách giường nằm ở Lào Cai cho thấy các cơ quan quản lý Nhà nước phải nhìn nhận lại với loại phương tiện tiện này. Hiện có khoảng 4.500 xe khách giường nằm. Trong số này chủ yếu là xe 2 tầng, chỉ có khoảng 80 xe 1 tầng. Các xe được sản xuất lắp ráp trong nước khoảng 3.000, khoảng 800 xe hoán cải, còn lại là xe nhập từ Trung Quốc.

Vụ tai nạn ở Lào Cai, xe chạy trong điều kiện địa hình đường cấp 4 miền núi, có những yếu tố kỹ thuật về đường như: bán kính cong, độ dốc, địa hình miền núi dễ sụt trượt, hộ lan, biển báo không phù hợp… Dù có biển báo và hộ lan, nhưng trong điều kiện như vậy cũng khó bảo đảm an toàn.

Ở đây vấn đề TTKS của cơ quan quản lý cũng được đặt ra. Vụ tai nạn này có thể gọi là thảm khốc. Lãnh đạo Bộ GTVT đã chỉ đạo phải rà soát, chấn chỉnh. Trước hết là với xe khách tuyến cố định và sau đó là xe khách giường  nằm. Rà soát cả thủ tục và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước như: Sở GTVT, cơ quan kiểm soát, đồng thời rà lại cả sự tuân thủ của DN vận tải, lái xe. Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng cục ĐBVN rà soát việc cấp phép các tuyến cố định để xem xét làm sao bảo đảm các luồng tuyến hoạt động an toàn.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, các cơ quan liên quan đã vào cuộc và đang triển khai quyết liệt để có chính sách quản lý hợp lý nhất. Thời gian qua, Cục Đăng kiểm VN tiến hành nghiên cứu, áp dụng các định mức kỹ thuật, đồng thời nâng cao các hệ số an toàn, đảm bảo nguyện vọng của người dân khi tham gia phương tiện này.

Thực tế có một số ý kiến cho rằng, xe giường nằm vẫn hoạt động tốt, tuy nhiên cũng có ý kiến ngược lại. Hiện chúng ta đang có 4.500 xe giường nằm nên cần phải có nghiên cứu kỹ càng, có lộ trình rõ ràng để mục tiêu cuối cùng là bảo đảm an toàn khi đi trên các luồng tuyến này.

Vụ xe khách giường nằm lao xuống vực tại địa bàn tỉnh Lào Cai gây thiệt hại rất lớn về người và của

Vụ xe khách giường nằm lao xuống vực tại địa bàn tỉnh Lào Cai gây thiệt hại rất lớn về người và của

Thời gian tới, các cơ quan của Bộ GTVT và các cơ quan liên quan sẽ nghiên cứu để đưa ra các qui định cụ thể. Không thể ngay lập tức cấm, ngược lại cũng không thể để xe chạy trong tình trạng an toàn không cao. Vì thế cần tập trung nghiên cứu để đưa ra giải pháp hợp lý và hiệu quả nhất, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn và tính mạng cho người dân và hành khách.

Để làm được điều này, trước hết phải đưa ra được qui hoạch luồng tuyến hợp lý, sau đó đánh giá mức độ an toàn của nó. Ví dụ như một con đèo thì cần những điều kiện như thế nào, đơn vị quản lý phải làm gì, xe đến đỉnh đèo có phải dừng nghỉ để kiểm tra an toàn hay không? Tất cả những điều đó chúng ta đều phải nghiên cứu và tính toán kỹ.

Về phương tiện, cũng phải hướng tới ở độ cao nhất, có thể không bố trí 2 tầng nữa mà chỉ một tầng giường ngả cho phù hợp. Thêm vào đó, thiết kế xe ra sao, bố trí hàng hóa trên xe thế nào để đảm bảo sự cân bằng của xe cũng rất quan trọng. Thực tế, kinh doanh loại này phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt hơn, không thể như loại xe khác. Chúng ta định hướng như thế để làm sao bảo đảm an toàn nhất cho hành khách, đảm bảo quyền lợi kinh doanh của các DN. Vì thế cần có lộ trình.

Đường bộ qua vùng cao, miền núi thường nhiều khúc cua gấp vô cùng nguy hiểm với xe khách cỡ lớn đặc biệt là xe giường nằm.

Đường bộ qua vùng cao, miền núi thường nhiều khúc cua gấp vô cùng nguy hiểm với xe khách cỡ lớn đặc biệt là xe giường nằm

Thưa bà, đến bây giờ, Cơ quan Quản lý Nhà nước có thể nắm được con số TNGT liên quan đến xe khách giường nằm cũng như luồng tuyến có xe khách giường nằm hay chưa?

Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải

Bà Phan Thị Thu Hiền
 Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải

Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải: Về số TNGT liên quan đến xe khách giường nằm, chúng tôi có thống kê từ tháng 1/2013 đến nay, đã xảy ra 22 vụ, trong đó có 19 vụ xảy ra vào lúc nửa đêm về sáng, 30% số vụ tai nạn xảy ra trên đường đèo dốc, tầm nhìn hạn chế.

Tuy nhiên, chưa vụ TNGT nào xảy ra có nguyên nhân liên quan đến an toàn kỹ thuật của phương tiện.

Thực trạng này cho thấy, chúng ta cần có sự báo động, chấn chỉnh với hoạt động của xe khách giường nằm.

Một độc giả gửi câu hỏi tới ông Nguyễn Hữu Trí: Tôi thường xuyên đi xe khách giường nằm từ Hà Nội lên Lào Cai. Thấy đỡ khổ hơn ngồi bó gối như xưa rất nhiều. Nhưng thời gian gần đây nhiều ý kiến nói rằng đi như vậy quá nguy hiểm. Xin hỏi ông Trí, xe khách giường nằm có mất an toàn hơn các phương tiện khác không?

Ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN: Hoạt động của xe trên đường có nhiều đặc tính an toàn, ngoài việc phanh thì tính ổn định của xe rất quan trọng. Về lý thuyết trọng tâm xe khách giường nằm cao hơn xe ghế ngồi cùng chủng loại.

Do vậy, việc xe khách mất ổn định hơn các xe khác trong cùng điều kiện khai thác là điều đương nhiên. Nhưng còn yếu tố kỹ thuật lái xe, làm chủ đoạn đường,... cũng cần phải tính tới.

Ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Cục trưởng  Cục Đăng kiểm VN

Ông Nguyễn Hữu Trí 
Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm

Thưa ông, loại xe khách giường nằm đang khai thác có phổ biến trên thế giới và tiêu chuẩn có tương đồng?

Ông Nguyễn Hữu Trí: Các nước khác cũng có, Trung Quốc có nhiều xe giường nằm, châu  Âu cũng có.

