Các tỉnh miền núi phía Bắc cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất

Thứ hai, 13/07/2009 08:08
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tuy nhiên bão cũng gây mưa trên diện rộng. Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do bão số 4 gây ra, các tỉnh cần chủ động các biện pháp phòng chống
Bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tuy nhiên bão cũng gây mưa trên diện rộng. Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do bão số 4 gây ra, các tỉnh cần chủ động các biện pháp phòng chống
 
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, tối 12/7, bão số 4 đã đi vào địa phận các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng và suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp.
 
Bão số 4 đã gây ra gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10 trên vùng biển vịnh Bắc Bộ; cấp 6, cấp 7, giật cấp 9 trên vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hải Phòng. Ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to, một số nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa tính đến 19 giờ tối nay phổ biến trong khoảng 30 – 60 mm, một số nơi trên 100 mm như: TP Nam Định 122 mm, TP Phủ Lý 105 mm, TP Ninh Bình 115 mm, TP Thái Bình 110 mm, Chi Nê (Hoà Bình) 112 mm....
 
Hồi 19 giờ ngày 12/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, trên địa phận tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
 
Trong 24 giờ tới, vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển về phía Tây, suy yếu và tan dần. Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Các tỉnh vùng núi đề phòng lũ quét và sạt lở đất.
 
Ngoài ra, trên vùng biển ngoài khơi phía Đông Bắc đảo Luzon (Philippines), một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động. Hồi 19 giờ ngày 12/7, có vị trí ở vào khoảng 20,1 độ vĩ Bắc; 125,6 độ kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15 – 20 km một giờ. Cần chú ý theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới này.
 
Đây là tin cuối cùng về cơn bão số 4. Tình hình mưa lũ sau bão còn diễn biến phức tạp, cần chú ý theo dõi các bản tin mưa lũ tiếp theo.
 
Các địa phương đối phó với bão số 4
 
Để hạn chế những ảnh hưởng của bão số 4, các tỉnh đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống. Tại Phú Thọ, do ảnh hưởng của bão số 4, tại các huyện Đoan Hùng, Hạ Hoà, Cẩm Khê, Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ bắt đầu có mưa nhỏ, rải rác. Tỉnh Phú Thọ đang tập trung chỉ đạo người dân chằng chống nhà cửa, kho tàng đề phòng có gió giật, xoáy lốc; kiểm tra các hồ chứa nước trên địa bàn để có phương án bảo vệ an toàn. Trường hợp có nguy cơ vỡ đập, phải chủ động sơ tán vùng hạ du để đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của nhân dân. Các khu vực có khả năng bị chia cắt do mưa lũ, chính quyền và người dân dự trữ lương thực và những vật dụng cần thiết theo phương châm "4 tại chỗ". Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các huyện vùng cao như Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn, Hạ Hoà, Đoan Hùng... đã chỉ đạo các xã, khu dân cư cần nâng cao cảnh giác với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; tổ chức trực suốt ngày đêm theo dõi diễn biến cơn bão số 4 để có phương án đối phó kịp thời.
 
Tại Nam Định, chiều 12/7, bão số 4 đã gây mưa to kèm gió lớn tại hầu hết các huyện, thành phố tại tỉnh Nam Định, lượng mưa đo được bình quân trong tỉnh là 75 mm. Ở khu vực ven biển nhiều nơi mưa rất to, gió giật cấp 7, cấp 8, biển động mạnh. UBND tỉnh Nam Định đã cử các đoàn công tác xuống các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, cùng với địa phương kiểm tra, bảo vệ các tuyến đê xung yếu, hướng dẫn người dân các xã ven biển gia cố, chằng chống nhà cửa; yêu cầu các Công ty thuỷ lợi Bắc Nam Hà, công ty công trình thuỷ lợi các huyện, thành phố huy động nhân lực, trang thiết bị chủ động tiêu thoát nước đệm, sẵn sàng chống úng cho toàn bộ diện tích rau màu, diện tích lúa mùa mới gieo cấy.
 
Ông Lê Xuân Thuỷ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết: “Đến thời điểm hiện nay, ở Nam Định gió cũng đã giảm, chúng tôi đo được khoảng cấp 4, mưa cũng đã ngừng. Nhìn chung các công trình đê điều và thuỷ lợi đảm bảo tốt, không có vấn đề gì cả. Các công ty thuỷ nông của tỉnh đang tập trung điều hành nước theo quy trình, không có hiện tượng ngập úng. Các hộ nuôi trồng khai thác hải sản và bà con ven biển đảm bảo an toàn về người và tài sản”.
 
Tại Hải Phòng, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố Hải Phòng đã huy động toàn bộ cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng đối phó với tình hình mưa bão. Bộ đội biên phòng thành phố Hải Phòng phối hợp với các chủ tàu, chính quyền địa phương đưa hết tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. Huyện Cát Hải (thành phố Hải Phòng) đã huy động 30 người cùng vật tư, rọ thép và hơn 20 m3 đá hộc để xử lý xong sự cố lún, sụt ở một số đoạn đê biển. Hiện, huyện Cát Hải đã di chuyển tất cả lồng, bè cá về nơi tránh bão an toàn. Tất cả khách du lịch đã trở về đất liền an toàn.
 
