Bình Định: Nỗ lực khôi phục hệ thống giao thông

Thứ tư, 11/11/2009 07:18
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bão số 11 kèm theo lũ lớn đã gây thiệt hại lớn cho hệ thống giao thông của các huyện phía Nam của tỉnh. Hàng trăm km đường, hàng chục cầu cống bị xói trôi, sạt lở nặng, với tổng thiệt hại ước tính 230 tỉ đồng. Sau khi lũ rút, ngành GTVT tỉnh đã nỗ lực khôi phục lại hệ thống giao thông…
Bão số 11 kèm theo lũ lớn đã gây thiệt hại lớn cho hệ thống giao thông của các huyện phía Nam của tỉnh. Hàng trăm km đường, hàng chục cầu cống bị xói trôi, sạt lở nặng, với tổng thiệt hại ước tính 230 tỉ đồng. Sau khi lũ rút, ngành GTVT tỉnh đã nỗ lực khôi phục lại hệ thống giao thông…    

* Thiệt hại nặng nề    

Cơn lũ lớn vừa qua đã làm nhiều tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh bị hư hại nặng. Nhiều tuyến đường bị ngập nặng, nước tràn qua mặt đường, gây sạt lở nghiêm trọng, dẫn đến ách tắc giao thông trong nhiều ngày liền. Trong đó, các tuyến đường bị thiệt hại nặng là QL 19 (đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến huyện Tây Sơn), tuyến ĐT 638 (từ Diêu Trì đi Vân Canh), ĐT 640 (từ cầu Ông Đô đi Cát Tiến)…    

QL 19 đoạn qua địa phận tỉnh ta có đến trên 10 điểm bị hư hỏng nặng. Trong đó, nặng nhất là 3 cầu lớn: cầu Cao (km 7+593), cầu Lò Vôi (km 10+371) và cầu Trường Úc (km 10+476) đường dẫn vào 2 đầu cầu bị sập với tổng chiều dài gần 30 m. Riêng cầu Phú Phong (thị trấn Phú Phong) - điểm xung yếu nhất trên QL 19, bị nước lũ xô lệch làm nghiêng cầu. Công ty Quản lý và Xây dựng đường bộ Bình Định (Khu Quản lý đường bộ 5) đã kịp thời cho gia cố trụ tạm, đồng thời nhờ lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh phân luồng cho từng xe một qua cầu tạm để tiến hành khắc phục sự cố. Ngoài ra, trên suốt tuyến đường này, nhiều chỗ nền đường, mặt đường bị xói lở nghiêm trọng, tạo thành nhiều ổ gà, ổ voi rất nguy hiểm cho người và xe cộ tham gia giao thông.    

Hệ thống tỉnh lộ cũng bị hư hỏng nặng. Tuyến ĐT 638 bị hư hỏng nặng nhất, với trên 10 điểm bị sạt lở nghiêm trọng và 6 cây cầu bị gãy, sập đường dẫn, gây đứt đường. Trong đó, cầu Ngô La (km 13+100) bị sập 50 m đường dẫn; cầu Hiển Thông (km 25+275) sập 25 m; cầu Suối Dú (km 36+540) sập 15 m; cầu Kà Xim (km 32+500) và cầu Suối Trình (km 35+900) bị gãy 2 nhịp… Ngoài ra, trên tuyến đường này còn có 4 điểm bị nước lũ gây xói lở, đứt đường với tổng chiều dài gần 20 m…    

Các tuyến giao thông nông thôn cũng đã bị nước lũ tàn phá, đặc biệt là ở các xã khu Đông của huyện Tuy Phước và các xã miền núi của huyện Vân Canh. Theo thống kê bước đầu, tổng thiệt hại do bão lũ lần này gây ra đối với hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh lên đến 234 tỉ đồng. Ngoài ra, một số tuyến đường chưa thống kê được mức độ hư hại do còn bị ngập chìm trong nước lũ.    