Tuy nhiên, ở châu Âu, xe khách giường nằm chất lượng rất cao, số chỗ nằm ít hơn, kết cấu giường có vách lưới ngăn các giường nằm. Việc sử dụng kết cấu đó nhẹ, an toàn, có tác dụng hỗ trợ thương vong nếu có sự cố xảy ra.

XE GIƯỜNG NẰM CÓ NGUY HIỂM VÀ DỄ LẬT HƠN SO VỚI XE GHẾ NGỒI?

Xin được hỏi PGS - TS Phạm Xuân Mai, có ý kiến cho rằng trong cùng một điều kiện so với xe khách thông thường, xe khách giường nằm nguy hiểm hơn và dễ lật hơn so với xe khách ghế ngồi?

PGS – TS. Phạm Xuân Mai, Nguyên Trưởng khoa Giao thông trường Đại học Bách Khoa TPHCM: Theo tôi, xe khách giường nằm là xe khách thông thường có 2 lớp giường nằm, một lớp giường sát trần xe và một lớp ở bên dưới giống như xe khách 2 tầng ở Thái Lan, Singapore...

Về độ dài, rộng, xe khách giường nằm cũng không khác xe khách thông thường là bao, cũng dài 12m. Về phương diện kỹ thuật, kích thước như nhau thì độ an toàn như nhau. Tính an toàn và dễ lật đổ của xe khách giường nằm và xe khách thông thường có độ chênh lệch trọng tâm tương đương nhau, chiều cao trọng tâm của xe khách giường nằm là 1397 thì của xe khách thông thường là 1370. Độ chênh lệch trọng tâm này nằm trong phạm vi cho phép của quy chuẩn thiết kế ô tô VN. Như vậy, có thể nói, độ an toàn của xe khách giường nằm và xe khách tương đương nhau và tai nạn xảy ra với xe khách giường nằm không phải do yếu tố kỹ thuật gây nên.

Xe khách giường nằm giúp người dân giảm bớt mệt mỏi với những hành trình dài

Xe khách giường nằm giúp người dân giảm bớt mệt mỏi với những hành trình dài

PGS - TS Phạm Xuân Mai - Nguyên Trưởng khoa Giao thông trường Đại học Bách Khoa Tp.HCM

PGS-TS Phạm Xuân Mai
Nguyên Trưởng khoa Giao thông trường Đại học Bách Khoa Tp.HCM

Thực tế cho thấy, trong số 44 vụ tai nạn xe khách giường nằm nghiêm trọng nhất trong 3 năm gần đây, chỉ có 3 vụ xe lật đổ ngang, điều này chứng tỏ, sự thăng bằng của xe khách giường nằm so với xe khách thông thường không có nhiều khác biệt.

Một số tờ báo phản ánh, xe giường nằm không an toàn chỉ là chưa chính xác. 84% xe khách hiện nay là xe khách giường nằm, vì người dân có nhu cầu rất lớn với loại phương tiện này.

Sử dụng xe khách giường nằm người dân được nghỉ ngơi, giảm bớt mệt mỏi trong hành trình. Do đó, nếu chỉ nhận xét xe giường nằm không an toàn sẽ có thể làm mất đi cơ hội sử dụng xe khách giường nằm của số đông người dân.

Nghiên cứu các vụ tai nạn xe khách giường nằm, chúng tôi thấy 30% tai nạn xảy ra trên đường đèo dốc, 70% do đồng bằng, như vậy tai nạn cũng không phải do đường sá, mà do quá trình điều khiển phương tiện.

SẼ THỬ NGHIỆM TRÊN CÙNG MỘT ĐỊA HÌNH, ĐIỀU KIỆN ĐƯỜNG SÁ ĐỂ SO SÁNH XE GIƯỜNG NẰM VÀ XE GHẾ NGỒI

Vừa qua, Báo Giao thông có nhận được ý kiến phản ánh của Đại sứ Việt Nam tại Anh cho rằng xe khách giường nằm ở Việt Nam thiết kế rất không đảm bảo và cần phải loại bỏ, hành khách đi trên xe dễ bị thương tích khi xe va chạm, cần thay thế ngay để đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách. Quan điểm của ông thế nào về điều này?

Ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN: Độ ổn định của xe khách giường nằm nhỏ hơn xe ngồi, mất ổn định động cơ cao hơn. Trong lòng xe khách bố trí giường, có nhiều kiểu loại, nếu sự cố tai nạn xảy ra mà không đảm bảo điều kiện an toàn cũng tăng thương vong, bị lăn, va đập cho hành khách… Những điều kiện đảm bảo an toàn để giảm thương vong cho hành khách khi xảy ra tai nạn như: dây đai an toàn cũng có nhưng có thể thực tế người dân không thắt đai. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu để có yêu cầu nâng cao tính an toàn khi vận hành với loại xe khách này?

Về trực quan, lối thoát hiểm xe giường nằm chật hơn, khả năng lưu thông ít hơn nên Cục Đăng kiểm VN đang nghiên cứu thử nghiệm so sánh xe giường nằm 2 tầng và xe ghế ngồi trên cùng một điều kiện đường sá, độ dốc, độ cua để có khuyến cáo từng loại đường cho xe giường nằm hoạt động. Chúng tôi sẽ sớm có báo cáo Bộ GTVT về kết quả thử nghiệm này trong tháng 9.

Buổi tọa đàm với sự tham gia của đông đảo khách mời và nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan truyền thông

Buổi tọa đàm với sự tham gia của đông đảo khách mời và nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan truyền thông

Có nhiều ý kiến đánh giá xe khách giường nằm mất an toàn, không có nhiều nước trên thế giới sử dụng loại xe giống của Việt Nam. Là một trong những đơn vị sản xuất xe, quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này? Xe của Trường Hải sản xuất theo tiêu chuẩn nào?

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP ô tô Trường Hải

Ông Trần Bá Dương
Chủ tịch HĐQT Công ty CP ô tô Trường Hải

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP ô tô Trường Hải: Xin phép được chia sẻ với độc giả về vấn đề này. Những ngày qua tôi cũng suy nghĩ rất nhiều. Nếu lên án xe giường nằm thì tôi là tội đồ lớn nhất vì tôi cùng với anh Tuyến bên Hoàng Long là những người đầu tiên nghiên cứu về xe giường nằm ở Trung Quốc.  Anh Tuyến (Hoàng Long) làm một lần 50 xe chạy Hà Nội - TPHCM, nếu khách chê coi như ông Tuyến phá sản.

Khách đi ghế ngồi, ngồi 2.000 km, tê chân chịu không nổi, trong khi đường sắt còn nhiều hạn chế. Trong ngày khai trương tuyến Hà Nội - TPHCM, đại diện Sở GTVT TPHCM cũng đã có những nghi ngại, nhưng từ đó đến nay chúng tôi đã bán ra 3.000 xe. Nhu cầu khách là có thật và rất lớn. Nếu không, tại sao nhà xe mua xe ghế ngồi mấy tỷ đồng mà chuyển qua giường nằm?

