Các địa phương sẵn sàng ứng phó với bão số 6

Thứ năm, 25/09/2008 08:58
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn, tính đến 19 giờ tối 24-9, bão số 6 đã gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 ở đảo Bạch Long Vĩ; cấp 6, giật cấp 8 ở đảo Cô Tô; cấp 5, giật cấp 7 ở Móng Cái. Ở khu vực đông bắc Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to: đảo Cô Tô 46 mm; Móng Cái: 29 mm; Tiên Yên: 26 mm; Lạng Sơn: 18 mm; Sơn Ðộng: 25 mm...
 Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn, tính đến 19 giờ tối 24-9, bão số 6 đã gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 ở đảo Bạch Long Vĩ; cấp 6, giật cấp 8 ở đảo Cô Tô; cấp 5, giật cấp 7 ở Móng Cái. Ở khu vực đông bắc Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to: đảo Cô Tô 46 mm; Móng Cái: 29 mm; Tiên Yên: 26 mm; Lạng Sơn: 18 mm; Sơn Ðộng: 25 mm...
 
Hồi 19 giờ ngày 24-9, vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 22,0 độ vĩ bắc; 108,0 độ kinh đông, trên đất liền phía nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cách Móng Cái khoảng 60 km về phía bắc.
 
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km/giờ), giật trên cấp 9. Dự báo bão số 6 di chuyển chủ yếu theo hướng tây mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh thuộc khu đông bắc Bắc Bộ, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Ðến 7 giờ ngày 25-9 vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,1 độ vĩ bắc; 105,9 độ kinh đông, trên khu vực vùng núi phía bắc Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km/giờ), giật trên cấp 6.
 
Trong 12 đến 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Ðến 19 giờ ngày 25-9 vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,0 độ vĩ bắc; 104,1 độ kinh đông, trên khu vực phía tây bắc Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km/giờ).
 
Do ảnh hưởng của bão, đêm 24-9, vùng biển bắc Vịnh Bắc Bộ còn có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật trên cấp 8. Biển động mạnh. Khu đông bắc Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7. Ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to; riêng vùng núi có mưa to đến rất to. Cần chủ động đề phòng lũ lớn trên các sông suối, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở các vùng trũng.
 
Chuẩn bị đủ cơ số thuốc dự trữ cung cấp cho các vùng bị ảnh hưởng
 
Ngày 24-9, chỉ đạo cuộc họp với Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư và các bộ, ban, ngành bàn giải pháp đối phó bão số 6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhận định: Ðây là cơn bão mạnh, mức độ nguy hiểm cao, vì vậy cần nhanh chóng di dời người dân tại các vùng nguy hiểm trước 18 giờ ngày 24-9; nghiêm cấm các tàu đánh cá ra khơi. Tiếp tục rà soát, kêu gọi  tàu, thuyền đánh cá đang hoạt động trên biển, các tàu du lịch hoạt động trên vịnh Bắc Bộ về nơi trú ẩn an toàn, hướng dẫn việc neo đậu; đồng thời di chuyển các lồng bè nuôi trồng thủy sản,  bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Trên đất liền, kiểm tra, rà soát và tổ chức sơ tán dân ở những nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và phải hoàn thành trước 18 giờ ngày 24-9. Bộ Giáo dục - Ðào tạo và các tỉnh, thành phố căn cứ diễn biến mưa bão bố trí học sinh nghỉ học để  bảo đảm an toàn tính mạng cho học sinh. Các bộ, ngành: Công thương, Y tế, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các phương án bảo đảm cung cấp đủ các nhu yếu phẩm cần thiết, tránh tăng giá các mặt hàng thiết yếu; chuẩn bị đủ cơ số thuốc dự trữ để cung cấp cho các vùng bị ảnh hưởng của mưa bão; bảo đảm giao thông và an toàn các hồ chứa, tiêu thoát nước tránh ngập úng. Hồi 8 giờ 30 phút ngày 24-9, Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư có Công điện khẩn số 47/CÐ-T.Ư điện Chủ tịch UBND các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, yêu cầu: Tiếp tục thực hiện các công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư; Chỉ đạo việc sơ tán dân ra khỏi vùng trũng, thấp ven biển, ven sông suối và khu vực có nguy cơ sạt lở đất xong trước 18 giờ ngày 24-9; Báo cáo kết quả triển khai các nội dung trên về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư. 7.005 tàu, thuyền với 38.107 ngư dân đã được Bộ đội Biên phòng các tỉnh phối hợp chính quyền địa phương, gia đình các chủ tàu thông báo diễn biến, hướng đi của bão số 6 để chủ động phòng tránh. Tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, giữa và bắc Biển Ðông hiện có 207 tàu (1.778 ngư dân) đang hoạt động, trong đó Ðà Nẵng 184 tàu (1.504 ngư dân), Quảng Ngãi 23 tàu (274 ngư dân).
 
Bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống
 
Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN, Quân chủng Hải quân đã bố trí các tàu thường trực tại các khu vực trọng điểm từ Quảng Ninh đến Ðà Nẵng sẵn sàng làm nhiệm vụ. Các Quân khu 1, 2, 3, 4 đã kiểm tra vị trí các bãi đỗ máy bay trực thăng. Ðặc biệt, các đơn vị trực thuộc Quân khu 2, Quân khu 3 đã triển khai phương án đối phó với bão số 6 khi có tình huống xấu xảy ra. Tại các tỉnh miền núi phía bắc, các địa phương đã phân công cán bộ giúp địa phương sơ tán dân ra khỏi khu vực ven sông, suối, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, nơi ở sơ tán dân đến nơi an toàn.
 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo các địa phương triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho các hồ chứa, chuẩn bị phương án sơ tán dân vùng hạ du đập khi tình huống xấu xảy ra. Bộ Công an cũng yêu cầu Giám đốc Công an các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang và Tuyên Quang rà soát kế hoạch đối phó với bão, lũ; sơ tán dân ra khỏi vùng có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn. Ðể chủ động phòng, chống bão số 6, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo nông dân thu hoạch nhanh lúa mùa, theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng'' nhằm hạn chế thiệt hại. Tỉnh cũng chỉ đạo các trạm bơm trên địa bàn sẵn sàng bơm nước tiêu úng cho lúa để bảo vệ cây trồng cho nông dân. Ðến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 3.000 ha lúa mùa.
 
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam chỉ đạo các công ty thành viên kiểm tra và triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho khai thác hầm lò và lộ thiên; nghiêm cấm công nhân không đi qua các khe suối khi có lũ về; tổ chức tuần tra không cho dân nhặt than trôi trong các khai trường của mỏ khi có lũ. Chủ động khơi thông hệ thống cống rãnh từ các hầm lò xuống các cống qua quốc lộ 18A để tránh gây ngập lụt cho các khu dân cư. Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành lệnh cấm tàu, thuyền ra khơi, thông báo và gọi tàu, thuyền đang hoạt động ngoài khơi về nơi trú ẩn kể cả những tàu, thuyền nhỏ của ngư dân đang khai thác ven bờ. Theo Cảng tàu du lịch Bãi Cháy (Quảng Ninh), từ 6 giờ ngày 24-9, Cảng tạm dừng cấp phép 400 tàu đưa khách đi thăm Vịnh Hạ Long vì điều kiện thời tiết xấu. Toàn bộ khách du lịch đang lưu trú ở các du thuyền trên Vịnh cũng như các tàu đưa khách đi thăm Vịnh đã cập bờ và về nơi trú ẩn an toàn. Hiện nay, hàng nghìn tàu nhỏ khai thác ven bờ của ngư dân đã được chằng chống cẩn thận tại nơi neo đậu. Giữ an toàn các hồ chứa, tiêu thoát nước tránh ngập úng Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Hải Dương đã có Công điện số 20 yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố: Khẩn trương thu hoạch lúa mùa sớm đã chín. Các công ty thủy lợi chủ động gạn tháo, hạ thấp mực nước trong các sông trục, sẵn sàng chống úng. Công ty Ðiện lực tỉnh ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm để tiêu úng. Ðến nay, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch hơn 200 ha lúa mùa. Ban Chỉ huy PCLB TP Hải Phòng đã huy động lực lượng, vật tư củng cố các tuyến đê xung yếu; huy động 209 ô-tô các loại, 18 tàu xuồng, 8.000 bao tải và nhiều vật tư khác tại các điểm xung yếu, sẵn sàng đối phó tình huống xấu.
 
