Cơn bão số 10 với sức tàn phá ghê gớm mà hậu quả của nó đã ảnh hưởng trên diện rộng, suốt từ các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản và trực tiếp ảnh hưởng đến giao thông vận tải đường sắt.
Cơn bão số 10 với sức tàn phá ghê gớm mà hậu quả của nó đã ảnh hưởng trên diện rộng, suốt từ các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản và trực tiếp ảnh hưởng đến giao thông vận tải đường sắt.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo PCLB Ứng phó sự cố thiên tai và CNĐS, để kịp thời chỉ đạo và có các phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả bão lũ, ngay từ tối ngày 29/9/, Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đã cử các đoàn công tác do Phó Tổng giám đốc Ngô Cao Vân thường trực và trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường. Kể từ đêm 30/9/2013, bão số 10 đã bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề đến giao thông vận tải ĐS, nhất là tại các khu đoạn từ Đông Hà - Quảng Trị và Thanh Luyện - Phú Lễ, đã có rất nhiều đất đá sạt lở, cây cối, cột điện bị đổ vào ĐS, …
Chịu thiệt hại nặng nề nhất vẫn là hệ thống kết cấu hạ tầng ĐS: Hệ thống TTTH bị tê liệt hoàn toàn, làm ảnh hưởng đến liên lạc và chỉ huy chạy tàu. Trong thời gian diễn ra mưa bão có 16 đoàn tàu đang hoạt động trên tuyến, vì vậy, để đảm bảo an toàn, ngành ĐS đã cho dừng 1 số tàu tại các ga dọc đường. Đặc biệt, ngay trong đêm 30/9, rạng sáng ngày 1/10, các công ty QLĐS Bình Trị Thiên, Quảng Bình đã huy động toàn bộ lực lượng đi dọc tuyến thu dọn đất đá, cây đổ, khai thông đường. Nhờ những nỗ lực của CBCNV các đơn vị ĐS trong khu vực, ngay trong đêm 30/9/2013, tuyến ĐS qua địa bàn các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đã được thông tuyến an toàn.
Tuy nhiên, đến chiều 1/10/2013, tại địa bàn huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, đê chắn lũ Cầu Tây, xã Trúc Lâm bị vỡ, đã gây ngập lụt trên diện rộng và ảnh hưởng nặng nề đến tuyến ĐS chạy qua địa bàn huyện Quỳnh Lưu, thị trấn Hoàng Mai. Đoạn ĐS từ km 224 đến km 254 (Khoa Trường - Hoàng Mai - Trường Lâm) đã bị trôi nền đường, trôi đá, treo ray. Trước tình hình đó, Công ty QLĐS Thanh Hóa đã khẩn trương tập trung người và phương tiện khắc phục sự cố.
ĐSVN đã chính thức bãi bỏ tất cả các các tàu đi vào phía Nam từ tối ngày 1/10/2013, gồm: SE1 (xuất phát lúc 19h), SE 19 (19h35), NA1 (21h30) và SE3 (23h). Hành khách có vé đi các tàu này đến ga để được hoàn lại 100% giá vé hoặc đổi vé để đi tàu khác. Vé trả lại có giá trị hoàn trả sau 5 ngày kể từ ngày xuất phát ghi trên vé. Đối với những hành khách trên các đoàn tàu đang nằm chờ dọc đường chưa thể chuyển tải sang phương tiện khác, ngành ĐS bảo đảm chu đáo việc cung cấp lương thực cho hành khách.
Ngay trong tối ngày 1/10/2013, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV ĐSVN Trần Ngọc Thành cùng Phó TGĐ Trần Phúc Tiến, Phó Tổng giám đốc Phạm Công Trịnh đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa bão, cứu chữa đường, nhằm sớm trả đường, thông tuyến trong thời gian sớm nhất.
Với sự tập trung, nỗ lực, không quản mưa rét, khó khăn, CBCNV Công ty QLĐS Thanh Hóa đã hoàn thành việc cứu chữa đường. Tuyến ĐS qua địa bàn Hoàng Mai, Thanh Hóa đã chính thức thức được thông đường vào lúc 23h40’ ngày 1/10/2013. Ngay sau đó, ĐSVN tiếp tục tổ chức chạy các đoàn tàu bình thường.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Ga La Khê, sáng sớm 2/10/2013, do nước trên núi tràn về đã gây ứ đọng, ngập ĐS Ga La Khê (nước ngập trên đỉnh ray khoảng 250 - 300mm) và gây trôi đá nền đường tại điểm km 396+450 – km 396+700 khu gian La Khê - Phúc Tự nên ĐSVN phải đình chỉ chạy tàu từ 7h15’ sáng 2/10/2013. Công ty TNHH MTV QLĐS Nghệ Tĩnh đã khẩn trương tập trung nhân lực và thiết bị khắc phục, sửa chữa nên đến 13h15’ ngày 2/10/2013 đã trả đường, dẫn tàu 5km/h. Tuyến ĐS Bắc - Nam thông tuyến và hoạt động trở lại./.
Nguồn: Đường sắt Việt Nam