Mặc dù đời sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng người dân ở thôn Khuông Bình, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) vẫn tự nguyện đóng góp công sức, tiền của và tích cực vận động những người con của địa phương làm ăn xa hỗ trợ để làm đường giao thông nông thôn, mang lại diện mạo mới cho quê hương.
Đường làng, ngõ xóm đều bê tông
Thôn Khuông Bình có 230 hộ dân sinh sống được phân chia ở 3 đội sản xuất cũ số 3, 4 và 15. Nhân dân trong thôn sống chủ yếu nghề làm ruộng, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, lại là vùng rốn lũ “mới mưa đã ngập”, cơ sở hạ tầng đường giao thông toàn đường đất đi lại khó khăn. Từ khi thực hiện cơ chế đặc thù xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của tỉnh Bình Định, người dân hưởng ứng nhiệt tình và chỉ sau 3 năm (2015-2017) đã có gần 4.600 m đường giao thông từ đường thôn đến đường xóm và ngõ xóm được đổ bê tông, đạt 100%.
Đường làng thôn Khuông Bình đều được bê tông sạch đẹp.
Dẫn chúng tôi tham quan những tuyến đường mới được bê tông hóa sạch đẹp, ông Trần Văn Đào, Trưởng thôn Khuông Bình, vui mừng cho biết: “Việc làm đường giao thông nông thôn nhằm tạo điều kiện cho người dân thuận tiện trong việc đi lại, vận chuyển nông sản, qua đó nâng cao đời sống. Vì vậy, thôn đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia hiến đất, đóng góp công sức, vật chất để làm đường giao thông nông thôn. Sau khi có chủ trương của tỉnh hỗ trợ xi măng, huyện hỗ trợ một phần tiền, xã hỗ trợ tiền lập dự toán, thiết kế, Ban nhân dân thôn đến từng xóm vận động, ban đầu người dân còn “lừng khừng”. Nhưng sau khi chúng tôi phân tích XDNTM là làm cho cuộc sống của người dân tốt lên, trước mắt là vấn đề đi lại thuận lợi phục vụ lợi ích lâu dài của bà con và con em chúng ta sau này nên nghe ra người dân đều đồng tình ủng hộ. Năm 2015 mới phát động nhưng đã làm được 1.670 m đường bê tông; vậy là năm 2016 bà con chứng kiến những con đường mới làm đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả nên đăng ký làm thêm 2.345 m đường bê tông, năm 2017 tiếp tục bê tông 581 m đường cuối cùng đưa vào sử dụng làm thay đổi diện mạo mới cho một vùng quê khó khăn”.
Nhờ vào sức dân
Do nằm ở vùng thường chịu tác động thiên tai và nhiều đường ngang, vì vậy cứ vào mùa mưa bão đường giao thông liên tục bị lũ xuyên phá, khi làm đường bê tông phải nâng đường theo quy chuẩn và xây mái ta luy 2 bên dẫn đến chi phí làm đường tăng cao hơn các nơi khác nhưng người dân vẫn sẵn sàng đóng góp. Theo ông Trần Văn Đào, số tiền mà người dân địa phương đóng góp mua vật liệu xây mái ta luy và mua cát sỏi đổ bê tông lên gần 1 tỉ đồng và hiến 700 m2 đất ruộng để làm đường.
Ông Hồ Khắc Bố (83 tuổi), người đi đầu trong vận động làm đường bê tông ở thôn Khuông Bình, thổ lộ: “Trước tiên mình vận động trong nhà thực hiện trước, con gái tôi làm ăn, sinh sống ở Đồng Nai gởi về 15 triệu đồng ủng hộ, trước đó cũng ủng hộ 10 triệu làm cầu bê tông của thôn. Dù tuổi cao, tôi cũng đóng góp thêm 2 triệu đồng, rồi người dân trong xóm, trong thôn cùng chung tay góp sức, giờ cầu, đường qua xóm của 37 hộ dân ở đều bê tông phẳng lì, nông thôn giờ quá thuận lợi, đi đâu về tới nhà không còn cảnh chân đầy bùn đất như trước đây”.
Còn ông Lê Văn Quí (49 tuổi) vui mừng nói: “Phong trào hiến đất, góp tiền làm đường là việc nhân dân cần làm, vì không chỉ lợi ích cho mình, cho bà con lối xóm, mà còn để con cháu mình về sau được sống tốt hơn. Bởi thế, gia đình tôi gương mẫu thực hiện trước rồi đi vận động thêm các hộ khác. Phong trào được bà con đồng tình hưởng ứng cao, bởi bà con rất mong có con đường mới sạch đẹp, việc đi lại và giao lưu hàng hóa được thuận lợi hơn. Gia đình tôi và người em ruột đóng góp 63 triệu đồng xây mái và bê tông mặt đường vào xóm và gia đình, với chiều dài 108 m, giờ đi lại thoải mái, mới rồi vận chuyển vật liệu xây dựng nhà mới thuận lợi.
Bên cạnh sự đóng góp của người dân trong thôn thì những người con sống xa quê cũng đóng góp hàng chục triệu đồng tiền làm cầu, đường cho thôn Khuông Bình, trong đó có chị Hồ Thị Trang (ở Đồng Nai), ông Lê Công Ánh (ở Đắk Lắk), ông Lê Công Quang (ở Kon Tum)…
Có thể nói, thôn Khuông Bình đã trở thành điểm sáng trong phong trào XDNTM của xã Phước Thắng, góp phần đưa xã về đích nông thôn mới trong năm 2019, đồng thời tạo động lực giúp nhân dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.