Trước tình hình thiên tai, mưa lũ, bão lụt và nước biển dâng trong năm 2009 được dự báo là sẽ dữ dội hơn nhiều năm trước, chiều qua (19-3), tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong cả nước để chỉ đạo những giải pháp quan trọng nhằm giúp các địa phương chủ động ứng phó với lụt bão năm 2009, giảm thiểu tới mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.
Trước tình hình thiên tai, mưa lũ, bão lụt và nước biển dâng trong năm 2009 được dự báo là sẽ dữ dội hơn nhiều năm trước, chiều qua (19-3), tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong cả nước để chỉ đạo những giải pháp quan trọng nhằm giúp các địa phương chủ động ứng phó với lụt bão năm 2009, giảm thiểu tới mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.
Thời tiết năm 2009 dữ dội hơn năm 2008
Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong năm 2008, ở nước ta đã xảy ra 5 “kỷ lục” về thời tiết, là: rét đậm kéo dài lịch sử vào tháng 2 và 3-2008; ba đợt mưa lũ đặc biệt, gây thiệt hại nhiều người và tài sản ở Tây Bắc bộ vào tháng 8-2008; bão số 6 vào tháng 9-2008; trận mưa lịch sử ở Hà Nội và miền Bắc vào tháng 10-2008; triều cường cao kỷ lục ở TPHCM.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Đào Xuân Học, cả năm 2008, tổng thiệt hại do bão, lũ, mưa lớn, triều cường gây ra trong cả nước lên tới 13.301 tỷ đồng - cao hơn nhiều so với năm trước đó, làm 473 người bị chết, 64 người mất tích, 4.181 ngôi nhà sập, đổ, trôi, 338.503 nhà bị hư hỏng, 473.403ha lúa và hoa màu thiệt hại. Tính ra, mỗi năm mức thiệt hại do thiên tai bằng khoảng 1%-2% của GDP.
Tuy vậy, theo nhận định của ông Bùi Minh Tăng thì trong năm 2009, nước ta sẽ còn phải đối mặt với tình hình thiên tai, lụt bão dữ dội
hơn nhiều. Trong đó, bão và áp thấp nhiệt đới sẽ được hình thành ngay trên khu vực biển Đông và đi thẳng vào đất liền với số lượng nhiều hơn năm 2008 và nhiều hơn khoảng 5-6 cơn so với trung bình nhiều năm, thời gian xuất hiện cũng sớm hơn. Theo đó, có thể ngay từ tháng 4 sắp tới đã có bão ở biển Đông.
Cùng với sự gia tăng các cơn bão, nền nhiệt độ nói chung cũng tăng lên. Trong đó, 3 khu vực là: Đông Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ sẽ có nhiệt độ cao hơn nhiều năm. Đặc biệt, vào nửa đầu mùa hè 2009, có khả năng xảy ra nhiều đợt nắng nóng gay gắt, oi bức và kéo dài hơn so với mùa hè năm 2008.
Sau kỳ nắng nóng là đến mùa mưa sẽ diễn biến phức tạp hơn, có thể diễn ra trên diện rộng, với những đợt mưa khó lường. Ở Nam bộ, vào tháng 10 và 11 năm nay sẽ có đỉnh lũ cao hơn năm 2008.
Chủ động đón thiên tai khắc nghiệt
Từ dự báo trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát lo ngại rằng, nếu mưa bão lớn hơn, nhiều và sớm hơn thì khả năng lũ quét cũng sẽ nhiều và khốc liệt hơn. Trong khi đó, hầu như các địa phương đều cho rằng, công tác PCLB ở các địa phương còn lơ là, một bộ phận người dân còn chủ quan, nhiều khi bão đến phải tổ chức cưỡng chế mới sơ tán. Còn trên biển, việc quản lý tàu thuyền rất khó khăn, nhiều địa phương không nắm rõ lượng tàu thuyền ra khơi, hoạt động ra sao, ở vùng nào.
Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu trong năm 2009, tất cả các địa phương phải chủ động trong công tác PCLB để giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT kiểm tra, bảo đảm dự trữ quốc gia về lương thực và thuốc men cũng như các loại vật tư để hỗ trợ kịp thời cho người dân sau khi bão lũ xảy ra, không để hộ dân nào bị đói sau bão, lũ... Phải ưu tiên vốn để đầu tư xây dựng các khu neo đậu tàu thuyền mỗi khi có bão đồng thời với việc nâng cấp và xem xét lại hoạt động của các hồ chứa mỗi khi xả lũ để tránh tình trạng lũ chồng lên lũ như ở Nam bộ.
Bên cạnh đó, các bộ cũng cần ưu tiên vốn cho đóng tàu cứu nạn để tiến tới trang bị cho mỗi địa phương một tàu cứu nạn, tránh tình trạng khi sự cố xảy ra trên biển thì phải huy động tàu của trung ương hoặc nơi khác, vừa mất thời gian lại không hiệu quả.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đánh giá, hiện nay chúng ta mới chỉ quen và có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với các cơn bão còn khi ứng phó với mưa, lũ lớn thì khá lúng túng, trong khi theo dự báo thì tình hình mưa, lũ ngày càng phức tạp. Do đó, phải đầu tư và đổi mới việc dự báo về thiên tai, thời tiết theo hướng dự báo chính xác, kịp thời để đáp ứng nhu cầu của người dân và phát triển kinh tế - xã hội, nhằm chủ động trong việc phòng chống, khắc phục tình trạng dự báo còn chưa chuẩn xác như năm 2008.
SGGP