Tuyến đường núi, chúng tôi đã từng mua xe nhập khẩu từ Hàn Quốc. Đầu tiên làm chiều cao 3,85m, còn chiều dài rộng bằng xe ghế ngồi. Sau đó, khi cải tiến, chúng tôi cố gắng hạ thấp xuống: xe đi đường đồng bằng 3,65m; 3,55m và 3,60m.

Về chiều cao trọng tâm, chúng tôi đăng kiểm mới nhất khi không tải chiều cao xe giường nằm gần như bằng xe ghế ngồi và khi có tải cũng gần như bằng xe ghế ngồi, như 1,245m và góc ổn định ngang không tải.

Trở lại câu hỏi của quý báo, thì nếu so sánh trong cùng điều kiện sử dụng như vậy, với chiều dài xe như vậy thì xe ghế ngồi cũng nguy hiểm. Tóm lại, về yếu tố an toàn, nếu nhà sản xuất không đáp ứng yêu cầu khách hàng thì khách hàng sẽ không đi. Các nhà xe mua xe hơn 3 tỷ đồng, đi vay ngân hàng mà thu tiền hằng ngày, họ phải lựa chọn rất kỹ, nếu xe không đảm bảo khách sẽ không đi.

Trên thực tế, nhiều nhà xe rất cẩn trọng, họ có những yêu cầu riêng cho nhà sản xuất về xe giường nằm… vì bây giờ cạnh tranh rất gay gắt, xe phải an toàn, đẹp hơn, tiện nghi hơn khách mới đi. Và nhu cầu xe giường nằm là không nhỏ. Xe ghế nằm, có thể giá thành sản xuất bằng với xe giường nằm, nhưng vì chỗ ít nên giá vé có thể đắt lên gấp rưỡi. Ghế ngồi cũng có loại 39 chỗ, nhưng khách đi trên 300 km thường có xu hướng chọn xe giường nằm. Xu hướng này của thị trường đã hình thành 9 năm nay và nhu cầu vẫn rất lớn.

Tháng 8, (trong nghề chúng tôi đùa nhau gọi là tháng cô hồn với sản xuất xe khách bởi liên tiếp có nhiều thông tin bất lợi về xe giường nằm), song Trường Hải vẫn xuất xưởng khoảng chừng 65 chiếc. Theo tôi để đảm bảo an toàn, chúng ta cần rà soát cả cung đường nhiều yếu tố nữa bên cạnh việc xem xét và quy chụp mất an toàn là do lỗi thiết kế. Tôi cho rằng cũng cần phát triển thêm xe ghế nằm, tuy nhiên, giá vé sẽ cao hơn, xe ghế nằm có phát triển được hay không còn phụ thuộc vào thu nhập, mức sống của người dân. 

Doanh số của Trường Hải tăng vọt trong vài năm gần đây cùng với làn sóng kinh doanh xe khách giường nằm tại hầu khắp các địa phương. Ngay trong tháng 8, dù có rất nhiều thông tin bất lợi như chia sẻ của ông Dương, Trường Hải vẫn bán được xe. Xin hỏi ông Mạnh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Điện Biên, có hay không chuyện các doanh nghiệp vận tải của tỉnh đang bán xe giường nằm để đổi sang xe khác an toàn hơn?

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP vận tải ô tô Điện Biên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Điện Biên

Ông Nguyễn Quốc Mạnh
Chủ tịch HĐQT Công ty CP vận tải ô tô Điện Biên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Điện Biên

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP vận tải ô tô Điện Biên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Điện Biên:

Không có chuyện đó. Có thể là có ai đó nói đùa dẫn tới chuyện đưa tin không đúng. Trước đây, chúng tôi chuyển đổi xe, muốn bán nhiều xe ghế ngồi để chuyển sang giường nằm. Còn bây giờ, Điện Biên có khoảng 7 doanh nghiệp kinh doanh xe khách giường nằm, chúng tôi chưa thấy đơn vị nào có ý định chuyển đổi cả.  

ĐÀO TẠO LÁI XE NHƯNG LẠI GIAO NHIỆM VỤ LÁI TÀU

Ông thấy chủ trương siết chặt quản lý xe giường nằm có đúng không? 

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP vận tải ô tô Điện Biên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Điện Biên:

Tôi cảm ơn Báo Giao thông đã tổ chức toạ đàm này để doanh nghiệp như chúng tôi có điều kiện để nói những băn khoăn, bức xúc của mình.

Thứ nhất, tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương siết chặt điều kiện kinh doanh xe khách giường nằm. Mà thực tế ra thì vừa qua, chúng ta đã tổng kiểm tra xe, sức khỏe lái xe…, rồi kiểm tra điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp cũng đã khá nhiều. Nhưng tất cả mới ở mức thủ tục, chưa loại trừ được những đơn vị chưa đủ điều kiện kinh doanh (đều có giấy phép, nhưng điều kiện thực tế không đủ). Chẳng hạn, quy định phải có tổ giám sát an toàn giao thông tại đơn vị vận tải nhưng rất ít có bộ máy hoạt động thực chất, chỉ có tính đối phó. Nếu không siết quy định này, chúng ta rất khó kiểm soát. An toàn giao thông, quan trọng nhất là con người. Phải có con người làm việc, phương tiện làm việc và thông tin báo cáo.

Thực tế, chúng tôi thấy doanh nghiệp nào cũng có thể có giấy phép, nhưng những quy định về trình độ cán bộ, chế độ thông tin báo cáo đều chưa rõ, đầy đủ. Tôi đề nghị cần hoàn thiện những tiêu chí cụ thể về điều kiện kinh doanh vận tải: người như thế nào, cần bao nhiêu người; phương tiện ra sao… và những quy định này phải áp dụng chung cho tất cả loại hình chứ không riêng gì xe giường nằm. Nếu kiểm tra không đủ điều kiện, chúng ta phải xử lý kiên quyết, như chuyển đổi tuyến đường, thậm chí cho tạm dừng hoạt động ngay, nếu không xã hội sẽ gánh chịu hậu quả.

Ví dụ xe Tân Hoàng Minh gặp tai nạn ở Lào Cai vừa qua, theo quy định phải lắp giám sát hành trình, nhưng khâu từ DN đã làm không tốt. Nếu có bộ phận giám sát hành trình, theo dõi phát hiện sai phạm của lái xe, nhắc nhở ngay vi phạm thì có thể đã hạn chế được tai nạn. Đây giám sát hành trình mới dùng cho việc trích xuất khi xảy ra tai nạn. Theo tôi, không có ích gì nhiều.