* Tập trung khắc phục hậu quả    

Ngay trong thời gian lũ lớn, các đơn vị quản lý đường bộ Trung ương và địa phương đã phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông khẩn trương triển khai phương án khắc phục, cắt cử người túc trực hướng dẫn giao thông tại các vị trí bị hư hỏng, bị ngập lũ. Ngay sau khi lũ rút, đêm 4.11, các đơn vị quản lý đường bộ đã nhanh chóng tập trung nhân lực, phương tiện và thiết bị để kịp thời thông xe bước một, nhằm bảo đảm giao thông trong thời gian ngắn nhất.    

Công ty Quản lý và Xây dựng đường bộ Bình Định đã tập trung lực lượng khắc phục ngay sự cố cầu Phú Phong trên QL 19, kịp thời đảm bảo giao thông thông suốt. Công ty CP Giao thông thủy bộ (GTTB) Bình Định đã tập trung trên 30 xe tải chở đất, đá; 3 xe đào; 4 xe ủi tập trung khắc phục nhưng điểm bị hư hỏng nặng trên QL 19 (đoạn từ ngã ba Ông Thọ đến Cầu Gành) và tuyến ĐT 638, ĐT 640. Ngoài ra, đơn vị cũng đã huy động gần 100 công nhân tiến hành hốt đất đá do sụt taluy; rào chắn các đoạn ngập nước, làm kè đá để bảo vệ nền đường, tạo điều kiện cho người dân đi lại được thuận tiện.    

Sau khi nước rút, ngành GTVT tỉnh, chính quyền các địa phương cũng đã khẩn trương khắc phục hậu quả trên các tuyến giao thông nông thôn. Đến chiều 8.11, hầu hết những điểm sạt lở ở những đoạn đường mà nước lũ đã rút, đều được khôi phục tạm thời, đảm bảo phục vụ việc đi lại, sản xuất, giao lưu hàng hóa của nhân dân. Hiện ngành GTVT tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị khẩn trương chèn lót ổ gà, khơi thông cống rãnh nhằm đảm bảo giao thông được thuận tiện và bảo vệ đường. Riêng 2 cầu Kà Xim và cầu Suối Trình bị gãy khá lớn, nên chưa khắc phục xong. Công ty CP GTTB Bình Định đã làm đường dẫn và cầu tạm để người dân đi bộ qua lại và đang tập trung khắc phục sự cố gãy cầu để sớm thông xe.    

Hiện nay, khó khăn lớn đối với các đơn vị quản lý đường bộ trên địa bàn tỉnh là hệ thống cầu đường tại đây chịu đựng nhiều trận bão lũ liên tiếp đã hư hỏng và xuống cấp nhanh. Trong lúc đó, lưu lượng xe cộ lưu thông trên các tuyến đường này quá lớn, nhưng kinh phí duy tu, sửa chữa lại thiếu hụt. Do vậy, việc đảm bảo giao thông theo kiểu “gồng mình chống đỡ” đang là một thách thức quá lớn.    

Sở GTVT đã chỉ đạo các đơn vị quản lý giao thông trên địa bàn tỉnh tạm thời ứng vốn để kịp thời khắc phục hậu quả, trên tinh thần nước rút đến đâu là sửa chữa, thông đường ngay đến đó. Tuy nhiên, do mức độ thiệt hại khá lớn, kinh phí của các đơn vị có hạn, nên hiện nay công tác khôi phục hệ thống giao thông sau lũ trên địa bàn tỉnh ta chỉ mới dừng lại ở việc gia cố, tu sửa tạm thời để đảm bảo giao thông trước mắt. Ông Đỗ Nguyên Đức - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh - cho biết: “Hiện Sở GTVT đang tiếp tục tiến hành khảo sát thực trạng của toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh, tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT, UBND tỉnh sớm hỗ trợ kinh phí để kịp thời sửa chữa, nhằm tránh những thiệt hại nặng nề về sau”.    

BBD

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)