Huyện đảo Bạch Long Vĩ mở âu cảng đón các tàu của thành phố và các tỉnh lân cận về tránh báo trong đó Thanh Hoá 59 tàu, Quảng Ngãi 15 tàu, Quảng Ninh 1 tàu, Đà Nẵng 1 tàu... Các huyện chủ động hoành triệt cống xung yếu dưới đê; hạ nước đệm trong hệ thống thuỷ nông, chuẩn bị vận hành các trạm bơm tiêu úng, lên phương án di dời dân vùng đê bối. Tất cả 6 trạm bơm tiêu đã được sữa chữa, vận hành, đảm bảo hoạt động khi xảy ra mưa lớn. Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng đã triển khai kiểm tra, có phương án đảm bảo an toàn cho người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị, các kho hàng hoá ở các bến cảng; tổ chức giải phóng nhanh các tàu đang dỡ hàng.
 
Tại Bắc Kạn - nơi vừa xảy ra lũ quét gây thiệt hại nặng nề về người và của. Rút kinh nghiệm trận lũ vừa qua, tỉnh đã khẩn trương di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Tính đến chiều 12/7, tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo sơ tán trại chỉ huy và lực lượng cứu hộ cùng một số nhà dân ra khỏi vị trí đổ nát tại thôn Khên Lền, xã Công Bằng huyện Pác Nặm để giữ an toàn cho lực lượng cứu hộ, đồng thời khẩn trương giúp dân các hộ dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao, mau tránh khỏi tác hại của cơn bão số 4. Công việc tìm kiếm  thi thể 9 nạn nhân còn lại dưới đống đổ nát  đành gác lại chờ thời tiết thuận lợi, có sự hỗ trợ của phương tiện hiện đại hơn.
 
Tỉnh Bắc Kạn có hàng trăm hộ dân làm nhà ở ven những sườn núi cao dễ sạt lở, hoặc làm nhà ở sát với ta luy dương nguy hiểm, nên dễ có nguy cơ sạt lở do mưa lũ. Chính vì vậy, trước ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân sống trong diện di dời cần phải cảnh giác trước hiểm họa của thiên tai.
 
Tỉnh Hà Giang cũng đã triển khai di dời 297 hộ dân trong vùng nguy cơ sạt, lở đất, lũ quét nguy hiểm tại các huyện Yên Minh, Bắc Quang, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Bắc Mê, Xín Mần và thị xã Hà Giang. 
 
Huyện Bắc Mê đã di dời 56 hộ dân ở bản Kho Là đến bản Vàn, xã Minh Sơn. Huyện vùng cao Xín Mần huy động thanh niên tình nguyện, lực lượng vũ trang địa phương, dân các xã tham gia giúp di chuyển 61 hộ dân ở xã Cốc Pài, 33 hộ dân trong vùng nứt đất ở bản Đán Khao, xã Bản Ngò đến nới ở mới. Huyện Vị Xuyên di dời 88 hộ dân ở xã Cao Bồ ra khỏi vùng có nguy cơ ảnh hưởng lũ quét cao. Huyện Hoàng Su Phì đã thực hiện di chuyển gần 100 hộ dân ở Thông Nguyên, Nậm Ty, Toả Sử Choóng trong vùng sạt, lở đất và lũ quét đến nơi ở mới tại Làng Giang (xã Thông Nguyên).
 
Hiện tỉnh còn khoảng 977 hộ dân cần được di chuyển đến nơi ở mới an toàn. Tuy nhiên, cần được quy hoạch tổng thể, hướng tới an toàn lâu dài và tạo điều kiện cho bà con phát triển kính tế-xã hội. Thêm 297 hộ được di chuyển đến nơi ở mới, Hà Giang bớt lo thảm hoạ thiên tai gây ra nhất là trong mùa mưa và khi sắp chịu ảnh hưởng của cơn bão số 4.
 
Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện, sở, ngành liên quan triển khai các phương án phòng chống bão số 4. Các quận, huyện có đê trên địa bàn tổ chức tuần tra canh gác các tuyến đê, và một số điểm sạt lở tại các quận Long Biên, huyện Gia Lâm, huyện Thanh Trì. Đối với các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ba Vì, Sóc Sơn, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố chuẩn bị phương án sẵn sàng đối phó với khả năng sạt lở đất, lũ quét xảy ra trên địa bàn, bảo đảm an toàn về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
 
Các công ty thủy lợi, công ty đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội chủ động tiêu nước đêm, kiểm tra máy móc thiết bị sẵn sàng chống úng. Ngành điện kiểm tra bảo đảm an toàn lưới điện và sớm cấp điện cho sản xuất và đời sống nhân dân sau mưa bão. Ngành giao thông - vận tải phối hợp với Công an thành phố sẵn sàng cho việc phân luồng giao thông nội và ngoại thành khi xảy ra úng ngập./.
VOVNEWS

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)