Tỉnh Lào Cai chỉ đạo các địa phương cử cán bộ đi kiểm tra, rà soát di dời hàng trăm hộ dân sinh sống dọc sông Hồng, sông Chảy và các khe suối có nguy cơ xảy ra lũ quét; các hộ dân sống sau các hồ chứa nước như Xuân Giao, Bản Sen. Ở các thôn, xã đã xảy ra lũ quét hồi đầu tháng 8 vừa qua cần đề phòng "lũ kép".  Ngành giao thông vận tải cắm biển báo tại những ngầm có nguy cơ ngập úng và các tuyến đường giao thông có nguy cơ trượt sụt, lở đất thuộc các huyện vùng cao, các xã vùng sâu, vùng xa. Chuẩn bị rọ đá, phương tiện ứng cứu, bảo đảm giao thông thông suốt.
 
Tỉnh Yên Bái đang tổ chức kiểm tra, rà soát, chuẩn bị sơ tán dân ở khu vực ven sông suối, vùng thấp, vùng trũng, khu vực có nguy cơ sạt lở, hạ lưu hồ chứa nước. Bố trí lực lượng cảnh giới tại các bến đò, đường tràn, những đoạn đường giao thông dễ bị ngập để hướng dẫn giao thông, cấm người và phương tiện qua lại  khu vực sông chảy xiết. Sở Giao thông vận tải tỉnh đã chuyển các máy ủi, máy xúc tới các điểm đường xung yếu trên các tuyến quốc lộ 32, 37, 70 và các tỉnh lộ để sẵn sàng thông đường khi có sạt lở.
 
Từ sáng 24-9, tỉnh Lạng Sơn đã có mưa vừa, mưa to. UBND tỉnh đã có công điện khẩn chỉ đạo người dân giằng néo nhà, sẵn sàng sơ tán  khi có lệnh; Ban Chỉ đạo PCLB tỉnh đã tổ chức các đoàn kiểm tra đến các huyện Bắc Sơn, Bình Gia và Văn Quan, kiểm tra các hồ chứa nước. Huy động bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Tỉnh quyết định hoãn lại Ngày hội văn hóa các dân tộc, tổ chức tại huyện Bắc Sơn, nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Khởi nghĩa Bắc Sơn.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo nhân dân thu hoạch lúa, hoa màu đã chín; rà soát, sẵn sàng sơ tán dân ở những vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, ngập úng, sạt lở đất. Kiểm tra hồ chứa, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng đối phó tình huống xấu...
 
Tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cơ quan chức năng huy động lực lượng, phương tiện phòng, chống bão số 6, hoãn các cuộc họp chưa thật cần thiết. Ðến nay, phần lớn các nhà cấp bốn, nhà tạm còn lại trên địa bàn đã được chằng chống. Cảnh báo lở đất, lũ quét đến từng gia đình tại các xã miền núi. 8/8 hồ đập và 12 trạm bơm lớn trên địa bàn đều được kiểm tra lại hệ thống van, cánh cửa cống, đập tràn để sẵn sàng xả nước. Chuẩn bị lực lượng tại các tuyến quốc lộ 23C, 2B, tỉnh lộ 305, sẵn sàng giải tỏa khi lở đất.
 
Tỉnh Lai Châu đang triển khai việc kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư ở gần các cửa sông suối, khe núi dễ bị sạt lở, úng ngập, sẵn sàng di dời khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức tạm dừng việc khai thác khoáng sản, đặc biệt là khu vực dọc sông Ðà, sông Nậm Na; hạn chế vận chuyển hành khách bằng đường thủy. Kiểm tra kho tàng, hồ chứa nước, lên phương án di dời người dân, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng cứu tại các khu vực dễ xảy ra sạt lở đất, úng ngập. Theo nhận định của  Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, bão số 6 không những gây mưa to cho khu vực Bắc Bộ,  Bắc Trung Bộ mà có khả năng sẽ gây mưa cho cả các tỉnh phía nam và khu vực Tây Nguyên. Tại TP Hồ Chí Minh, đang là đỉnh của đợt triều cường nên địa phương cần hết sức chú ý khả năng ngập nặng xảy ra.
Theo N.D

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)