Miền Trung và Tây Nguyên: Mưa lớn, ùn tắc giao thông cục bộ
Những ngày đầu tháng 9/2009, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã làm cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên chịu nhiều cơn mưa lớn gây ngập cục bộ một số tuyến giao thông và thiệt hại nặng về người và tài sản.
Những ngày đầu tháng 9/2009, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã làm cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên chịu nhiều cơn mưa lớn gây ngập cục bộ một số tuyến giao thông và thiệt hại nặng về người và tài sản.
Tại TP Đà Nẵng: Mưa lớn các ngày trên được xem là trận mưa “lịch sử” khiến nhiều tuyến đường, khu dân cư bị ngập cục bộ. Trên Quốc lộ 1 A, đoạn cầu Đa Cô, phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) nước chảy cuồn cuộn biến các con đường tại đây thành sông, gây ách tắc giao thông nhiều giờ liền. Các trục đường chính như Lê Duẩn, Quang Trung, Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Hải Hồ… bị ngập sâu 0,5m; gây khó khăn cho người và phương tiện lưu thông.
Ngoài ra, trên tuyến ĐT 604, khu vực qua dốc Kiền bị sạt lở nặng, có nguy cơ chia cắt giao thông các xã Hòa Phú, Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) với xã Ba (Đông Giang, Quảng Nam). Giao thông tại đây bị ngưng trệ, từng đoàn xe nối đuôi nhau xếp hàng chờ ở hai đầu khu vực sạt lở. Theo thống kê, hiện tại toàn TP.Đà Nẵng có 23 điểm ngập nặng trên đường phố và 30 điểm ngập lớn trong khu vực dân cư.
Tại Quảng Nam, nhiều tuyến đường ở thành phố Tam Kỳ cũng bị ngập nặng do mưa lớn dài ngày… Tuyến đường tránh của cầu Vũng Chè hiện đang thi công cũng bị cuốn trôi làm cho tuyến ĐT 611 từ Hương An lên Đông Phú (huyện Quế Sơn) bị ách tắc, các phương tiện giao thông phải tạm thời chuyển sang QL 14E (ngã ba Phú Bình đi Cây Cốc và ngược lại). Đường Hồ Chí Minh qua địa phận huyện Đông Giang xuất hiện nhiều điểm sạt lở. Theo thống kê đến ngày 8/9 có trên 1.000 khối lượng sạt lở trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Quảng Nam. Hàng loạt tuyến giao thông nông thôn ở những vùng trũng thấp bị xói lở nghiêm trọng.
Hiện tại, Hạt Quản lý đường bộ nhanh chóng bố trí lực lượng tập trung khắc phục các điểm sạt lở, vì thế tạm thời đường Hồ Chí Minh vẫn thông xe tốt. Đường tránh cầu Vũng Chè (Quế Sơn) cũng đang được đơn vị thi công khẩn trương khắc phục... Đà Nẵng đã nghiêm cấm đò ngang, đò dọc không đảm bảo an toàn hoạt động trên sông, hồ, biển. Tùy tình hình mưa lũ, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động chỉ đạo các trường cho học sinh nghỉ học; bố trí lực lượng trực ứng cứu tại các công trình hạ tầng xung yếu. Các lực lượng như Công an tỉnh phối hợp Sở GTVT có phương án đảm bảo an toàn giao thông, khắc phục nhanh tình trạng ách tắc trên các tuyến huyết mạch (QL 1A, lên miền núi).
Sở GTVT Thừa Thiên - Huế cho biết, do mưa lớn kéo dài trên địa bàn bị ngập lụt cục bộ một số đoạn tuyến trên các QL, đường tỉnh và đường đô thị. Tuyến QL49B bị ngập ách tắc giao thông một số đoạn từ Km1 đến Km5+200 ngập sâu 0,2-0,5m. Hiện tại các tuyến QL1A, đường tránh phía Tây TP.Huế, QL49A, đường Hồ Chí Minh vẫn đang thông xe tốt.
Các tuyến phía Bắc sông Hương như ĐT4 (Km4-Km5: Tây Phú, Km15: Trần Thủ Lễ, Km39-Km40); ĐT8A (Km6+500 - Km6+800) mặt đường ngập từ 0,2-0,5m gây ách tắc giao thông. Đường 14B lên huyện Nam Đông bị sạt lở 9 điểm; các tuyến phía Nam sông Hương vẫn đảm bảo lưu thông.
Tại Quảng Ngãi các đường phố của TP Quảng Ngãi cũng bị ngập cục bộ. Theo thống kê của Trung tâm PCLB khu vực miền Trung và Tây Nguyên, các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên cũng chịu thiệt hại nặng vì mưa lớn kéo dài.
Các cơ quan chức năng cũng kiểm tra và hướng dẫn giao thông ở những bến đò, ngầm, đình chỉ hoạt động phương tiện không bảo đảm an toàn, không có thiết bị cứu sinh và duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, tổ chức ứng cứu kịp thời…
GV
GTVT