Về bộ phận kiểm tra, cơ cấu bộ máy tổ chức; trình độ chuyên môn (hồ sơ lao động, hồ sơ bảo hiểm, thông tin chế độ làm việc...) và phải thực thi nghiêm túc, nhắc nhở kịp thời chứ không phải đợi khi có cơ quan chức năng “sờ” đến mới triển khai, nhất là đối với hành trình chạy đêm. Liên quan đến vấn đề này phải có cơ chế quản lý, tiền lương rất rõ ràng… nên nếu cơ quan quản lý làm kỹ sẽ rõ ngay anh nào đối phó. 

Vấn đề thứ hai, liên quan đến xe giường nằm, tôi muốn nói thế này, xe khách giường nằm có nhiều ưu việt, thuận tiện và người tiêu dùng ưa thích. Khi mới khai thác loại xe này, chúng tôi có những hành khách đi xong một chuyến mua vé ngay cho chuyến sau. Điều đó trước đây là không bao giờ xảy ra.

Bến xe Điện Biên với nhiều xe giường nằm đang hoạt động

Bến xe Điện Biên với nhiều xe giường nằm đang hoạt động

Nói như vậy để nói là cấm xe giường nằm là chúng ta tụt hậu, bởi ngoài tính tiện nghi với sức khỏe con người, nghiên cứu của Bộ GTVT cũng cho thấy không có liên quan đến vấn đề kỹ thuật xe giường nằm với tai nạn giao thông. Chưa kể, có sự kết hợp giữa vận tải hành khách với hành lý, hàng hóa rất hợp lý (có thiết kế khoang để hành lý riêng). 

Thêm nữa, xe chạy đêm tiết kiệm triệt để thời gian cho khách, ban ngày, người dân có thể làm việc, tối lên xe ngủ một đêm sáng hôm sau có thể đến nơi và tiếp tục làm việc, rất có lợi cho hành khách, cho xã hội. Nếu cấm và hạn chế thì cần phải có những tính toán, cơ sở rõ ràng.

Chúng tôi có 80 xe, bình quân đầu tư 3 tỷ đồng/xe, trong đó có xe lên tới 5 tỷ đồng. Vốn vay, vốn huy động rất lớn và chủ yếu là vốn của dân, không có vốn Nhà nước. Do vậy, nếu có chuyển đổi, chúng tôi mong Bộ GTVT cần phải có lộ trình, đi cùng siết chặt quản lý. Mà theo tôi, việc doanh nghiệp quản lý tốt xe của mình vẫn là tiên quyết. Quản lý kém, tài xế kém gây tai nạn, cả xã hội phải gánh chịu, các doanh nghiệp kinh doanh khác phải gánh chịu. 

Vấn đề thứ ba, tôi muốn nói ở đây là khâu đào tạo sát hạch cho lái xe. Chúng ta đào tạo bây giờ, còn nhiều bất hợp lý. Lái xe giường nằm có kích thước rất dài nhưng khi đào tạo, giấy phép đào tạo chủ yếu cấp theo chỗ ngồi. Đến thời điểm này, tai nạn xe khách, theo tôi chủ yếu do tài xế chưa có đủ kỹ năng, đường sá đèo dốc, mất an toàn chủ yếu là do nguyên nhân kích thước của xe, trong khi đào tạo lái xe lại căn cứ theo số người. Trong khi xe có trường hợp 20 chỗ ngồi nhưng lại có kích thước tương đương xe chở 40 chỗ, nên chúng ta đôi khi rơi vào tình trạng đào tạo lái xe nhưng giao nhiệm vụ lái tàu. Chúng ta phải quay trở lại quy định cũ là cập nhật số kilômét tích lũy, lấy cái đó làm căn cứ để nâng hạng lái xe.

HẬU KIỂM ĐÃ CHẶT CHƯA?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ đặt câu hỏi, năm 2013, những tháng cuối năm, Bộ trưởng có giao 7 đoàn đi kiểm tra QLNN về vận tải tại 63 tỉnh, thành để làm điểm. Có cái như anh Mạnh (ông Nguyễn Quốc Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Điện Biên) nói là vấn đề hậu kiểm về công tác QLNN về vận tải ở Điện Biên gần như không có gì. Vậy, anh Kim (Phó Giám đốc Sở GTVT Điện Biên) cho biết vấn đề hậu kiểm như anh Mạnh nói ở trên Điện Biên đã được tiến hành như thế nào?

Ông Tống Duy Kim, Phó Giám đốc Sở GTVT Điện Biên

Ông Tống Duy Kim
Phó Giám đốc Sở GTVT Điện Biên

Ông Tống Duy Kim, Phó Giám đốc Sở GTVT Điện Biên: Báo cáo Thứ trưởng, năm 2013 Bộ GTVT đã tổ chức kiểm tra, đã thu hồi giấy phép kinh doanh của các đơn vị chưa đảm bảo điều kiện theo quy định, hướng dẫn các đơn vị đảm bảo điều kiện về an toàn kỹ thuật đối với xe khách giường nằm.

Hiện nay mới chỉ quy định tiêu chuẩn về giám đốc doanh nghiệp xe là không cần thiết, theo tôi việc chúng ta cần làm là phải quy định cụ thể tiêu chuẩn về người phụ trách công tác an toàn giao thông, quản lý về vấn đề an toàn kỹ thuật. Trước đây, trong các văn bản quy phạm pháp luật, chúng tôi đã đề nghị rồi, vì vậy mong Bộ và cơ quan chức năng của Bộ cần xem xét vấn đề này.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Ý tôi muốn nói là các điều kiện kinh doanh trong NĐ 91 và 93 sửa đổi, vừa rồi, mức độ thực hiện ở Điện Biên thực hiện ở mức thấp 30%. Hiện nay bộ phận an toàn kỹ thuật ở Điện Biên (theo quy định là trình độ trung cấp vận tải), sau hậu kiểm có nhiều vấn đề đặt ra, an toàn kỹ thuật hiện đạt được bao nhiêu? Điện Biên đã chấn chỉnh những hạn chế chưa? Bộ kiểm tra được 4 doanh nghiệp, các doanh nghiệp còn lại tỉnh đã kiểm tra hay chưa?

Ông Tống Duy Kim, Phó Giám đốc Sở GTVT Điện Biên: Chúng tôi đã chấp hành nghiêm chỉnh kết luận thanh tra, đã thành lập đoàn kiểm tra các doanh nghiệp còn lại và có báo cáo đầy đủ. Kết quả cho thấy các doanh nghiệp đều đạt yêu cầu theo như quy định.

Tuy nhiên, tôi muốn đề cập đến tiêu chuẩn của giám đốc điều hành là phải có trình độ trung cấp trở lên có 3 năm kinh nghiệm thì các doanh nghiệp rất ít đạt được. Hoặc có doanh nghiệp giám đốc điều hành trình độ đại học nhưng chủ yếu trình độ cao đẳng, đại học các chuyên ngành khác. Người ta có thể có năng lực kinh doanh nhưng những kiến thức về máy móc, vận tải thì không biết nhiều, ví dụ như lazăng là gì thì không phải ai cũng biết.

