Ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, thực hiện chính sách miễn phí sử dụng xe buýt cho người cao tuổi và hộ nghèo theo Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của HĐND thành phố Hà Nội, từ cuối năm 2019 và nửa đầu năm 2020, trên 330.000 thẻ miễn phí đã được cấp, tương ứng với 330.000 người không sử dụng vé tháng và vé lượt hằng ngày.
Mạng lưới xe buýt Thủ đô ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.
Với chính sách này, các đối tượng sử dụng thẻ miễn phí đã tăng trên 82 lần. Tuy nhiên, số lượng vé tháng Quý IV/2019 cũng bị giảm gần 15% và doanh thu cũng giảm trên 10%.
Bên cạnh đó, trong đại dịch Covid-19 đầu năm 2020, hệ thống xe buýt Hà Nội phải điều chỉnh giảm dịch vụ và ngừng hoạt động hơn 1 tháng, khiến sản lượng và doanh thu 6 tháng đầu năm giảm tương ứng là hơn 29% và hơn 42%.
Việc sụt giảm hành khách và doanh thu đang tạo nên áp lực tài chính đối với ngân sách, nhưng UBND thành phố và Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã kịp thời nắm bắt, chỉ đạo thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm duy trì hoạt động ổn định của mạng lưới.
Cụ thể, Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm thực hiện ký hợp đồng, tạm ứng, thanh toán nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định đối với các doanh nghiệp vận tải. Đến nay, 104 tuyến buýt trợ giá đã được ký hợp đồng, tạm ứng, thanh toán đúng thời gian và giá trị theo hợp đồng đã ký kết.
Đối với các tuyến đấu thầu, sau khi ký hợp đồng, các doanh nghiệp đã được tạm ứng 30% giá trị hợp đồng năm, sau nghiệm thu hằng quý, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục được thanh toán thêm khoảng 15% giá trị hợp đồng.
Đối với các tuyến đặt hàng, sau khi ký hợp đồng, các doanh nghiệp được tạm ứng 30% giá trị hợp đồng quý, sau khi nghiệm thu hằng tháng và quý, các đơn vị tiếp tục được thanh toán thêm tối đa 80% giá trị hợp đồng…