Ngoài tiếp tục khắc phục các vị trí đường bị hư hỏng do mưa lũ, các đơn vị phải tập trung sửa chữa những chỗ phát sinh mới.
Đoàn công tác Tổng cục ĐBVN kiểm tra tại các vị trí đường bị hư hỏng
sụt trượt ta luy âm đe dọa nứt đường
Ngày 24/7, đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã đi kiểm tra hiện trường công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại 2 tỉnh chịu thiệt hại nặng nề sau đợt mưa lớn kéo dài và bão số 3 ở khu vực Bắc Miền Trung.
Hoàn lưu bão đã gây ra lũ lụt và sạt lở nghiêm trọng ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Nhiều huyện khu vực trung du, miền núi bị lũ quét, ngập lụt nghiêm trọng. Mưa lũ đã làm 4 người chết, 3 người mất tích, hư hại 244 ngôi nhà, hàng vạn héc ta hoa màu bị ngập lụt...
Về giao thông, ông Nguyễn Văn Khiêm - Phó Giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa cho biết: Thiệt hại trên các công trình giao thông qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa tạm tính cũng lên đến 73 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại ở 8 tuyến quốc lộ là 47 tỷ đồng, còn lại là các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ và đường giao thông ở khu vực miền núi.
QL16 qua địa bàn Thanh Hóa bị chia cắt 4 ngày liên tục vì sạt lở đất
Cũng theo ông Khiêm, trong đợt này, hư hại nặng nề và nghiêm trọng nhất nằm ở 2 tuyến đường, gồm QL 217 và QL16. Số điểm sạt lở ta luy dương lên đến 150 điểm, khối lượng ước tính khoảng 35.000m3; 20 vị trí sạt lở taluy âm với tổng chiều dài tuyến khoảng 300m. Đặc biệt, có tới 25 vị trí sạt lở gây chia cắt giao thông.
Còn tại Nghệ An, mưa lũ cũng gây thiệt hại không nhỏ trên các tuyến giao thông của địa phương này. Ước tính sơ bộ của Cục QLĐB II, đến thời điểm này thiệt hại về giao thông là khoảng 10 tỷ đồng. Hư hỏng tập trung chủ yếu ở các vị trí bị sạt lở ta luy và hệ thống cống rãnh. Ngoài ra, mưa lớn gây ngập nặng cục bộ dẫn đến chia cắt trong thời gian dài ở một số tuyến quốc lộ như: QL7, QL46 và QL46B. Phải đến ngày 20/7 nước rút, các tuyến mới thông trở lại.
Theo ghi nhận của PV, trên QL16 đoạn Km165 qua huyện Thường Xuân, Thanh Hóa hiện vẫn còn 1 vị trí bị chia cắt do sạt lở đất. Một khối lượng đất đá ước hơn 10.000m3 vẫn chắn ngang đường khiến người và phương tiện không thể lưu thông. Trên tuyến QL7 qua địa bàn huyện Tương Dương, mới phát sinh 2 vị trí sụt trượt ta luy âm, đang tiếp tục tạo ra các vết nứt ở mặt đường gây nguy hiểm nghiêm trọng cho người và phương tiện tham gia giao thông. Các đơn vị phải lập rào chắn, cắm biển cảnh báo từ xa để đảm bảo ATGT.
“Hiện tại các vị trí sạt lở, hư hỏng ở mức trung bình trên các tuyến đường tỉnh, quốc lộ trên địa bàn cả 2 tỉnh đã cơ bản được khắc phục xong, đủ điều kiện thông xe bước 1 và các đơn vị quản lý giao thông đang tiếp tục khắc phục bước 2. Riêng đối với các vị trí sạt lở nghiêm trọng trên QL16, QL7, QL217... Sở GTVT Thanh Hóa vẫn đang tích cực khắc phục để thông xe, đảm bảo giao thông” – đại diện lãnh đạo Cục QLĐB II và Sở GTVT Thanh Hóa cùng cho biết.
Trực tiếp kiểm tra hiện trường và đánh giá sơ bộ các vị trí đang phát sinh nguy cơ sụt trượt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Xuân Ảnh yêu cầu: Trước mắt, Sở GTVT Thanh Hóa phải chỉ đạo đơn vị trúng thầu quản lý, duy tu QL47, QL217 và QL16 tập trung tối đa nhân lực, thiết bị xử lý triệt để các vị trí sạt lở gây vùi lấp cống, hệ thống rãnh dọc để đề phòng mưa lớn tiếp diễn có thể gây sói trôi nền, mặt đường. Chỉ đạo huy động thêm máy xúc, máy ủi thông tuyến QL16 trước ngày 26/7 để phục vụ công tác tiếp tế lương thực, ứng phó sự cố sau mưa bão ở các thôn bản khu vực miền múi phía Tây tỉnh Thanh Hóa.
Đối với Cục QLĐB II, lãnh đạo Tổng cục ĐBVN yêu cầu phải tiếp tục cử người theo dõi, điều tiết giao thông tại các vị trí phát sinh sự cố, đồng thời xây dựng phương án khắc phục tối ưu báo cáo Tổng cục. Trong thời gian tới, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các đơn vị quản lý đường bộ triển khai các phương án phòng chống thiên tai, lụt bão theo phương châm “bốn tại chỗ”, không để các tuyến đường chia cắt kéo dài; Tiếp tục huy động nhân lực, vật lực rút ngắn thời gian khắc phục các vị trí đường bị hư hỏng, sụt trượt.