 

Tăng cường lực lượng, tuần tra kiểm soát xe khách giường nằm vẫn là giải pháp chính trong thời gian tới

Tăng cường lực lượng, tuần tra kiểm soát xe khách giường nằm vẫn là giải pháp chính trong thời gian tới

Phó giám đốc Sở GTVT Điện Biên nói nhiều tới quy định bằng cấp, nhưng điều chúng tôi đặt ra ở đây là có sự đối phó, đáp ứng cho có của doanh nghiệp, doanh nghiệp làm tốt cũng như chưa tốt vậy, Sở GTVT Điện Biên giải thích tình trạng này như thế nào? Sở đã phát hiện và xử phạt được trường hợp doanh nghiệp nào không đáp ứng được điều kiện kinh doanh chưa?

Ông Tống Duy Kim, Phó Giám đốc Sở GTVT Điện Biên: Về vấn đề này chúng ta lại quay trở lại quy mô doanh nghiệp, với doanh nghiệp chỉ có 3-5 xe rất khó bố trí người phụ trách bộ phận an toàn giao thông thực sự hoạt động.

Còn doanh nghiệp 100 xe như của anh Mạnh (Công ty CP ô tô Điện Biên) có thể bố trí 2 kíp làm việc hoạt động 24/24h, kiểm tra hoạt động của xe suốt ngày đêm. Những đơn vị như vậy, họ giám sát nhắc nhở lái xe liên tục thì hầu như không có vi phạm, không có tai nạn.

Nhưng với doanh nghiệp nhỏ hơn thì rất khó bố trí được nguồn lực như vậy.

XE CHẠY BAN ĐÊM NHƯNG TỔ AN TOÀN, GIÁM SÁT THIẾT BỊ HÀNH TRÌNH CHỈ LÀM... NGÀY

Xin hỏi ông Tống Duy Kim, ông biết doanh nghiệp quy mô nhỏ chỉ làm hình thức, đối phó, sao không xử lý, sao không tăng cường kiểm tra, qua nhiều vi phạm sẽ rút giấy phép kinh doanh chẳng hạn?

Ông Tống Duy Kim, Phó Giám đốc Sở GTVT Điện Biên:

Khi chúng tôi đến kiểm tra, trên sổ sách cho thấy doanh nghiệp ghi chép sổ sách rất đầy đủ. Xe hoạt động như thế nào, sửa chữa ra sao.

Còn đối với lỗi bộ phận phụ trách an toàn không theo dõi sát hoạt động của xe thì ta quy định chưa nặng, chưa thể rút phép. Chỉ có thể tăng cường tần suất kiểm tra, nhắc nhở doanh nghiệp chú trọng vấn đề đảm bảo an toàn, sử dụng các thiết bị giám sát hành trình.

Cũng chưa có quy định phải giám sát hành trình của xe 24/24 giờ. Kể cả với xe khách giường nằm chạy ban đêm. Đây là một bất cập, đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu xem xét bổ sung. (Đây cũng là đề xuất của ông Nguyễn Quốc Mạnh - Giám đốc Công ty CP ô tô Điện Biên).

Trước đây quản lý vận tải có thời gian quy định xe tư nhân không được chạy liên tỉnh. Giải quyết vấn đề này, về sau chúng tôi thành lập mấy HTX, 2 - 3 doanh nghiệp có dăm ba xe liên kết lại. Theo tôi đây cũng là một phương án để thực hiện điều chỉnh, giải quyết cả nhu cầu xã hội và bộ phận an toàn giao thông sẽ duy trì được hoạt động thực chất.

Vấn đề là quy mô doanh nghiệp, đề nghị Bộ quy định quy mô doanh nghiệp, để những đơn vị nhỏ, lẻ không đủ điều kiện kinh doanh vận tải phải hợp nhất, phải có phương án phát triển, chuyên nghiệp lên. 

Xung quanh những kiến nghị của ông Nguyễn Quốc Mạnh và ông Tống Duy Kim về quy định điều kiện kinh doanh vận tải, ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cũng cho rằng: Đa số các đơn vị có quy mô trung bình trở lên (20 xe trở lên) thực hiện khá tốt các quy định về điều kiện kinh doanh hoạt động vận tải, còn các doanh nghiệp nhỏ chưa thực hiện tốt.

Năm 2013, Bộ GTVT đã mở đợt kiểm tra quy mô trên toàn quốc để chấn chỉnh điêu kiện hoạt động kinh doanh vận tải. Chúng tôi nghĩ rằng, trách nhiệm của các Sở GTVT phải thường xuyên kiểm tra từ khi cấp hồ sơ đăng ký kinh doanh lẫn kiểm tra định kỳ, để đôn đốc công tác này.

Với công tác đảm bảo ATGT, phải được các đơn vị kinh doanh vận tải coi như vấn đề sống còn của đơn vị, trở thành hoạt động tự giác thì mới đi vào bền vững được. Nhưng thực tế, nhiều đơn vị vẫn chưa thấy hết tầm quan trọng của công tác này, chỉ mới thực hiện mang tính hình thức. Như vậy, cơ quan chức năng cần tăng cường thanh kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh để hoạt động kinh doanh vận tải hành khách dần đi vào trật tự. Việc quy định quy mô doanh nghiệp, chúng tôi cũng đang cân nhắc.

Thưa ông Nguyễn Văn Quyền, nếu chúng ta có quy định chốt trực thiết bị GSHT 24/24h, chúng ta có thể tăng cường kiểm tra, phát hiện DN vận tải vi phạm nhiều lần, từ đó để rút giấy phép kinh doanh vận tải của DN yếu kém không đảm bảo an toàn, liệu có thực hiện được việc đó không?

Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN: Hiện chúng ta chưa có quy định nào bắt buộc đơn vị kinh doanh vận tải trực tuyến 24/24h để theo dõi thiết bị GSHT. Vấn đề đưa ra quy định bắt DN trực thiết bị GSHT 24/24h có cần thiết hay không, có cần thiết thì ở mức độ nào, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, như xe chạy lộ trình ngắn không cần thiết, nhưng lộ trình dài thì lại cần thiết.

Có ý kiến cho rằng “khi đào tạo GPLX cần tính đến số km lái xe an toàn đã tích lũy và đào tạo GPLX theo kích thước xe chứ không nên theo số ghế ngồi”, xin ông Nguyễn Văn Quyền cho biết, đề xuất đó có phù hợp với quy định hiện tại?

Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN

Ông Nguyễn Văn Quyền
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN

Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN: Quy định hiện hành là đào tạo lái xe theo nâng hạng, từ loại B lên C, D, E… Khi đào tạo chúng ta có quy định phải có thâm niên lái xe mới đào tạo nâng hạng. Cũng có ý kiến cho rằng quy định điều kiện thâm niên này chưa phù hợp, cần quy định số km lái xe an toàn.

