Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, mùa mưa lũ năm nay ở tỉnh ta có khả năng sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, có thể gây thiệt hại đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Trước tình hình trên, ngày 9.6, UBND tỉnh đã triển khai công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) với phương châm: Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả khẩn trương và có hiệu quả.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, mùa mưa lũ năm nay ở tỉnh ta có khả năng sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, có thể gây thiệt hại đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Trước tình hình trên, ngày 9.6, UBND tỉnh đã triển khai công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) với phương châm: Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả khẩn trương và có hiệu quả.
Huyện Phù Cát tổ chức diễn tập cứu hộ cứu nạn trong mùa mưa bão tại xã Cát Thắng
* Nhiều nỗi lo
Theo đánh giá của Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, trong những năm gần đây, diễn biến mưa lũ ở tỉnh ta rất bất thường, gây khó khăn cho công tác chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai. Theo ông Lương Ngọc Lũy, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh: Tình hình thiên tai, lụt bão năm nay diễn biến rất bất thường, số cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông có khả năng ở mức cao so với trung bình nhiều năm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Diễn biến mưa sẽ phức tạp và khó lường, đỉnh lũ trên các sông có khả năng ở mức trung bình nhiều năm và cao hơn báo động III.
Thiên tai lũ lụt có thể xảy ra bất cứ lúc nào, hậu quả để lại là rất khó lường. Điều đáng lo ngại hiện nay là toàn tỉnh hiện có khoảng 49 hồ chứa nước đang bị xuống cấp nghiêm trọng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố. Ước tính, để tu sửa, nâng cấp những hồ chứa nước này phải cần khoản kinh phí hàng trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, số kinh phí trên là quá lớn, nằm ngoài khả năng đầu tư của địa phương. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 145,9 km đê và kè bờ sông cùng với 37 km đê kè ngăn mặn nhưng mới chỉ có 38% trong số đó được xây dựng kiên cố. Đặc biệt, sau mùa mưa lũ năm 2008 và các đợt mưa lũ đầu năm 2009, hàng chục km đê biển, đê sông trên địa bàn tỉnh tiếp tục bị vỡ và sạt lở, song do khó khăn về kinh phí nên chính quyền các địa phương và người dân chỉ khắc phục tạm thời để phục vụ sản xuất.
Đáng lo nhất trong công tác PCLB-TKCN của tỉnh trước mùa mưa lũ năm nay là có 14.687 hộ dân với 58.734 nhân khẩu đang nằm trong vùng thiên tai nguy hiểm, trong đó vùng ven biển có hơn 11.000 hộ với 45.392 nhân khẩu sẽ gặp nguy hiểm nếu xảy ra mưa lũ lớn. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 9.200 tàu thuyền đã sử dụng nhiều năm, máy móc thiết bị lạc hậu, khả năng chịu đựng sự tác động của sóng gió yếu nên rất dễ xảy ra sự cố bất trắc trong mùa mưa lũ này. Vì vậy, công tác PCLB-TKCN cần được đặc biệt quan tâm để bảo vệ tính mạng, tài sản và thành quả lao động của nhà nước, tập thể, các tổ chức kinh tế và của toàn dân, giảm nhẹ đến mức thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra.
* Chủ động đối phó ra sao?
Để chủ động đối phó với thiên tai, bão lụt, vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức triển khai công tác PCLB-TKCN năm 2009. Tại hội nghị này, một số tồn tại trong công tác PCLB-TKCN của năm trước đã được lãnh đạo các cấp, các ngành chức năng nghiêm túc rút kinh nghiệm, đồng thời kiến nghị các giải pháp triển khai PCLB trong mùa mưa lũ đến.
Theo ông Võ Thành Tiên, Giám đốc Sở NN-PTNT, để công tác PCLB-TKCN đạt hiệu quả, cần phải củng cố và kiện toàn Ban chỉ huy PCLB-TKCN từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức tự giác của người dân, nhất là đối với người dân ở các vùng thường bị ngập lụt, vùng bị triều cường, sạt lở đất… Chính quyền các địa phương phải chuẩn bị đầy đủ phương tiện, lực lượng, vật tư, hậu cần sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ PCLB-TKCN theo phương châm 4 tại chỗ. Mặt khác, cần đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi nhằm đảm bảo vượt lũ. Đối với các công trình chưa có điều kiện đầu tư nâng cấp, phải có phương án đề phòng các sự cố có thể xảy ra. Sở NN-PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác PCLB-TKCN trong mùa mưa bão năm nay.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, cho rằng: Các địa phương phải chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết tại chỗ để công tác PCLB-TKCN được thuận lợi và hiệu quả hơn. Lực lượng quân đội luôn sẵn sàng giúp chính quyền và nhân dân các địa phương trong công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão lụt.
Theo ông Lương Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát: Địa phương đã nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm công tác PCLB-TKCN năm 2008 và triển khai nhiệm vụ năm 2009. Ngoài kinh phí Trung ương và tỉnh hỗ trợ, huyện đã trích ngân sách hàng trăm triệu đồng để tu bổ, gia cố các đoạn đê sông bị sạt lở; chuẩn bị phương tiện, vật tư và các điều kiện cần thiết khác nhằm phục vụ công tác PCLB-TKCN. Lãnh đạo các huyện An Nhơn, Tuy Phước, Hoài Nhơn… cũng cho biết đã triển khai công tác PCLB-TKCN năm 2009, đồng thời đề nghị tỉnh hỗ trợ thêm kinh phí, tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện có hiệu quả công tác PCLB-TKCN trong năm nay.
Tại hội nghị, UBND tỉnh đã công bố Quyết định số 907/QĐ-CTUBND tỉnh về việc kiện toàn Ban chỉ huy PCLB-TKCN và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thiện, Trưởng Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành và hội, đoàn thể tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về thiên tai, ý thức tự giác của người dân trong công tác PCLB khi mùa mưa lũ đến. Ban chỉ huy PCLB-TKCN các địa phương cần phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trong điều hành chỉ đạo; tổ chức thực hiện PCLB-TKCN phải chặt chẽ, cụ thể, sát với thực tế.
Trước mắt, cần tập trung củng cố, nâng cấp các công trình đê, hồ chứa nước, công trình giao thông... đảm bảo vượt lũ an toàn. Đối với các hồ chứa nước không đảm bảo an toàn cần có biện pháp gia cố và có giải pháp đề phòng sự cố có thể xảy ra. Các ngành chức năng cần nhanh chóng hoàn thành các điểm tái định cư vùng sạt lở để di dời người dân đến nơi ở mới tốt hơn, an toàn hơn; đồng thời sẵn sàng triển khai các phương án sơ tán dân mỗi khi có lũ bão xảy ra. Đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn... các địa phương phải chủ động dự trữ đủ lương thực, thuốc chữa bệnh cho người dân.
Mặt khác, cần tăng cường công tác quản lý tàu thuyền trên sông, trên biển, củng cố, tăng cường năng lực thông tin cảnh báo, kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn khi có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra. Tháo dỡ các vật cản, nạo vét luồng lạch, bến bãi, khu neo đậu tàu thuyền, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền ra vào tránh, trú bão an toàn. Đồng thời thực hiện tốt các chính sách xã hội, công tác cứu trợ thiên tai và khắc phục hậu quả bão lụt, ổn định đời sống nhân dân sau khi mưa bão xảy ra…
Theo Báo BĐ