Mùa mưa bão năm nay, các phương án phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trên hệ thống đường thủy nội địa đã và đang được các ngành, địa phương, đơn vị... trên địa bàn Hà Tĩnh khẩn trương hoàn tất.
Theo Sở GTVT Hà Tĩnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 246,5 km đường thủy nội địa đưa vào quản lý, trong đó, 167,5 km (6 tuyến) là tuyến đường thủy nội địa quốc gia ủy thác cho Sở GTVT quản lý; 87 km (3 tuyến) do địa phương quản lý. Các tuyến này đều được giao cho Công ty CP Quản lý và Xây dựng (QL&XD) công trình giao thông Hà Tĩnh quản lý, bảo trì và bố trí lực lượng thường trực 24/24h tại các trạm, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, kể cả trong các đợt mưa bão...
Các hoạt động khai thác, vận chuyển cát xây dựng trên sông La,
đoạn qua huyện Nghi Xuân gây mất an toàn luồng tuyến khi xẩy ra mưa lũ.
Dẫn chúng tôi đi “thị sát” một số tuyến sông, ông Nguyễn Trọng Anh - cán bộ Công ty CP QL&XD công trình giao thông Hà Tĩnh cho biết, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đơn vị còn bố trí lực lượng trực đường kiểm tra thường xuyên khả năng khai thác và tình trạng an toàn trên sông (kể cả các công trình vượt sông). Ngoài ra, đơn vị triển khai các trạm điều tiết, phân luồng khi các công trình cầu vượt sông có sự cố, các tuyến đường thủy không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia trên tuyến; thường xuyên duy trì hệ thống thông tin liên lạc và báo cáo kịp thời nhằm đảm bảo đưa ra phương án hợp lý, xử lý kịp thời, huy động tối đa nhân lực, vật lực.
Do nắm vững đặc điểm tình hình nên trên từng tuyến sông, Công ty CP QL&XD công trình giao thông Hà Tĩnh đều có phương án đảm bảo an toàn phù hợp, kịp thời... Cụ thể: trên tuyến sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố và sông La (dài trên 100 km) thường dễ bị ảnh hưởng của lũ nên công tác an toàn giao thông luôn được chú trọng. Ngoài công tác bố trí báo hiệu trên bờ, dưới nước, định kỳ, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương ký cam kết với các chủ bến đò ngang không được chở quá tải, quá số người quy định, phương tiện phải đảm bảo kỹ thuật, đầy đủ trang thiết bị cứu sinh, cứu hộ. Nếu phương tiện nào không đạt, đề nghị chính quyền địa phương đình chỉ.
“Cụm cầu Chợ Thượng - Thọ Tường nằm gần nhau, khi lũ lên, nước chảy xiết, phương tiện qua lại dễ mất lái, va chạm với trụ cầu, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng, đơn vị đã chủ động đề xuất với Cục Đường thủy nội địa, cho điều tiết hướng dẫn giao thông và chống va trôi qua khu vực cầu...” - ông Anh nói.
Trên tuyến sông Nghèn (kênh Nhà Lê), đoạn từ cầu Nghèn - cống Trung Lương, lưu lượng phương tiện lớn, chủ yếu là phương tiện vận chuyển cát vật liệu xây dựng có tải trọng từ 50-200 tấn nhưng luồng hẹp, trên tuyến có 19 cầu, cống đã xây dựng lâu, nay đã xuống cấp, khoang thông thuyền hẹp nên ảnh hưởng rất lớn đến an toàn giao thông. Đơn vị đã chủ động lắp đặt hệ thống báo hiệu cảnh báo, báo hiệu hướng dẫn tại các cầu cống.
Công tác quản lý và đảm bảo giao thông khi mùa mưa bão về cơ bản đã được các ngành, địa phương, đơn vị... trong toàn tỉnh chuẩn bị chu tất. Bên cạnh việc lắp đặt báo hiệu theo các vị trí đã được phê duyệt đảm bảo đúng quy định để hướng dẫn phương tiện qua lại các khu vực, Công ty CP QL&XD công trình giao thông Hà Tĩnh còn bố trí 3 trạm quản lý đường sông tại 3 khu vực, với đủ lực lượng và nhiều phương tiện như tàu công tác, xuồng cao tốc... Các lực lượng công an, quân sự, biên phòng tỉnh, các địa phương có tuyến thủy nội địa cũng đã sẵn sàng phương án ứng phó, đảm bảo an toàn cho người, tài sản của Nhà nước và nhân dân khi xảy ra bão lũ.
Theo ông Nguyễn Văn Mai - Trưởng phòng Quản lý giao thông (Sở GTVT), khi có lũ lụt xẩy ra, Công ty CP QL&XD công trình giao thông và các phòng, ban chức năng thuộc sở sẽ phối hợp với các lực lượng, địa phương tăng cường công tác kiểm tra luồng tuyến, khả năng thông thuyền tại các công trình bắc qua sông để kiểm soát tình hình và cảnh báo kịp thời. Nếu luồng tuyến không đảm bảo an toàn cho các phương tiện qua lại, phải thông báo cho các phương tiện, phối hợp với thanh tra để tổ chức trực điều tiết.
Tình huống trên các tuyến đường thủy nội địa bị ách tắc, luồng tuyến không đảm bảo cũng đã được tính đến. Theo đó, do các tuyến đường thủy trên địa bàn tỉnh mang tính độc đạo, không có luồng tuyến thay thế khi lũ lụt xẩy ra, mặt khác, phương tiện vận tải hoạt động chưa nhiều, chủ yếu là vận chuyển vật liệu xây dựng từ Nam Đàn, Hương Khê, Đức Thọ về Hồng Lĩnh, Can Lộc, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, do đó, trong trường hợp mưa, lũ gây ngập, nước chảy xiết; hoặc nước dâng cao không đảm bảo khả năng thông thuyền tại các công trình vượt sông, đơn vị quản lý phối hợp với chính quyền địa phương có phương án cảnh báo, điều tiết và thông báo cho tất cả các phương tiện vào nơi tránh, trú.
Đối với các đò ngang dân sinh, được biết, hầu hết các đò đều chèo bằng tay, do đó, đơn vị quản lý sẽ phối hợp với chính quyền địa phương cho tạm dừng hoạt động và đưa thuyền về nơi neo đậu an toàn.