Thực ra trước đây chúng ta đã thực hiện quy định này ở những công ty quốc doanh, HTX Nhà nước. Tuy nhiên, sau này, chúng ta thấy việc xác nhận số km lái xe an toàn rất hình thức, không thể kiểm chứng nên Luật Giao thông Đường bộ 2008 quy định chỉ quản lý về thời gian thể hiện trên GPLX.

Về đào tạo, khi lái xe khách giường nằm số giường ít nhưng kích thước xe lớn, chúng ta đã quy định lái xe giường nằm phải căn cứ theo kích thước xe để bố trí lái xe chứ không thể căn cứ số chỗ ngồi, chỗ đứng.

Về quy định điều kiện DN kinh doanh vận tải khách giường nằm, chúng tôi đang nghiên cứu và quy mô doanh nghiệp như thế nào, cần bao nhiêu xe, chúng tôi sẽ sớm đưa ra quy định phù hợp.

DOANH NGHIỆP VẬN TẢI KHÔNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN THÌ DỨT KHOÁT ĐỀ NGHỊ PHẢI CHUYỂN SANG LĨNH VỰC KHÁC, KHÔNG ĐỂ TỐT XẤU NHƯ NHAU

Với câu trả lời trên, là một doanh nghiệp vận tải, Giám đốc Công ty CP ô tô Điện Biên có thấy thỏa mãn không?

Ông Nguyễn Quốc Mạnh: Chủ tịch HĐQT Công ty CP vận tải ô tô Điện Biên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Điện Biên:  Tại đây, chúng ta đang bàn đến xe giường nằm.

Những điều kiện như trên tôi đề xuất, tôi cho rằng nếu doanh nghiệp không duy trì được điều đó thì không hy vọng có an toàn. Nếu không đủ điều kiện thì phải kiên quyết xử lý. Nếu không quy định giám sát hành trình 24/24h thì doanh nghiệp đối phó, đoàn kiểm tra đến trình ra nhật ký ghi lại hết từ thiết bị. Hoàn toàn có thể qua mặt quản lý, nhưng không có người theo dõi, giám sát kịp thời, nhắc nhở ngay khi vi phạm thì chắc chắn sẽ có chuyện xe rơi xuống vực rồi chúng ta mới chạy tới để xử lý. Như vậy thì chả còn ý nghĩa ngăn chặn được gì.

Quan điểm của tôi là nếu không đủ điều kiện chạy xe giường nằm thì nhất định phải chuyển qua loại hình khác, tuyến đường khác hoặc làm việc khác cho phù hợp. Không để những xe, những doanh nghiệp quản lý yếu kém gây tổn hại cho xã hội và cho các doanh nghiệp khác.

Một vụ xe khách giường nằm mất lái lao xuống sông tại đoạn cua khu vực cầu Minh An, thôn Khe Bịt, xã Minh An, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái

Một vụ xe khách giường nằm mất lái lao xuống sông tại đoạn cua khu vực cầu Minh An, thôn Khe Bịt, xã Minh An, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái

Tôi xin nói thêm, về lái xe, tích lũy km an toàn là thông số rất quan trọng. Nếu không, dù có bằng lái đi nữa nhưng không tích lũy km an toàn thì không thể có kinh nghiệm, không thể đảm bảo an toàn, nhất là đối với xe giường nằm.

XE GIƯỜNG NẰM ĐI ĐƯỜNG ĐÈO DỐC PHẢI LÀ XE MỚI

Nếu chúng ta có bộ phận giám sát hành trình sát sao có giảm được việc xe khách chạy sai luồng tuyến hay không? Việc cấp phép cho chạy đến thành phố nhưng xe lại chạy đến Sa Pa có sai hay không, nếu việc giám sát hành trình được thực hiện tốt thì có quản lý được không?

Ông Nguyễn Văn Thạo - Phó Sở GTVT Lào Cai

Ông Nguyễn Văn Thạo
Phó Sở GTVT Lào Cai

Ông Nguyễn Văn Thạo - Phó Giám đốc Sở GTVT Lào Cai: Vận tải khách bằng xe giường nằm lên Sa Pa có 91 xe đăng ký hoạt động, kể cả huyện vùng cao Bắc Hà hoặc các huyện vùng cao khác nhu cầu xe khách giường nằm về Hà Nội hoặc Quảng Ninh, Hải Phòng là rất lớn.

Sau vụ tai nạn ngày 1/9 vừa qua, chúng tôi cũng có trao đổi, việc quản lý Nhà nước theo dõi hoạt động, hành trình của xe và cảnh báo cho họ thì Sở GTVT không theo dõi trực tiếp được vì chi nhánh của doanh nghiệp đặt ở Hà Nội. Còn việc quản lý cấp giấy phép do Sở GTVT Hà Nội cấp.

Việc chạy sai tuyến thì tất cả các ngành đã được khẳng định. Còn việc tuần tra kiểm soát trên đường, về quản lý Nhà nước khi đã vào địa phận của tỉnh thì có một phần trách nhiệm của Lào Cai. Tuy nhiên, theo dõi bằng giám sát hành trình thì không thuộc chức năng của Sở GTVT Lào Cai.

Lào Cai có 2 cao nguyên, nhu cầu đi lại là rất lớn. Các quy định của Bộ GTVT đầy đủ, sự chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên trong thực tiễn đôi khi có những vấn đề chúng ta chưa kiểm soát được hết.

Hiện nay, một số doanh nghiệp sử dụng xe cũ. Ví dụ, chạy Đà Nẵng lâu rồi, lại rút về chạy ở Lào Cai, việc này chúng tôi không đồng ý. Lào Cai không phải là nơi chứa xe thải loại. Vì vậy tôi đề xuất với Thứ trưởng đối với các xe cần kiểm soát kỹ. Hay với những xe cải tạo thành gường nằm, cần kiểm soát và có những quy định chặt chẽ.

Báo cáo Thứ trưởng, có một số nội dung liên quan đến người lái xe, các quy định đã rất rõ ràng, nhưng trên thực tế lại có hiện tượng lái xe không chấp hành. Ví dụ như lái xe 4 tiếng đồng hồ, nhưng có những lái xe lái suốt 8-10 tiếng.

Gần đây, chúng tôi tiếp nhận một số đề nghị của doanh nghiệp cho xe cũ chạy trên địa bàn tỉnh nhưng chúng tôi chưa đồng ý. Mặc dù doanh nghiệp có danh sách đầy đủ, phương án hoạt động đảm bảo để cấp phép. Vì vậy chúng tôi đề nghị có những chỉ đạo kịp thời để có hướng xử lý vấn đề này.

Tôi đề xuất, riêng với xe khách giường nằm đi đường đèo dốc phải quy định là xe mới. 

XẾP HÀNG KHÔNG HỢP LÝ VÀO CUA DỄ LẬT XE

Các vị khách mời có ý kiến gì thêm về vấn đề này?

Ông Hoàng Thế Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ ATGT

Ông Hoàng Thế Tùng
Phó Vụ trưởng Vụ ATGT

Ông Hoàng Thế Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ ATGT: Vấn đề siết chặt an toàn với xe giường nằm, như các vị khách mời có nói, tôi rất đồng tình. Vấn đề an toàn kỹ thuật, các tiêu chí an toàn đã được nước ngoài kiểm chứng.

Tuy nhiên vấn đề ở đây là điều kiện tại Việt Nam hoàn toàn khác, trình độ lái xe của ta còn bất cập. Kỹ thuật của xe tốt nhưng cách sử dụng như thế nào? Chưa tốt. Xe giường nằm hầm hàng rất to. Các vụ tai nạn xảy ra thường được kết luận lý do lái xe không làm chủ tốc độ nhưng theo tôi nguyên nhân sâu xa là do xe chở quá tải. Khi xảy ra va chạm tỷ lệ gây hại cho con người rất cao do xe chông chênh, dây đai bảo vệ kém chắc chắn.

Sau vụ tai nạn xảy ra với xe giường nằm tại Lào Cai ngày 1/9, có nhiều người nước ngoài bình luận về sự khác biệt giữa xe giường nằm ở VN và ở bên Tây, trong đó có ví dụ cụ thể, hình ảnh về dây đai không chắc chắn, gây tổn thương cho hành khách. Thêm vào đó là yếu tố chủ quan của lái xe và  cách bố trí hàng hóa trên xe không hợp lý, thiếu cân bằng, thiếu ổn định, khi vào cua hàng hóa xê dịch gây mất trọng tâm dẫn đến lật xe.

Về việc nghiên cứu quản lý xe giường nằm, cần xem xét lộ trình, tuyến hoạt động, điều kiện hoạt động, sửa đổi Thông tư 18 về mô hình doanh nghiệp được chạy xe giường nằm. Giám sát xe giường nằm như thế nào, thiết bị giám sát hành trình sử dụng thế nào, tăng cường giám sát ra sao. Đây là những yếu tố rất quan trọng quyết định việc đi xe giường nằm có thực sự an toàn hay không.

Các khách mời có trao đổi về quản lý lái xe, đây là ý kiến hay. Nay đã có thiết bị GSHT, có thể quản lý lái xe, thêm phần lý lịch lái xe, Nghị định 86 đã yêu cầu điều này. Và khi hồ sơ lý lịch lái xe đã được thể hiện rõ ràng, công khai, không doanh nghiệp nào dại gì mà thuê lái xe ẩu, lý lịch xấu.

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP ô tô Trường Hải nói thêm về Quy chuẩn xe giường nằm: Về hầm hàng: Có nhiều ý kiến cho rằng cần có diện tích lớn nhưng do kết cấu xe, hầm hàng phải có diện tích như thế, tương ứng với kích thước, chiều dài xe. Mặt khác, hành lý là phải quy định để không vượt quá tổng trọng tải. Trọng tải cũng đảm bảo cân bằng xe. Tính độ cân bằng xe phải xét cả hai yếu tố là có trọng tải và không trọng tải.

Xe khách giường nằm thường cồng kềnh cộng thêm việc chở hàng nặng khiến độ an toàn không cao

Hành lý phải được quy định để không vượt quá tổng trọng tải đối với xe giường nằm

Về dây an toàn: Đến giờ này, VN chưa làm được dây an toàn, gần như phải nhập. Về dây an toàn, xe có nhưng ý thức thắt dây an toàn của khách còn kém, thậm chí xe chúng tôi xuất xưởng có dây an toàn nhưng khi sử dụng người dân bảo không thì có thể nhà xe hoặc trong quá trình sử dụng đã bị hỏng,  bị bỏ mà không ai giám sát. Ý thức dùng dây an toàn của khách còn rất kém, tôi để ý ngay cả đi máy bay, vẫn có tình trạng hành khách cự nự tiếp viên khi bị nhắc nhở cài dây an toàn.

Tôi xin nhấn mạnh quan điểm là xe giường nằm và ghế ngồi dài 12m thì cùng tiêu chuẩn, chỉ khác giữa ghế và giường. Nếu cấm xe giường nằm thì phải cấm cả xe ghế ngồi dài 12 m. Nếu xe ghế ngồi mà cũng chạy như xe giường nằm như vừa rồi ở Lào Cai thì liệu có rớt? Nếu không đạt tiêu chuẩn về đường, xe ghế ngồi hay giường nằm đều có thể gặp nguy hiểm như nhau.

Về việc có ý kiến nói các chi tiết trên xe có thể gây thương tích cho khách, tôi xin nói là nhà sản xuất và thị trường đi trước cả quy định, chẳng hạn xe giường nằm không bọc nhựa, da mềm thì chủ xe không mua, khách hàng không đi. 

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, với xe 12m (cả ghế ngồi và giường nằm), cần đưa vào tiêu chuẩn, phải có phanh điện từ, phanh ABS.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh: Đề nghị Bộ siết chặt cả khâu chế tạo lẫn khâu sử dụng.

Ông Trần Bá Dương: Tôi kiến nghị, nếu chất lượng đường không đủ cho xe giường nằm thì đối với xe ghế ngồi cũng thế, phải chuyển sang dùng xe ngắn hơn vì xe 12 m khi quay thì phải tránh những cung đường ngoắt ngoéo.

Về vấn đề quản lý xe khách giường nằm trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết: Chúng tôi đang nghiên cứu theo hướng đề xuất với Bộ GTVT không cho phép xe giường nằm đi trên cấp đường thấp; hoặc những tuyến đường đã cải tạo nâng cấp nhưng có địa hình quanh co, đèo núi dốc, phải có biển hạn chế tốc độ với xe khách giường nằm.

Ở các nước châu Âu và một số nước ở châu Á hiện không sử dụng xe giường nằm, nhưng theo tôi, điều kiện vận tải của VN khác các nước. Ở VN, vận tải đường bộ đang chiếm 84% tổng vận tải, do đó để đảm bảo nhu cầu đi lại tăng rất cao trong thời gian qua chủ yếu vẫn là vận tải đường bộ. Với đặc thù này, với những tuyến từ 500 - 1.000 km, thậm chí 2.000 km thì vận tải đường bộ của chúng ta vẫn rất phổ biến, trong khi ở các nước chỉ quãng đường từ dưới 300 km mới có vận tải đường bộ. Do đó, cần phải xem xét, tính đến thực tế này và nhu cầu đòi hỏi của thị tường khi đưa ra quyết định có nên để xe giường nằm tồn tại hay không.

AN TOÀN, PHỤC VỤ KHÁCH TỐT NHƯNG PHẢI ĐẢM BẢO LỢI ÍCH CHÍNH ĐÁNG CỦA DOANH NGHIỆP

Bà Trịnh Thị Hằng Nga - Vụ trưởng Vụ Pháp chế

Bà Trịnh Thị Hằng Nga
Vụ trưởng Vụ Pháp chế

Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GTVT:

Về vấn đề này, có thể nói Bộ GTVT đã xét toàn diện trên nhiều góc độ: kết cấu hạ tầng, tiêu chuẩn an toàn phương tiện, người điều khiển phương tiện, quản lý vận tải... Bộ đã tổ chức nhiều cuộc họp giao nhiệm vụ cho Tổng cục Đường bộ VN rà soát các cung đường nguy hiểm, đề xuất điều chỉnh hạn chế. Cục Đăng kiểm VN rà soát, thử nghiệm lại xe khách giường nằm và phải có báo cáo trong tháng 9.

Trên cơ sở đó, Vụ Pháp chế sẽ xem xét đề xuất Bộ trưởng sửa Quy chuẩn 09 (quy chuẩn cho ô tô nói chung chứ không riêng xe khách giường nằm). Tuy nhiên thời gian gần đây nóng vấn đề xe khách giường nằm nên cần sửa đổi quy chuẩn này để tăng quy chuẩn an toàn cho xe ô tô nói chung và xe giường nằm nói riêng.

Song song với triển khai Nghị định 86 và Thông tư 18 tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt quy trình đào tạo với người điều khiển phương tiện, đảm bảo chất lượng lái xe cả về kỹ thuật nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp. Bảo đảm an toàn giao thông vẫn là ưu tiên số 1 nhưng Bộ GTVT cũng luôn quan tâm đến lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, phục vụ hành khách tốt nhưng không gây ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Chúng tôi sẽ sửa đổi theo hướng có lợi cho cả 2 đối tượng trên, chứ không phải nói cấm là cấm. Đề nghị quý vị chia sẻ với cơ quan quản lý Nhà nước trong vấn đề này.

Liên quan đến tải trọng xe khách, nhiều ý kiến cho rằng, đây cũng là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tai nạn. Tuy nhiên, lại chưa được điều tra kỹ lưỡng. Xe xếp hàng quá mức, hoặc xếp lệch trọng tâm có thể gây tai nạn khi lái xe vào khúc cua, đề nghị các khách mời trao đổi thêm về vấn đề này:

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Tôi rất băn khoăn về khoang xếp hàng của xe khách. Nếu xếp hàng hóa không chuẩn sẽ liên quan đến an toàn của xe. Nếu để rỗng nhiều quá là cơ hội để nhồi nhét hàng hóa. Vì thế nhà sản xuất, chế tạo cần lưu ý, nếu khoang rỗng lớn quá, sẽ nhồi hàng vào đó. Tôi biết có xe khách còn đi chở gỗ, chở cả cả bình ga, thậm chí chở cả đến 10 bình ga, rồi xe khách chở cả máy nổ… Vì thế xe khách chở hàng hóa nếu không kiểm soát được sẽ nguy hiểm vô cùng. Tới đây, không chỉ với xe tải, phải tập trung kiểm tra cả tải trọng đối với xe khách.

Ông Hoàng Thế Tùng - Vụ Phó Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT:

Tôi cho rằng cần có quy định rõ ràng về tải trọng cũng như cách xếp hàng trên xe khách. Vừa qua, khi tai nạn xảy ra, các lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường thì hàng hoá đã bị tung ra ngoài, mất mát, không còn nguyên trạng nên rất khó đánh giá có nguyên nhân liên quan trực tiếp tới tai nạn hay không? Nhưng theo chủ quan, tôi tin rằng, việc sắp xếp hàng hoá, chất hàng quá tải gắn liền tới những vụ tai nạn khi xe vào cua, trên các đoạn đèo dốc. Nếu hàng hoá xô lệch đột ngột có thể khiến xe mất trọng tâm, lái xe không xử lý kịp sẽ dẫn tới tai nạn.

Ông Đỗ Nga Việt, Chủ tịch Công đoàn GTVT VN, nguyên Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Công nghiệp ô tô VN: Những vấn đề vừa rồi chúng ta đặt ra thể hiện quan điểm rất quyết liệt của Bộ GTVT để giải quyết theo tinh thần những gì tốt nhất cho nhân dân, cho doanh nghiệp. 

ông Nga Việt.JPG

Ông Đỗ Nga Việt

Tựu chung lại vấn đề quản lý hoạt động vận tải đường bộ ô tô, thứ nhất lái xe, thứ 2 ô tô, thứ 3 là hạ tầng. Trong quản lý người lái, phương tiện thì có cả vấn đề của doanh nghiệp bởi muốn giữ gìn sức khỏe người lái, phương tiện thì sẽ kéo theo nhiều vấn đề khác.

Tôi xin có ý kiến về vấn đề cần quy định sớm những tuyến đường nào thì dành cho xe nào. Ví dụ như hôm trước tôi đi trên một xe 45 chỗ lên đèo, cứ có xe ngược chiều thì các xe khác phải dừng lại, xếp hàng chờ đến lượt thoát khỏi đoạn đường hiểm trở. Tôi cho rằng, điều kiện hạ tầng mà không đảm bảo thì dứt khoát không thể cho xe chạy.

Tôi thấy rõ quan niệm của lãnh đạo Bộ là vấn đề kỹ thuật sẽ để cho các doanh nghiệp kỹ thuật tham gia khẳng định một cách chuẩn xác, bên cạnh đó chúng ta làm chính sách phải đảm bảo lợi ích cho người dân và xã hội.

Đặc biệt, chúng ta phải quan tâm tới việc xếp hàng lên xe khách giường nằm như thế nào để an toàn. Các nhà sản xuất và quản lý cần lưu ý xử lý được tình trạng hiện nay là trong quá trình vận hành, có rất nhiều nhà xe cho rằng nhét được bao nhiêu hàng thì tốt bấy nhiêu, rất nguy hiểm. Chưa kể, nếu hàng hoá đặt lệch tâm có thể gây lật xe khi xe vào cua. Vì vậy khi chúng ta cần khảo sát đánh giá các vấn đề về kỹ thuật xếp hàng.

Ở Mỹ, đối với xe càng chở nhiều người thì tiêu chuẩn về xe, về lái càng cao, giá càng đắt. Giai đoạn trước chúng ta để vận tải phát triển thái quá, toàn dân làm được vận tải. Giờ đây, cần phải siết chặt điều kiện kinh doanh điều kiện vận tải, như thế mới giảm được tai nạn.

 

 

Nguồn: giaothongvantai.com.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)